Hợp nhất PVFC -Westernbank: liệu có “cú hẫng”?

Hợp nhất PVFC -Westernbank: liệu có “cú hẫng”?

(ĐTCK) PVcombank, ngân hàng hình thành sau hợp nhất PVFC-Westernbank sẽ phải đối mặt với những gì?

>> Ông Nguyễn Đình Lâm làm Chủ tịch PVCombank 

 

Không chỉ khác nhau về hình thức tái cấu trúc, thương vụ hợp nhất giữa Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC, Tập đoàn Dầu khí nắm 78% vốn) và Ngân hàng Phương Tây (Westernbank) có những điểm khác biệt rất đặc thù, nếu đem so sánh với thương vụ sáp nhập SHB và Habubank. Chính điểm khác biệt này đã khiến sự ra đời của ngân hàng mới - Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcombank) trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

 Hợp nhất PVFC -Westernbank: liệu có “cú hẫng”? ảnh 1

Thương hiệu PVFC sắp được đổi thành PVcombank

Đại hội đồng cổ đông: dữ dội và êm đềm

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngày 28/4/2012 của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) diễn ra trong nảy lửa. Lần đầu tiên, sau 2 thập kỷ hoạt động, các cổ đông của Habubank phải đối mặt với sự mất mát quá lớn. Về với Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hoặc rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là bài toán mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho các cổ đông tại cuộc họp.

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của SHB diễn ra sau đó, dù không dữ dội như cuộc họp ĐHCĐ của Habubank, nhưng nhiều câu hỏi hóc búa đã được đặt ra cho Ban lãnh đạo SHB về tương lai của ngân hàng sau sáp nhập.

Một năm sau đó, tại cuộc họp ĐHCĐ đầu tiên của SHB sau khi sáp nhập với HBB đã diễn ra với cả hai tâm trạng: vui với việc hoàn tất sáp nhập, nhưng lo ngại về việc làm sao giải quyết bài toán nợ xấu.

Trái ngược với sự căng thẳng trong thương vụ nói trên, thương vụ PVFC -Westernbank có diễn biến khá êm ả. Các cuộc họp ĐHCĐ của Westernbank và PVFC không có những tranh cãi nảy lửa, hay sự bóc mẽ các vấn đề khuất tất của các bên.

 

Vì sao PVFC - Westernbank lại… êm ả?

Với văn hóa của người Á Đông, việc “sang nhà người khác” ngồi, chấp nhận mất thương hiệu của “nhà mình”, nơi đã gắn bó nhiều năm là điều không dễ dàng với nhiều cổ đông của Habubank. Điều đó giải thích vì sao, các cuộc họp ĐHCĐ của Habubank để bàn thảo và thông qua chủ trương sáp nhập lại căng thẳng đến vậy. Cổ đông Habubank đã tự nguyện trong bắt buộc, vì họ không còn lựa chọn nào khác, khi buộc phải tìm một ngã rẽ cho tương lai ngân hàng này.

Đối với Westernbank, sự khác biệt có lẽ nằm ở… PVFC. Từ những năm 2011, PVFC đã lên kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty tài chính sang NHTM. Để làm được việc này, có mấy cách PVFC lựa chọn. Một là, xin trực tiếp NHNN cho phép chuyển đổi mô hình hoạt động. Hai là, lựa chọn một NHTM khác để sử dụng giấy phép kinh doanh thông qua mua bán/ hợp nhất/ sáp nhập.

Việc PVFC tự mình xin chuyển đổi giấy phép từ công ty tài chính sang NHTM không phải quá khó, nhưng mất thời gian và phụ thuộc quá nhiều vào quyền quyết định của cơ quan quản lý. Để mua lại một NHTM, trong bối cảnh NHNN chủ trương tái cấu trúc các NHTM yếu kém và bản thân không ít ông chủ NHTM đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn là một giải pháp rất hợp thời của năm 2012. Còn nhớ, trong một số cuộc gặp gỡ trao đổi với báo chí, lãnh đạo PVFC từng bật mí: có đối tác sẵn sàng góp vốn tham gia vào quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của PVFC. Từ đây, câu chuyện bắt đầu hé lộ.

Trong tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2013 của Westernbank, một trong những điểm đáng quan tâm là thông tin liên quan đến giao dịch bán gần 3.270 tỷ đồng mệnh giá cổ phần của 48 cổ đông trong năm 2012. Cũng trong một tài liệu về tình hình tài chính của Westernbank hồi tháng 7/2012, cơ cấu tài sản của ngân hàng này đã sụt giảm mạnh nửa đầu năm 2012, sau đó tăng dần ổn định cho đến nay.

Kết hợp hai nội dung trên, dư luận dần hiểu ra sự thật: cơ cấu cổ đông, tài sản của Westernbank đã được tái cấu trúc, chuẩn bị sẵn sàng cho việc hợp nhất với PVFC từ năm 2012, chứ không phải đến năm 2013 như thời điểm công bố thông tin ra bên ngoài.

Những giằng co trong quá trình giải quyết nợ xấu, cơ cấu lại tài sản Westernbank không phải không có, nhưng rõ ràng, nó đã được các bên dàn xếp. Để rồi, tại cuộc họp thông qua chủ trương hợp nhất tại Westernbank, đó chỉ là câu chuyện hai bên đã thống nhất từ trước.

 

PVcombank sẽ phải đối mặt với những gì?

Nợ xấu của cả PVFC và Westernbank đều cao (cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của PVFC là 4,5%, tỷ lệ nợ xấu tại Westernbank là 6,84%), nhưng nợ xấu của Westernbank không thấm tháp vào đâu với quy mô tài sản của PVcombank sau hợp nhất. Thêm vào đó, theo thông tin từ một thành viên HĐQT PVcombank mới được bầu hôm 8/9, thì Westernbank đã có được cam kết trả nợ từ phía các “con nợ” và hầu hết các khoản nợ xấu của Westernbank đều có tài sản đảm bảo.

Còn đối với PVFC, thêm một khoản nợ xấu từ Westernbank, tất nhiên sẽ thêm sức ép, nhưng tổng nợ xấu của cả 2 đơn vị sau hợp nhất chỉ 4,2% tổng dư nợ cho vay (dự kiến đến 31/12/2013). Trong khi đó, PVFC sẽ có nhiều lợi thế hơn nếu chuyển thành NHTM, nên cộng thêm khoản nợ xấu của Westernbank không phải là điều đáng ngại.

Lợi thế này là gì? Theo Chủ tịch PVcombank Nguyễn Đình Lâm là Ngân hàng sẽ được thực hiện dịch vụ thanh toán. Tất nhiên là vẫn phải cạnh tranh với các NHTM khác, nhưng với lợi thế “người nhà”, chỉ cần là đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán với một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị thanh toán của hệ thống Tập đoàn Dầu khí thì PVcombank đã đủ sống.

Về vấn đề nhân sự và khớp nối sổ sách, giấy tờ, thương vụ PVFC-Westernbank cũng có nhiều thuận lợi hơn. Với những ai quan tâm đến Westernbank và PVFC sẽ thấy, ngay từ năm 2012, một số lãnh đạo của PVFC đã chuyển qua đảm nhận các chức vụ quan trọng tại Westernbank. Trong năm 2012 và đặc biệt là từ đầu năm 2013 đến nay, Westernbank đã tích cực tuyển dụng nhân sự với sự tham gia của PVFC. Với sự đồng thuận và chuẩn bị về nhiều mặt, thương vụ PVFC-Westernbank chốt phương án hợp nhất một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tương lai sau hợp nhất như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào nỗ lực của chính ngân hàng này trong thời gian tới.