FCV - “bệ phóng” thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh
Với chủ đề “Hỗ trợ chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng - tài chính tại Việt Nam”, chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (FCV) 2019 được thiết kế với 11 vấn đề trọng tâm, trong đó bao gồm 4 vấn đề thuộc nhóm chủ đề Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI);
4 vấn đề thuộc nhóm chủ đề Phổ cập tài chính (Financial Inclusion) và 3 vấn đề thuộc nhóm chủ đề An ninh mạng (Cyber Security).
Trong đó, các công ty tham gia dự thi được chia thành 2 nhóm, bao gồm: Nhóm các công ty Fintech đã phát triển giải pháp và cung ứng sản phẩm ra thị trường (Mature Fintech Startups) và Nhóm các công ty Fintech khởi nghiệp (Early-stage Fintech Startups).
So với 141 công ty Fintech trong nước và nước ngoài đến từ 30 quốc gia trên thế giới tham gia FCV 2018, thì FCV 2019 đã thu hút được số lượng kỷ lục với 208 công ty đến từ 28 quốc gia trên thế giới đăng ký dự thi (167 Fintech nước ngoài và 41 Fintech trong nước) tính đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ.
Ðiều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng Fintech, cũng như thể hiện tầm quan trọng và uy tín của FCV 2019 do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng phối hợp tổ chức, trên cơ sở tiếp nối thành công từ FCV 2018 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.
Kết quả, 2 giải Nhất đã thuộc về 2 công ty Fintech Việt Nam ở cả 2 nhóm. Trước hết, phải nói rằng, các Việt Nam lọt vào vòng chung kết đều là những tổ chức uy tín, có giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ðây cũng là điều kiện cần thiết để thu hút các nhà đầu tư, các đối tác thương mại tiềm năng trong tương lai.
Thành công tại vòng chung kết FCV 2019 là những cố gắng, nỗ lực tuyệt vời của các Fintech Việt Nam, với ý chí, khát khao, hoài bão mang những ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo của mình để giới thiệu ra thị trường.
Tôi cho rằng, kết quả này là hoàn toàn xứng đáng, như một sự khẳng định rằng các Fintech Việt Nam có khả năng cung ứng những giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn thị trường và đủ khả năng cạnh tranh với các Fintech nước ngoài.
Liên quan đến tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các Fintech Việt Nam, theo báo cáo mới nhất “Fintech in ASEAN: from Start-up to Scale-up” do Ngân hàng UOB, PwC và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) công bố, Singapore là quốc gia có tỷ lệ vốn đầu tư vào Fintech lớn nhất khu vực ASEAN (51%) và lượng vốn đầu tư vào thị trường Fintech tại Việt Nam chiếm 36%.
Giá trị tuyệt đối của các thương vụ đã công bố đạt 410 triệu USD trên tổng số 800 triệu USD được đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2019.
Ðiều này cho thấy, mặc dù đang trong giai đoạn đầu sự phát triển, song lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn do sự năng động của các Fintech và sự hỗ trợ tích cực cho đổi mới, sáng tạo của Chính phủ, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chương trình FCV năm 2018 và 2019 đã tạo được tiếng vang, khẳng định vai trò tiên phong của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đẩy mạnh hợp tác ngân hàng - Fintech, góp phần tạo sự phát triển năng động, hiệu quả của thị trường này.
FCV đã tạo sân chơi lành mạnh cho các tổ chức khởi nghiệp Fintech có cơ hội giới thiệu các ý tưởng/giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiện đại trên nền tảng công nghệ và mang đến những trải nghiệm mới cho người sử dụng, cũng như xã hội.
Mặt khác, chương trình FCV đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng Fintech trong và ngoài nước, các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý trong khu vực.
Ðiều này cho thấy, FCV đã tạo được uy tín và được cộng đồng Fintech trong và ngoài nước đánh giá tích cực.
Ðây là tiền đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tổ chức các cuộc thi về Fintech tương tự trong tương lai, với các chủ đề phù hợp thực tiễn phát triển của thị trường.
Ðối với các Fintech Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, những thành công đạt được từ FCV 2019 sẽ là “bệ phóng” vững chắc để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, có cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều sự hợp tác hơn nữa giữa ngân hàng và Fintech, tạo sự phát triển năng động của thị trường.
Với những triển vọng phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thời gian qua, hy vọng rằng trong năm 2020, các Fintech Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài rộng lớn hơn.
Sandbox chỉ là một trong những cách quản lý đối với các doanh nghiệp Fintech
Fintech Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ.
