Hợp nhất 3 ngân hàng: Sự tự nguyện đúng thời điểm

Hợp nhất 3 ngân hàng: Sự tự nguyện đúng thời điểm

(ĐTCK-online) Trước khi hợp nhất, cả 3 ngân hàng đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời. Sự tự nguyện hợp nhất với sự hỗ trợ thanh khoản của BIDV đã khiến điều lo ngại nhất không xảy ra. Ngoài ra, nó còn giúp Đề án tái cấu trúc ngân hàng đến đích sớm hơn dự định.

>> Hợp nhất 3 ngân hàng

Sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng được công bố ngày hôm qua (6/12) khá bất ngờ với nhiều người. Dù biết, việc hợp nhất hay những hình thức khác như sáp nhập/mua lại rồi sẽ phải xảy ra trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng theo hầu hết dự đoán của các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện các giải pháp này sẽ rất khó khăn do tập quán kinh doanh thiếu hợp tác của khối ngân hàng Việt.

Chính vì vậy, việc Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa tự nguyện hợp nhất là một điểm nhấn đáng chú ý. Và nếu sự tự nguyện này được nhân rộng trong toàn hệ thống ngân hàng, có thể Đề án tái cấu trúc ngân hàng sẽ đến đích sớm hơn dự định.

Nói điều này là bởi, trong phần trình bày trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thì việc bán, sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng chỉ được thực hiện ở giai đoạn ba của quá trình tái cơ cấu.

Hai giai đoạn trước là bảo đảm khả năng chi trả của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống, giai đoạn hai là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án đã được duyệt.

Cũng trong đề án tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ được xác định làm 3 nhóm, trong đó nhóm thứ 3 là những ngân hàng có tình hình tài chính khó khăn. Nhóm này sẽ được thực hiện tái cấu trúc bằng cách thay đổi cơ cấu cổ đông hoặc cho sáp nhập vào các tổ chức khác. Lộ trình là sẽ hoàn thành tái cấu trúc nhóm 3 từ quý II/2012 đến hết năm 2013.

Thời gian như vậy là rất gấp, nếu không có sự đồng thuận thì câu chuyện sẽ không dễ dàng, cho dù theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, số lượng ngân hàng nhóm 3 là không nhiều.

Một chi tiết để chứng minh cho sự không dễ dàng đó là đối với trường hợp 3 ngân hàng nói trên, dù tự nguyện, nhưng theo Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn, vẫn cần đến 3 năm để thực hiện quá trình củng cố sau hợp nhất. Đó là chưa kể tới sự thuận lợi của 3 ngân hàng trên khi có sự hỗ trợ tích cực của BIDV - một ngân hàng lớn có nhiều kinh nghiệm.

Một điều khác cần nói rõ, đó là cả 3 ngân hàng trên, trước khi hợp nhất, đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời. Sự tự nguyện hợp nhất với sự hỗ trợ thanh khoản của BIDV đã khiến điều lo ngại nhất không xảy ra, đó là khách hàng hoang mang, rút tiền hàng loạt gây bất ổn không chỉ với chính các ngân hàng đó, mà còn có thể 'lây lan' cho toàn hệ thống ngân hàng.

Bản thân các ngân hàng này, sau khi thông tin về việc hợp nhất được công bố sáng ngày hôm qua, giao dịch vẫn diễn ra bình thường, khách hàng không có tâm lý e ngại.

Cuối cùng, sự tự nguyện còn có một giá trị đặc biệt khác, đó là tạo ra một tiền lệ tốt trong việc chung sức để vượt qua khó khăn. Có thể, một trường hợp chưa đủ xóa đi 'thói quen' xấu thiếu sự hợp tác trong văn hóa kinh doanh của lĩnh vực ngân hàng nói riêng và của DN Việt nói chung. Nhưng chắc chắn, đây sẽ là một ví dụ rất đáng tham khảo trong hợp tác kinh doanh của các DN trong thời gian tới.