Hơn 370.000 người chết do nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 370.000 người chết trong hơn 6,1 triệu ca nhiễm, tình hình dịch diễn biến phức tạp ở Nam Mỹ.
Nhân viên y tế Mexico đưa bệnh nhân Covid-19 ttới Bệnh viện Đa khoa Venados, Mexico City, hôm 26/5. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế Mexico đưa bệnh nhân Covid-19 ttới Bệnh viện Đa khoa Venados, Mexico City, hôm 26/5. Ảnh: AFP.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 6.148.518 ca nhiễm và 370.472 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 122.427 và 4.057 trường hợp so với hôm qua. Tổng cộng 2.727.447 người đã bình phục.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận 1.815.717 người nhiễm và 105.535 người chết, tăng lần lượt 22.454 và 996 trường hợp. 

50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau. Chính phủ nước này cũng cho phép tụ tập tới 10 người, miễn là duy trì quy tắc cách biệt cộng đồng.

Các nhà bán lẻ mặt hàng không thiết yếu được phép hoạt động trở lại, tiệm cắt tóc được đón khách hẹn trước. Nhà hàng có thể phục vụ cho khách ngồi ngoài trời nếu các bàn cách nhau 2 m.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối vụ cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd diễn ra ở nhiều bang của Mỹ, vi phạm các quy tắc về cách biệt cộng đồng, gây lo ngại về nguy cơ nCoV lây lan.

Brazil, quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, tăng 30.102 ca nhiễm và 890 ca tử vong do nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và chết toàn quốc lên lần lượt 498.440 và 28.834. Nhiều chuyên gia dự đoán quốc gia Nam Mỹ này vẫn chưa đạt đỉnh dịch.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonarol luôn coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của Covid-19, nhiều lần ví đại dịch với "cúm vặt" và phản đối các biện pháp hạn chế do chính quyền bang áp đặt. Ông kêu gọi các doanh nghiệp mở cửa trở lại, bất chấp cảnh báo rằng nước này chưa qua đỉnh dịch.

Hầu hết thành phố và bang ở Brazil đã áp dụng một số biện pháp hạn chế để ngăn Covid-19 như đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu và kêu gọi mọi người ở nhà, nhưng rất ít địa phương ra quy định bắt buộc hay điều động cảnh sát để đảm bảo người dân tuân thủ.

Nga báo cáo thêm 181 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 4.555. Số ca nhiễm tăng thêm 8.952 lên 396.575.

Moskva, tâm dịch Covid-19 của Nga, hôm 29/5 đã sửa số người chết do nCoV trong tháng 4 cao gấp đôi số liệu trước đây do thay đổi cách tính. Thành phố này được cho là "đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất" và sẽ nới phong tỏa kể từ ngày 1/6. 

Đa phần các nước châu Âu đã qua đỉnh dịch. Tây Ban Nha báo cáo thêm 664 ca nhiễm và chỉ 4 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 286.308 và 27.125.

Chính phủ tuần này cảnh báo dữ liệu có thể thay đổi bất thường vì giới chức áp dụng phương thức thống kê số liệu mới.

Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn nCoV từ hôm 25/5. Madrid và Barcelona, hai thành phố được cho là áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, đã cho phép mở cửa công viên và quán cà phê ngoài trời. 

Anh báo cáo 272.826 ca nhiễm và 38.376 ca tử vong, tăng lần lượt 1.604 và 215. Dù là vùng dịch lớn thứ năm thế giới, Anh ghi nhận số người chết cao thứ hai, chỉ sau Mỹ.

Chính phủ Anh nới lỏng nhiều hạn chế từ 1/6, cho phép tụ tập 6 người trở xuống ở bên ngoài, trong khi cửa hàng bán lẻ ngoài trời, showroom ôtô được phép hoạt động trở lại. Trường học các cấp dần mở cửa.