Nếu nhìn vào danh sách Fintech 100 năm 2019 do KPMG công bố, chúng ta có thể nhận thấy sự sụt giảm về số lượng các Fintech trong lĩnh vực thanh toán từ 34 công ty năm 2018 xuống 27 công ty năm 2019, trong khi số lượng các Fintech hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản, bảo hiểm và các công ty hoạt động đa lĩnh vực có xu hướng gia tăng.
Ðiều này cho thấy sự chuyển dịch về cơ cấu đầu tư, cũng như nguồn vốn đầu tư đổ vào các lĩnh vực Fintech khác khi lĩnh vực thanh toán có sự cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu của thị trường đã dần bão hòa.
Sự nổi lên của các Fintech trong lĩnh vực quản lý tài sản và bảo hiểm cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy, xu hướng phát triển của ngành Fintech đang ngày càng được phổ cập sâu rộng và nhu cầu của người sử dụng những dịch vụ này đã phát triển lên một cấp độ mới.
Tuy nhiên, do đặc điểm thị trường ở Việt Nam, thanh toán vẫn là lĩnh vực giữ vai trò quan trọng, với 32 công ty đã được cấp phép hoạt động và chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào 2 công ty trung gian thanh toán đã chiếm tới gần 98% tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực Fintech trong năm 2019.
Khi thế giới bắt đầu nhắc đến sự xuất hiện của các công ty Fintech, thì cũng xuất hiện 2 dự báo đối với tương lai phát triển của lĩnh vực tài chính: thứ nhất, các Fintech với công nghệ đột phá sẽ cạnh tranh, dần xóa bỏ sự thống trị thị trường của các ngân hàng truyền thống; thứ hai, Fintech và ngân hàng sẽ “hợp tác phát triển cùng có lợi”.
Cho đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng, xu hướng dự báo thứ hai đang dần trở thành hiện thực khi sự kết hợp giữa các ngân hàng truyền thống và các Fintech trên thực tế đang đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai, cũng như khách hàng khi mối quan hệ “cộng sinh” này sẽ giúp tận dụng được thế mạnh của nhau.
Cụ thể, các Fintech có thể tận dụng được thế mạnh của ngân hàng xét về yếu tố vốn, cơ sở khách hàng (customer base) rất lớn sẵn có, kinh nghiệm quản trị rủi ro, bộ phận tuân thủ pháp luật chuyên nghiệp…
Còn các ngân hàng có thể tận dụng được ở các Fintech giải pháp công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo như chấm điểm tín dụng, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học…, giúp dự báo nhu cầu của khách hàng với độ tin cậy, chính xác cao.
Ngoài ra, các Fintech còn rất nhanh nhạy và linh hoạt (agility) đối với sự phát triển của thị trường. Do vậy, hợp tác ngân hàng - Fintech vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo và dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam và trên thế giới trong những năm tới.
Theo khảo sát sơ bộ, hợp tác giữa Fintech và ngân hàng chiếm tới hơn 90% số lượng các công ty Fintech.
Cụ thể, đối với lĩnh vực trung gian thanh toán, 100% công ty trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động đều hợp tác với các ngân hàng hàng trong quá trình hoạt động cung ứng dịch vụ.
Ðối với các lĩnh vực khác, khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng cũng rất chặt chẽ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, dựa trên những lợi thế riêng của từng bên để mang lại các sản phẩm, dịch vụ với nhiều trải nghiệm hơn, chất lượng hơn và quan trọng là chi phí hợp lý hơn cho khách hàng.
Ở Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của Fintech trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cũng như tương lai phát triển của lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tiếp cận với Fintech; đánh giá tác động của lĩnh vực mới này đối với thị trường và xã hội, tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam.
Cụ thể, trong hơn 2 năm qua, kể từ thời điểm thành lập Ban chỉ đạo Fintech (tháng 3/2017), Ngân hàng Nhà nước đã xác định khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực Fintech là ưu tiên hàng đầu và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để nghiên cứu, nhằm hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech tại Việt Nam.
Ðể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech nói chung và Fintech trong hoạt động thanh toán nói riêng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan như ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán;
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NÐ-CP ngày 4/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền (trong đó, bổ sung quy định về việc nhận biết khách hàng mà không cần gặp mặt trực tiếp - NF2F);
Nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong thanh toán số, ngân hàng số tại Việt Nam…
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đánh giá tác động chính sách đối với phương án xây dựng Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Sandbox chỉ là một trong những cách tiếp cận quản lý đối với các doanh nghiệp Fintech hoặc ngân hàng có các giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo muốn được tham gia thử nghiệm, việc hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp lý vẫn được tiến hành song song.
Như vậy, khuôn khổ pháp lý sẽ tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện một cách rõ ràng, minh bạch, hỗ trợ cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của các Fintech tại Việt Nam thời gian tới.