MB chọn Ernst & Young Advisory Pte. Ltd làm đối tác thực hiện hợp đồng tư vấn “Dự án phân tích khoảng cách và xây dựng lộ trình triển khai Basel II”

MB chọn Ernst & Young Advisory Pte. Ltd làm đối tác thực hiện hợp đồng tư vấn “Dự án phân tích khoảng cách và xây dựng lộ trình triển khai Basel II”

Hợp sức để nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng

(ĐTCK) Không phải tất cả các ngân hàng đều sẵn sàng và đủ sức thực thi Basel II, nhưng các ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thí điểm chọn lựa đang dành nhiều nỗ lực để sớm thực thi chuẩn mực này.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), trong chiến lược phát triển 2011-2015, quản trị rủi ro hàng đầu và thẩm định tín dụng vượt trội đã được xác định là một trong hai nền tảng quan trọng giúp MB định vị mình trong TOP 5 ngân hàng TMCP tại Việt Nam. Triển khai Basel II, dù đã và sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Ban lãnh đạo MB xác định, đây là một bước đi phù hợp, hỗ trợ Ngân hàng củng cố chất lượng quản trị, hướng đến các mục tiêu cao hơn trong chặng đường 5 năm sắp tới. 

Hợp sức để thực thi Basel II

Triển khai áp dụng Basel II là một yêu cầu nhằm nâng cao các chuẩn mực trong hệ thống giám sát của NHNN, tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro cho các tổ chức tín dụng tại Việt Nam trước xu thế hội nhập và mở cửa thị trường tài chính ngày càng mạnh mẽ. Đây là một nội dung quan trọng thuộc Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 của NHNN.

Tuy nhiên, do nền kinh tế mấy năm gần đây phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng cao và khả năng sinh lời giảm sút, nên không phải tất cả các ngân hàng đều đủ sức và sẵn sàng áp dụng Basel II.

Trong bối cảnh này, NHNN chọn lựa 10 ngân hàng đầu tiên, thí điểm áp dụng Basel II theo lộ trình thực hiện từ năm 2015 đến 2018, với mong muốn sau giai đoạn này, Basel II sẽ được áp dụng rộng rãi tại các NHTM còn lại. 10 ngân hàng đầu tiên gồm 3 ngân hàng TMCP Nhà nước có cổ phần chi phối (VCB, BIDV, CTG) và 7 ngân hàng TMCP (MB, STB, ACB, TCB, VPB, VIB, MSB).

Nhằm thúc đẩy sự phát triển an toàn, bền vững của mỗi ngân hàng và toàn hệ thống ngân hàng, thực hiện tuân thủ Basel II sẽ là một yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng. Không chỉ với ngân hàng Việt Nam, ngay cả với các ngân hàng trong khu vực, áp dụng Basel II cũng không phải là việc dễ dàng, không phải ngân hàng nào cũng dám thực thi và có thể thực thi được quy chuẩn này do những thiếu hụt dữ liệu đáp ứng các yêu cầu định lượng rủi ro, kinh nghiệm triển khai, năng lực của đội ngũ nhân sự và năng lực tài chính trong triển khai.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB cho biết, lộ trình NHNN đưa ra cho các ngân hàng TMCP nói chung là rất thách thức, nhưng MB sẽ quyết tâm thực hiện. Đầu tháng 8 vừa qua, MB đã chính thức chọn Công ty Ernst & Young Advisory Pte. Ltd (Singapore) trong số 6 ứng viên, làm đối tác thực hiện hợp đồng tư vấn “Dự án phân tích khoảng cách và xây dựng lộ trình triển khai Basel II”.

Việc công bố đối tác của MB so với một số ngân hàng khác là hơi chậm, nhưng đó là sự lựa chọn kỹ càng trên cơ sở hai bên đã có sự thấu hiểu, làm việc cùng nhau trong quãng đường dài và cùng quyết tâm thực hiện dự án Basel II.

Theo bà Hà, triển khai hợp tác với Ernst & Young sẽ giúp MB nhìn nhận được bức tranh tổng thể về khoảng cách giữa thực hành quản trị rủi ro hiện tại của MB với các yêu cầu của Hiệp ước vốn Basel II và thông lệ quốc tế. Đây là nền tảng để MB xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết trong các năm tới nhằm hướng đến tuân thủ các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ủy ban Basel, phù hợp với định hướng và lộ trình mà NHNN xây dựng. 

Bước chuyển về quản trị rủi ro cho ngân hàng

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2014, một trong những nội dung quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên thảo luận là tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Thủ tướng yêu cầu triển khai với tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu.

“Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”, Thủ tướng nói.

Sở dĩ ngành ngân hàng luôn được quan tâm đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc của Chính phủ, bởi ngành này được ví như “huyết mạch” của cơ thể, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia.

Hiện Việt Nam có một ngân hàng thương mại nhà nước và 37 ngân hàng TMCP đang hoạt động trong bối cảnh áp lực xử lý các ngân hàng yếu kém để tạo môi trường, không gian rộng mở hơn cho các tổ chức tín dụng lành mạnh hoạt động đang ngày càng lớn.

Điểm thuận lợi với MB khi triển khai Basel II là từ năm 2011, Ngân hàng đã xác định, quản trị rủi ro là một trong hai nền tảng hoạt động để thực thi các mục tiêu chiến lược của HĐQT giai đoạn 2011- 2015. Với định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn, MB và các công ty con có những phân khúc kinh doanh riêng biệt, áp lực nâng cao chất lượng quản trị để giữ gìn an toàn hệ thống, đảm bảo sự phát triển nhanh, nhưng bền vững và lành mạnh luôn được Ban lãnh đạo MB quan tâm hàng đầu.

“NHNN mong muốn toàn hệ thống ngân hàng triển khai Basel II vào năm 2018, MB sẽ phấn đấu hoàn thành giai đoạn nghiên cứu để có thể triển khai tuân thủ theo các yêu cầu của Basel II phù hợp với tiến độ mà NHNN đề ra”, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công nói.

Để thực thi được kế hoạch tham vọng trên, ông Lê Công cho biết, cùng việc lập Tổ công tác riêng cho Basel II, MB sẽ sớm chuyển nội dung này thành chương trình hành động chung của toàn hệ thống. Việc làm này nhằm giúp mọi nhân sự MB hiểu được và cùng hành động thực hiện dự án Basel II trong mục tiêu giúp MB bước vững chắc, bước nhanh và hiệu quả trong khối các ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Đánh giá về 10 ngân hàng đang triển khai Basel II, CTCK VPBS mới đây cho biết, cả 10 ngân hàng đều có hệ số CAR tại thời điểm 30/6/2014 trên 10, với tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản dao động từ 2,29% đến 4,12%. Trong số này, chỉ có BID, VCB và MB là ba ngân hàng trong hệ thống thực hiện phân loại nợ theo phương pháp định tính (Điều 7 Quyết định 493) - phương pháp được đánh giá là cẩn trọng hơn so với phương pháp định lượng (Điều 6 Quyết định 493). Các chuyên gia VPBS chia sẻ, kinh nghiệm ở nhiều quốc gia châu Á cho thấy, thường phải mất 5 đến 7 năm để hoàn toàn tuân thủ Basel II. Nếu lấy mốc 2012 là khởi điểm, kỳ vọng năm 2018, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới có thể hoàn thành tuân thủ Basel II.

Tin bài liên quan