Hợp tác xã không phải là doanh nghiệp

Hợp tác xã không phải là doanh nghiệp

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Tham vấn về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”, diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua. Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10/2012, Quốc hội khoá XIII sẽ thông qua dự án Luật này.

Hợp tác xã không phải là doanh nghiệp ảnh 1

Nguyên tắc hoạt động của HTX là “đối nhân”, vì lợi ích xã viên chứ không vì lợi nhuận

 

Xác định rõ bản chất của hợp tác xã

Ông Đông cho biết, Luật Hợp tác xã năm 2003 ngay phần mở đầu đã quy định, “hợp tác xã là doanh nghiệp…”. Đây là một hạn chế cơ bản dẫn đến các cấp, các ngành, lãnh đạo các địa phương và đặc biệt là người dân chưa có nhận thức đầy đủ về bản chất và tính ưu việt của tổ chức hợp tác xã kiểu mới. Sau gần 10 năm thực hiện, mô hình hợp tác xã kiểu mới ở nhiều nơi đã bị biến tướng hoặc bị lợi dụng để trục lợi từ chính sách.

Đồng tình với đánh giá trên, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc làm rõ bản chất hợp tác xã là vấn đề quan trọng hàng đầu trong dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi lần này. Bởi lẽ, bản chất của hợp tác xã là yếu tố quyết định các vấn đề khác liên quan như quyền, nghĩa vụ của thành viên; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của hợp tác xã; xử lý tài sản khi giải thể hợp tác xã…

Đi thẳng vào trọng tâm của dự thảo Luật, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Sài Sòn Co.op khẳng định, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế của những người yếu thế có cùng nhu cầu và lợi ích, liên kết lại và tương trợ lẫn nhau trong việc chống lại sức ép của thị trường để tự bảo vệ mình và phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm và hướng đến các lợi ích chung của xã viên và cộng đồng.

Cho rằng hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể đặc thù, mang bản chất xã hội sâu sắc, việc khẳng định bản chất xã hội là một thuộc tính đặc thù riêng có của hợp tác xã có ý nghĩa rất quan trọng, làm cho hợp tác xã khác với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, ông Hòa nhấn mạnh, đây cũng chính là cơ sở để Nhà nước có những chính sách đặc thù cho hợp tác xã.

Đặc trưng cơ bản trong hoạt động của hợp tác xã, theo ông Hòa, là nguyên tắc “đối nhân” và hoạt động với mục tiêu vì lợi ích, chứ không vì lợi nhuận. Vốn tích lũy không chia là nguồn vốn ban đầu của hợp tác xã - chủ yếu từ vốn góp của xã viên, qua thời gian hình thành quỹ tích lũy không chia để bổ sung vốn cho nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh của hợp tác xã. Nói cách khác, một phần của “riêng” thuộc “sở hữu của từng xã viên” đã được chuyển hóa thành “tài sản chung không chia” thuộc “sở hữu tập thể” của hợp tác xã. “Đây là những mầm mống ban đầu của chủ nghĩa xã hội”, ông Hòa nói.

 

Cần những chính sách sát với thực tiễn

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, từ những bản chất và đặc trưng của hợp tác xã thì thấy rõ hợp tác xã không chỉ đơn thuần là một tổ chức kinh tế như các loại hình doanh nghiệp khác, mà còn có chức năng xã hội rất quan trọng. Cụ thể, thay vì Nhà nước phải trực tiếp giải quyết các vấn đề kinh tế và đời sống cho số đông người dân, thì Nhà nước chỉ cần có các chính sách để giúp hình thành và phát triển mạnh mẽ các tổ chức hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ thay Nhà nước tập hợp số đông những người yếu thế trong xã hội, tự tổ chức các hoạt động sản xuất - kinh doanh và tự quản lý một cách dân chủ để giúp họ giải quyết các nhu cầu của mình.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhận xét, quỹ tín dụng ra đời đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn quỹ này không đáp ứng đủ cho nhu cầu vốn của người dân. Vì vậy, ông Thanh kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế giúp hợp tác xã tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các ngân hàng chính sách, các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đặc biệt là có cơ chế để các tổ chức tín dụng chấp nhận cho hợp tác xã được vay tín chấp với một mức vốn nhất định nào đó.

Đồng tình với kiến nghị trên, nhiều đại biểu còn đề nghị, ngoài việc hợp tác xã huy động vốn từ xã viên, nên cho phép hợp tác xã được huy động vốn từ xã hội; luật hóa việc hình thành quỹ trợ vốn hợp tác xã, hỗ trợ thành lập ngân hàng hợp tác xã; giúp hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các nguồn viện trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các chương trình mục tiêu, các quỹ hỗ trợ khác của Nhà nước.

Ngoài ra, Nhà nước nên cho phép hợp tác xã được trả chậm các khoản tiền sử dụng đất, tiền mua nhà xưởng trong một khoảng thời gian nhất định; miễn thuế thu nhập đối với phần lợi nhuận trích lập hình thành quỹ tích lũy không chia để bổ sung vốn cho hợp tác xã; xem xét giảm hoặc miễn thuế cho các hợp tác xã.