Hơn 70% doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không muốn gia hạn tiền thuế

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ khoảng 26% trong số 700.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP gửi đơn xin gia hạn thuế.

Chỉ gia hạn được 30% số thuế

Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất (tiền thuế) cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tổng cộng chỉ có 179.247 người nộp thuế có nhu cầu gia hạn tiền thuế, trong đó có 125.152 doanh nghiệp và 54.095 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh với tổng số tiền là 53.645 tỷ đồng.

Như vậy số thuế được gia hạn chỉ bằng khoảng 30% và số doanh nghiệp đề nghị gia hạn chỉ bằng khoảng 26% con số được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Bộ Tài chính ước tính trước đó là có khoảng 700.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ gia hạn tiền thuế với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, cơ quan thuế các cấp đã tuyên truyền nội dung chính sách gia hạn nộp thuế tới toàn thể người nộp thuế. 

Trước thời điểm kết thúc gia hạn tiền thuế 3 ngày, Tổng cục Thuế một lần nữa gửi thông báo đến người nộp thuế về chính sách ưu đãi này. Nhưng trong 3 ngày cuối cùng của tháng 7, cơ quan thuế chỉ nhận thêm được 7.692 Giấy đề nghị với số thuế đề nghị gia hạn vỏn vẹn 245 tỷ đồng.

Gia hạn hay không là quyền của người nộp thuế

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), Tổng cục dự báo số người nộp thuế sẽ đề nghị gia hạn nộp thuế rất lớn, mặc dù vậy, số lượng người nộp thuế và số thuế đề nghị gia hạn quá thấp so với dự báo.

Theo bà Hà, điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc do gặp khó khăn nên doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh không phát sinh thu nhập, đóng cửa, tạm ngừng hoạt động nên không phát sinh nghĩa vụ thuế.

“Cũng có không ít người nộp thuế phát sinh số thuế phải nộp nhưng không nhiều nên họ quyết định nộp ngay thay vì đề nghị gia hạn vì số tiền gia hạn thực ra là tiền thuế nợ”, bà Hà cho biết.

Bà Hà cũng cho biết, qua nắm bắt thông tin từ cơ quan thuế địa phương, nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn và có số thuế phải nộp lớn cũng không muốn được gia hạn, vì muốn nộp dần tiền thuế theo quý, theo tháng thay vì dồn lại một cục, hết thời gian gia hạn 5 tháng phải nộp cả tiền thuế phát sinh lẫn tiền thuế được gia hạn sẽ gây ra áp lực về tài chính.

“Gia hạn hay không gia hạn là quyền của người nộp thuế, cơ quan thuế không có quyền bắt buộc”, bà Hà giải thích.

Chính sách gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất trong thời hạn 5 tháng cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tại 29 ngành nghề bị tác động tiêu cực trực tiếp bởi đại dịch, như: , như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may, da giày; chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản... và toàn bộ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh không phân biệt ngành nghề kinh doanh.

Tin bài liên quan