Hơn 8,9 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 8,9 triệu ca nhiễm và hơn 466.000 người chết do nCoV, tình hình dịch tại một số nơi tăng nhiệt trở lại.
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm ở Lima, Peru ngày 15/6. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm ở Lima, Peru ngày 15/6. Ảnh: Reuters.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 8.900.233 ca nhiễm và 466.115 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 164.243 và 4.593 so với hôm qua. Tổng cộng 4.726.515 người đã bình phục.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.328.690 ca nhiễm và 121.953 ca tử vong, tăng lần lượt 31.500 và 546 ca trong 24 giờ qua.

Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì Covid-19 cao chưa từng thấy. Florida ghi nhận hơn 4.000 ca mới trong 24 giờ, trong khi một tháng trước, họ thường chỉ ghi nhận 1.000 ca mới mỗi ngày.

Giới chuyên gia lo ngại kế hoạch tổ chức vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, có nguy cơ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 29.011 ca nhiễm và 886 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.067.579 và 49.976.

Các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại số người chết vì Covid-19 trên thực tế tại Brazil bị che đậy, căn cứ vào tình trạng thiếu xét nghiệm, cùng sự tăng vọt số ca tử vong vượt mức, tức số người chết vượt quá dự đoán dựa trên tỷ lệ tử vong cùng kỳ những năm trước đây.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định hệ thống y tế của nước này vẫn chịu được áp lực.

Áp lực từ Tổng thống Bolsonaro và sự chán nản của công chúng sau nhiều tháng thực hiện "cách biệt cộng đồng" đã khiến các thống đốc và thị trưởng dỡ bỏ các hạn chế đối với thương mại và hoạt động kinh tế khác.

Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng việc nới lỏng các hạn chế quá sớm có nguy cơ làm tăng tốc độ lây nhiễm và gây thêm nhiều tử vong.

Tương tự Brazil, tình hình dịch bệnh tại các nước Mỹ Latin khác cũng chưa hạ nhiệt. Peru là vùng dịch lớn thứ bảy thế giới với 251.338 ca nhiễm và 7.861 ca tử vong, tăng lần lượt 3.413 và 201 Các trường học, nhà hàng, quán bar vẫn phải đóng cửa, chỉ cửa hàng bán đồ thiết yếu được hoạt động.

Mexico báo cáo 170.485 ca nhiễm và 20.394 ca tử vong, tăng lần lượt 5.030 và 647. Một số ngành công nghiệp tại nước này đã hoạt động trở lại, trong khi biên giới phía bắc với Mỹ sẽ đóng ít nhất tới ngày 21/7. Giới chức y tế Mexico cảnh báo số ca nhiễm có nguy cơ vẫn tăng khi quá trình làm phẳng đường cong dịch đang chững lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 161 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.002. Số ca nhiễm tăng thêm 7.889, lên 576.952. Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau.

Moskva từ ngày 9/6 được phép tự do ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuần này, người dân thủ đô được phép đến bảo tàng và các nhà hàng ngoài trời. Lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng sắp diễn ra ngày 24/6.

Nga cho biết mặc dù tinh hình dịch đã gỉảm nhiệt, số ca nhiễm mới một ngày giảm dần sau khi lên mức cao kỷ lục 11.656 hôm 11/5, họ đang chuẩn bị đối phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào mùa thu.

Anh báo cáo thêm 1.295 ca nhiễm và 128 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 303.110 và 42.589. Giới chức Anh đã giảm cấp cảnh báo Covid-19, từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan".

Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng. Các cửa hàng quần áo hoạt động trở lại hôm 15/6, nhưng khách không được sử dụng phòng thử đồ.

Hiệu sách cho phép đọc lướt, nhưng khách hàng phải đặt những cuốn sách họ chạm vào mà không mua vào chỗ "cách ly" riêng. Quán bar và nhà hàng vẫn đóng cửa nhưng một số trường học đã hoạt động trở lại.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 363 ca nhiễm và 7 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 293.018 và 28.322. Họ dự kiến chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép đi lại tự do trên khắp đất nước và mở biên giới cho khách từ châu Âu.

Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết tất cả hành khách nước này sẽ được đo thân nhiệt, báo cáo thông tin họ có từng nhiễm nCoV hay không và nơi ở của họ ở Tây Ban Nha.

Italy ghi nhận thêm 264 ca nhiễm và 49 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 238.275 và 34.610. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng đã mở cửa trở lại, người dân cũng được tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 556 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 191.216 và 8.961. Cùng với Bỉ, Pháp và Hy Lạp, Đức đã mở cửa biên giới cho các nước trong khối EU từ hôm 15/6. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6. Thủ tướng Angela Merkel cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến tháng 10.

Tuy nhiên, ổ dịch tại lò mổ ở North Rhine-Westphalia đang làm dấy lên lo ngại cần tái phong tỏa. Hơn 800 người liên quan đến lò mổ đã nhiễm nCoV.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.322 ca nhiễm, nâng tổng số lên 202.584, trong đó 9.507 người chết, tăng 115 trường hợp so với hôm trước.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cảnh báo các con số thậm chí có thể tồi tệ hơn nếu người dân không chịu ở nhà trong kỳ nghỉ sắp tới. Iran đã cho phép toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar và phương tiện công cộng hoạt động, một số trường học vẫn đóng cửa.

Arab Saudi ghi nhận thêm 3.941 ca nhiễm và 46 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 154.233 và 1.230. Nước này sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ ngày 21/6, trừ thành phố Mecca. Tuy nhiên, giới chức chưa công bố liệu họ có cho phép tổ chức lễ hành hương Hajj, dự kiến vào cuối tháng 7, hay không.

Tại Nam Á, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 411.727 ca nhiễm và 13.277 ca tử vong, tăng lần lượt 15.915 và 307.

Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý Covid-19 trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nước này đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6.

Trung Quốc chưa công bố số liệu. Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng hai.

Chỉ vài ngày sau ca nhiễm đầu tiên, thành phố nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.

Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, ghi nhận 45.029 ca nhiễm và 2.429 ca tử vong, tăng lần lượt 1.226 và 56. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.

Singapore ghi nhận 41.833 ca nhiễm, tăng 218, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.

Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và một số cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học tập mở lại. Nhà hàng và quán bar vẫn không được tiếp khách mà chỉ phục vụ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Tin bài liên quan