Thành lập năm 2000, hệ thống của CTCP Tư vấn-Thương mại- Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) khởi đầu là các nhà môi giới bất động sản. Niêm yết năm 2010, như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, HQC đạt lợi nhuận đỉnh cùng với sự sốt nóng của thị trường.
Tuy nhiên, sự đóng băng của địa ốc giai đoạn 2011 - 2014 khiến HQC dù không lỗ hay phá sản, nhưng lợi nhuận lao dốc nghiêm trọng, từ mức 26 tỷ đồng năm 2011 về còn 19 tỷ đồng trong năm 2012. Hai năm 2013 và 2014, lợi nhuận của HQC đã tăng trở lại, ở mức tương ứng 23 tỷ đồng và 30 tỷ đồng, nhưng so với quy mô của một doanh nghiệp địa ốc vốn hàng nghìn tỷ đồng, đây là con số rất khiêm tốn.
Giai đoạn 2008 - 2010, doanh nghiệp địa ốc đua nhau tập trung phát triển phân khúc chung cư cao cấp với giá bán 3 - 4 tỷ đồng/căn hộ. Giá nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội, TP. HCM bị đẩy lên quá cao, có khi tăng 20-30% chỉ trong vài tuần sau mở bán.
Giá bán cao khiến những người dân có nhu cầu thực không thể mua nhà. Khi bong bóng bất động sản vỡ, những nhà đầu tư thứ cấp “ăn xổi” đành phải nhanh chóng bán tháo tài sản để trả nợ ngân hàng. Nhiều dự án bất động sản hạng sang tại Hà Nội và TP. HCM giảm giá mạnh, thậm chí giảm tới 50%.
Căn hộ không bán được, doanh nghiệp không có nguồn thu để trả lãi vay, thường ở mức ngất ngưởng 18-20%/năm, chưa kể đến trả gốc. Siết nợ, gán nợ khiến bất động sản giai đoạn này trở thành “cục máu đông” nợ xấu: ngân hàng sợ cho vay, doanh nghiệp bất động sản không có vốn tiếp tục đầu tư và người mua cẩn trọng.
Vòng xoáy luẩn quẩn đó đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận ra được nhu cầu nhà ở của người dân là có thực, những “con sóng” căn hộ cao cấp chỉ là “cơn sốt ảo”. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa tới 2.000 USD/năm, thu nhập tại các thành phố lớn cao gấp 2 - 3 lần con số bình quân, nhưng để mua được những căn hộ vài tỷ đồng, thậm chí lên tới cả chục tỷ đồng là khó khả thi. Nhu cầu của người dân thực sự vẫn là những căn hộ diện tích tối ưu, với giá bán dao động từ 0,7 - 1 tỷ đồng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp địa ốc nhanh chóng đổi hướng.
HQC là một ví dụ. Khởi đầu là chuỗi căn hộ Cheery 1, 2, 3 và nền nhà phố Cinderelle 1, 2 và 3. Tiếp theo đó, năm 2012, HQC mua 1 phần dự án Trung tâm thương mại và khu chung cư cao tầng xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn.
Trong quá trình chuyển đổi dự án nhà ở thương mại HQC Plaza sang nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HQC đã xác định hướng đầu tư của HQC là lấy nhà ở xã hội làm cốt lõi. Chính vì vậy, ngoài HQC Plaza, Công ty cũng chuyển dự án tại Hóc Môn sang mô hình nhà ở xã hội.
Tháng 10/2015, HQC liên tiếp khởi công 2 dự án nhà ở xã hội HQC Hàm Kiệm tại tỉnh Bình Thuận và HQC Hồ Ngọc Lãm, quận 8, TP. HCM, qua đó nâng tổng số dự án nhà ở xã hội đã khởi công trong năm 2015 lên con số 5.
Từ một doanh nghiệp có tin đồn bị phá sản vào năm 2011, tới nay, HQC đã sở hữu 5 dự án nhà ở xã hội tại TP. HCM và 7 dự án nhà ở chuỗi HQC khác ở các tỉnh, thành đang trong giai đoạn đầu tư. Số căn hộ nhà ở xã hội bung ra thị trường vượt ngưỡng 1.000 căn/quý, nâng tổng số căn hộ sẽ được bàn giao cho khách hàng từ quý IV/2015 đến hết năm 2017 là hơn 15.000 căn hộ và HQC trở thành doanh nghiệp có nguồn cung nhà ở xã hội lớn nhất hiện nay.
Nhờ việc bàn giao 1 phần dự án HQC Hóc Môn và HQC Plaza, HQC cho biết, năm 2015 ước đạt khoảng 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành kế hoạch “gây sốc” được đưa ra tại ĐHCĐ hồi đầu năm và gấp 11 lần năm 2014. Doanh thu và lợi nhuận tại 2 dự án trên sẽ tiếp tục được ghi nhận trong quý I và quý II/2016. Ngoài ra, trong năm 2016, HQC còn có nguồn thu từ dự án HQC Nha Trang (1.002 căn hộ), HQC Phú Tài (306 căn hộ), HQC Bình Minh giai đoạn 1 (khoảng 900 căn), HQC Hàm Kiệm giai đoạn 1 (khoảng 1.200 căn).
Với việc nắm bắt và kiên trì theo đuổi định hướng cung cấp nhà ở xã hội cho nhu cầu thực sở hữu nhà của đại bộ phận người dân, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện thực hóa chính sách nhà ở, chắc chắn phân khúc nhà ở xã hội sẽ vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp mới có thể sẽ gia nhập phân khúc tiềm năng này, nhưng lợi thế vẫn luôn dành cho những người tiên phong mở đường.