Mặc dù số liệu thống kê cho thấy có sự dịch chuyển về giá trị giao dịch từ HOSE chuyển sang HNX và UPCoM. Tuy nhiên, số liệu dịch chuyển vẫn chưa cho thấy dấu quá lớn.
Xét trong dài đoạn từ 1/3 - 11/3/2021, tỷ trọng giá trị giao dịch cả hai sàn HNX và UPCoM trong tổng giá trị giao dịch của cả thị trường dao động từ 18 - 21% và duy trì ổn định kể từ đầu tháng tới nay.
Lũy kế theo tháng cho thấy có dấu hiệu dịch chuyển mạnh hơn. Tỷ trọng giá trị giao dịch của HNX và UPCoM tháng 10/2020 là 14,3%, tháng 11/2020 là 14,5%, tháng 12/2020 là 15,7%, tháng 1/2021 là 16,8%, tháng 2/2021 là 15,9% và lũy kế từ 1/3 - 11/3 là 18,8%.
Như vậy, chỉ trong vòng gần 5 tháng, tỷ trọng giá trị giao dịch của HNX và UPCoM đã tăng thêm 4,4% lên 18,8%.
Bên cạnh đó, xét về giá trị giao dịch kể từ tháng 10/2020 tới tháng 1/2021 thì giá trị giao dịch trên hai sàn HNX và UPCoM tăng trung bình 28,1%, cả ba sàn tăng 26,7%.
Như vậy, tổng giá trị giao dịch trên hai sàn HNX và UPCoM có dấu hiệu tăng mạnh hơn so với toàn thị trường. Trong đó, tháng 2/2021 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên số lượng ngày giao dịch giảm so với tháng 1/2021 dẫn tới thanh khoản giảm.
Trở ngại của sàn HNX
Tính tới ngày 11/3, nếu xét trung bình khớp lệnh 20 phiên trên sàn HNX chỉ có 21 mã cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh trung bình trên 1 triệu cổ phiếu/phiên. Trong đó, tập trung vào các cổ phiếu lớn như SHB, PVS, SHS, NVB, HUT, IDC, KLF…
Trong khi đó, khối lượng khớp lệnh từ 0,5 đến dưới 1 triệu cổ phiếu/phiên chỉ có 19 mã như KVC, APS, PVL, MST, IDJ, GKM…
Điều này cho thấy sự lựa chọn cổ phiếu cơ bản, thanh khoản cao và có thể giao dịch được đối với nhà đầu tư là hạn chế. Được biết, nhà đầu tư trung bình với quy mô vốn từ 500 triệu đến dưới 3 tỷ đồng sẽ có rất ít lựa chọn khi đầu tư vào sàn HNX. Trong đó, các cổ phiếu đáp ứng điều kiện thanh khoản và yếu tố cơ bản như SHB, PVS, SHS, IDC…
Trở ngại của thị trường UPCoM
Tương tự như sàn HNX, thị trường UPCoM thanh khoản trung bình cổ phiếu từ trên 1 triệu cổ phiếu/phiên chỉ có 20 mã bao gồm BSR, OIL, VGT, SBS, PVX, G36, DDV, QTP, ABB, PGB, MSR, VGI…
Thanh khoản cổ phiếu từ 0,5 đến 1 triệu cổ phiếu/phiên chỉ có 9 mã bao gồm ATB, CTR, QNS, PVM, DRI, CC1, PVP, EVF và LTG.
Như vậy, để lựa chọn cổ phiếu để đầu tư với một nhà đầu tư cá nhân có quy mô vốn trung bình từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng là tương đối ít lựa trọn trên UPCoM. Ngoài ra, do cổ phiếu giao dịch trên UPCoM không được cấp margin, điều này tiếp tục gây trở lại đối với nhà đầu tư khi chuyển dịch sang.
Vì sao câu hỏi "trách nhiệm" của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI dậy sóng thị trường chứng khoán?
Nói như vậy có thể thấy, mặc dù có sự dịch chuyển nhất định dòng tiền từ sàn HOSE qua hai sàn còn lại khi sàn HOSE gặp lỗi hệ thống, nhưng do trở ngại về lượng cổ phiếu có thể giao dịch hạn chế, bên cạnh tỷ lệ hỗ trợ margin thường không cao tại HNX và không được hỗ trợ margin trên UPCoM cản bước sự dịch chuyển của dòng tiền.
Nếu như sắp tới, các cổ phiếu trên hai hàn HNX và UPCoM được cấp margin nhiều hơn và cải thiện thanh khoản, điều này kỳ vọng có thể thu hút thêm dòng vốn chuyển dịch sang, bởi vì lỗi hệ thống trên HOSE tiếp tục kéo dài và chưa biết thời điểm có thể vận hành ổn định.