Cuối tháng 9/2019, bà Nguyễn Thị Kiều Liên (ở Hà Nội) khởi kiện Phòng công chứng số 1 Hà Nội, đề nghị tòa án tuyên hủy hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của vợ chồng bà tại Khu tập thể Nhà máy Cầu Diễn (Hà Nội).
Đây là tài sản mà chồng bà là ông Nguyễn Văn Vinh thế chấp để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại du lịch Hải Long tại BIDV vào năm 2005. Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty số tiền 2 tỷ đồng để mua xe ô tô.
Ngoài tài sản trên, Công ty Hải Long còn đảm bảo bằng tài sản của bên thứ ba là quyền sử dụng đất của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thủy.
Trong quá trình vay vốn, Công ty Hải Long mới trả được một phần gốc và lãi là 809 triệu đồng. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu phát mại 2 tài sản đảm bảo trên và tòa án có quyết định chấp thuận vào năm 2013. Quyết định này bị các chủ tài sản phản ứng.
Tại hợp đồng thế chấp thứ nhất, bà Nguyễn Thị Kiều Liên xác định hợp đồng bị vô hiệu do bị giả mạo.
Theo trình bày của vợ chồng bà Liên, nhà đất tại Khu tập thể Nhà máy Cầu Diễn là tài sản chung của hai người.
Ông Vinh thừa nhận, chữ ký của vợ ông trong hợp đồng bảo lãnh bị giả mạo. Kết luận giám định của cơ quan hình sự - Bộ Công an cũng thể hiện chữ ký trong hợp đồng và chữ ký mẫu không phải chữ ký do cùng một người ký ra.
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xác định, ông Nguyễn Văn Vinh biết nhà đất là tài sản chung, nhưng không thông báo cho vợ tham gia ký kết.
Khi chứng thực, công chứng không kiểm tra người phụ nữ xưng tên bà Liên là trái với Nghị định 75/2000/NĐ-CP quy định về công chứng, chứng thực.
Ngân hàng không phát hiện sai người ký kết nên cũng phải chịu một phần lỗi.
Tòa án đã tuyên buộc Công ty Hải Long phải trả nợ gốc và lãi là 4,3 tỷ đồng. Chia theo tỷ lệ đảm bảo, tài sản của vợ chồng ông Vinh chiếm 35% giá trị khoản vay (khoảng 1,4 tỷ đồng).
Do hợp đồng thế chấp bị vô hiệu toàn bộ nên không có khả năng thu hồi. Do đó, ông Vinh và phòng công chứng chịu trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng gần 1 tỷ đồng, trong khi ngân hàng phải chịu 1/6 giá trị thiệt hại, tương đương 511 triệu đồng.
Với cùng lý do, tài sản đảm bảo thứ hai cũng bị vô hiệu. Theo tòa án, chủ tài sản, phòng công chứng và ngân hàng mỗi bên phải chịu trách nhiệm tương đương 1/6 giá trị tài sản.
Nếu chủ tài sản đã trả đủ tiền thì ngân hàng phải hoàn trả lại sổ đỏ cho họ.
Trong một vụ việc tương tự của Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên (ở Bình Dương) và Kienlongbank, tòa án đã tuyên vô hiệu hợp đồng tín dụng do vi phạm điều kiện vay vốn.
Cụ thể, hợp đồng thế chấp thể hiện hồ sơ vay vốn không hợp pháp, không đúng thực tế khách quan.
Tài sản thế chấp là dự án nhà máy nước đá không thực hiện được, nhưng các bên vẫn cố ý ký kết hợp đồng.
Theo tòa án, ngân hàng giải ngân bằng tiền mặt khi tài sản chưa giải chấp, chưa có hợp đồng chuyển nhượng là không đúng quy trình thu hồi nợ, không đủ điều kiện hợp pháp chuyển nhượng tài sản, gây thất thoát vốn vay.
Mặt khác, khách hàng sử dụng tiền vay sai mục đích là chiếm dụng trái phép tài sản ngân hàng. Khi giải quyết hợp đồng vô hiệu, tòa án xác định, bên vay và ngân hàng đều có lỗi nên mỗi bên phải chịu một nửa thiệt hại.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một kiểm sát viên cao cấp cho biết, thực tế có nhiều vụ việc tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu.
Những trường hợp này thường do lỗi cố ý của các bên. Theo quy định, khi tuyên hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp vô hiệu, tòa án sẽ giải quyết hậu quả từ quyết định này.
Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan tố tụng phải xem xét giải quyết theo cách khác, chẳng hạn tách riêng yêu cầu của đương sự để giải quyết trong một vụ án khác như việc tuyên vô hiệu hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp như đã nêu ở trên.