Những người nhập cảnh vào nước này kể từ 8/6 sẽ bị cách ly trong hai tuần, ai vi phạm có thể bị phạt tới hơn 1.200 USD.

Italy ghi nhận thêm 416 ca nhiễm và 111 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 232.664 và 33.340.

Chính phủ Italy dự kiến cho phép tự do đi lại từ ngày 3/6, tái mở cửa toàn bộ sân bay, biên giới với các nước láng giềng và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.

Ca nhiễm và tử vong do nCoV tại Pháp là 188.625 và 28.771. Số ca tử vong mới là 57. Pháp sẽ cho phép các nhà hàng, quán bar và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 2/6 nhưng phải đảm bảo các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Tại Paris, nơi vẫn còn nhiều lo ngại về Covid-19, chỉ những cửa hàng ngoài trời mới được phép hoạt động trở lại.

Đức ghi nhận thêm 275 ca nhiễm và 6 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 183.294 và 8.600.

Đức sẽ kéo dài các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6. Từ 6/6, tối đa 10 người được phép tụ tập nơi công cộng, nhưng chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc.

Peru là vùng dịch lớn thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh, tâm dịch mới của thế giới, với 155.671 ca nhiễm và 4.371 ca tử vong, tăng lần lượt 7.386 và 141 trường hợp.

Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh, và dự định kéo dài đến hết tháng 6. Hệ thống y tế nước này đang bên bờ vực sụp đổ, khi các bệnh viện công phải đối mặt tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng, trong khi nền kinh tế tê liệt.

Một số quốc gia Mỹ Latinh như Chile, Mexico, Argentina cũng đang chứng kiến ca nhiễm nCoV tăng liên tục, đặc biệt ở các khu ổ chuột.

Theo Liên Hợp Quốc, gần 89 triệu người trong khu vực thậm chí không có các dịch vụ vệ sinh cơ bản, không thể rửa tay thường xuyên, biện pháp bảo vệ cơ bản nhất chống nCoV.

Iran báo cáo thêm 2.282 ca nhiễm và 57 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 148.950 và 7.734.

Chính phủ Iran đã nới hạn chế, cho phép nhà hàng đón khách nhưng cần tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn như giữ khoảng cách 2 m, hoạt động thể thao được nối lại nhưng không được cho phép khán giả vào xem. 

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.618 ca nhiễm và 22 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 83.384 và 480.

Các nhà thờ Hồi giáo sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 31/5, trừ khu vực thánh địa Mecca. Các biện pháp giới nghiêm chặt chẽ bắt đầu áp dụng hồi tháng 4 cũng được nới lỏng dần dần từ ngày 31/5. Các dịch vụ không thiết yếu như phòng gym, rạp chiếu phim, thẩm mỹ viện vẫn phải đóng cửa.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 726 ca nhiễm và 2 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 33.896 và 262.

Dubai gỡ hạn chế đi lại từ 6h đến 23h hàng ngày. Họ cho phép rạp chiếu phim, phòng gym và một số tụ điểm giải trí mở cửa trở lại, sau khi các trung tâm thương mại và nhà hàng được nối lại hoạt động vào tháng trước.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 181.827 ca nhiễm và 5.185 ca tử vong, tăng lần lượt 8.336 và 205. Trường học, quán bar và nhà hàng đóng cửa cho đến 31/5. Một số cửa hàng được phép hoạt động nhưng trung tâm thương mại vẫn chưa được hoạt động.

Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 34.366 ca nhiễm, tăng 611, trong đó 23 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. 

Indonesia xếp thứ hai với 25.773 ca nhiễm và 1.573 người chết, tăng lần lượt 557 và 53. Từ tuần này, Indonesia triển khai 340.000 cảnh sát và binh sĩ ở 4 tỉnh để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Trường học đóng cửa cho đến ngày 13/7. Trung tâm thương mại dự kiến mở lại vào 5/6 nhưng nhà hàng và quán bar tiếp tục đóng cửa.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV nào.

Tin bài liên quan