Agribank tích cực góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Agribank tích cực góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hơn 30 năm đổi mới, tự hào là “Điểm tựa” của nền nông nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam hoạt động đặc thù chủ lực phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Agribank đang chuyển mình mạnh mẽ thành một ngân hàng thương mại hiện đại có khả năng đáp ứng dịch vụ tài chính đa dạng. Toàn cảnh Ngân hàng 2021 đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

Năm nay, ngành ngân hàng kỷ niệm 70 năm thành lập và Agribank ghi dấu chặng đường gắn với hơn 30 năm đổi mới kinh tế đất nước và nền sản xuất nông nghiệp. Việt Nam từ quốc gia phải nhập khẩu lương thực trở thành quốc gia bảo đảm được an ninh lương thực và là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Là ngân hàng gắn với sứ mệnh “Tam nông”, đóng góp cụ thể của Agribank đối với sự phát triển bứt phá ngoạn mục của nông nghiệp được khẳng định là “trụ đỡ” nền kinh tế?

Ngành ngân hàng đang hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập ghi dấu chặng đường vẻ vang phụng sự kháng chiến kiến quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tự hào được tham gia, đóng góp đúng vào giai đoạn đổi mới của đất nước nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng.

Được thành lập ngày 26/3/1988 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với việc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, điều hành chính sách tiền tệ và 4 ngân hàng chuyên doanh thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, ngân hàng theo từng lĩnh vực.

Theo đó, Agribank có nhiệm vụ chính là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Những ngày đầu mới thành lập, Ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Ngân hàng đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực xây dựng và phát triển Agribank trở thành ngân hàng có quy mô tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ cho vay nền kinh tế cũng như mạng lưới hoạt động lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong suốt 33 năm qua, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của một ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước trong việc tiên phong thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể, cùng ngành ngân hàng có những đóng góp đáng kể vào thành công của sự nghiệp đổi mới nền kinh tế đất nước.

Agribank luôn dành 70% dư nợ cho vay đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm gần 40% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Các chương trình tín dụng của Agribank đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước, góp phần tạo nên sự phát triển bứt phá của nền nông nghiệp, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Nếu như vào thời điểm năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486 triệu USD, thì sau 35 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD, gấp 85 lần so với năm 1986.

Nông sản Việt Nam đã hiện diện tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU...

Cùng với đó, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Bên cạnh đó, Agribank tích cực tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới trên cả nước thông qua các chương trình tín dụng và an sinh xã hội.

Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức tín dụng, tập đoàn dành sự quan tâm và đầu tư cho nông nghiệp. Để tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực đối với lĩnh vực này, Agribank có định hướng và những thay đổi gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

Một trong những điểm mới trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng, Nhà nước ta khẳng định đó là phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; cùng với đó, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đưa ra đó là phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Việc các tổ chức tín dụng, tập đoàn quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp cho thấy lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng, nhưng đồng thời đây cũng là thách thức rất lớn vai trò chủ lực đối với “Tam nông” của Agribank.

Mặc dù vậy, Agribank đang chủ động sẵn sàng các giải pháp để củng cố, tăng cường vị trí truyền thống của mình để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, đặc biệt là hàng triệu người nông dân đã và đang gửi gắm niềm tin và dành cho Agribank tình cảm tin yêu trong suốt hơn ba thập kỷ qua.

Agribank đang quyết liệt đổi mới về mô hình tổ chức, quản trị, điều hành theo hướng hiện đại, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, cùng với đó là đổi mới, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, áp dụng ngân hàng số để phục vụ nhiều tiện ích cho khách hàng, nhất là trong lĩnh vực “Tam nông”.

Đặc biệt, trong hoạt động tín dụng, Agribank tiếp tục tập trung nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình cho vay phát triển sản xuất - kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, phát triển bền vững.

Không chỉ là ngân hàng của hàng triệu người nông dân, Agribank còn được biết đến là “Ngân hàng vì cộng đồng”, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn ý thức và phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.

Trong những năm qua, Agribank tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và các đối tượng cần được hỗ trợ khác.

Ngoài ra, thực hiện chính sách của Nhà nước, từ nguồn lực tài chính của mình, mỗi năm, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng áp dụng lãi suất ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Agribank còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng khác như các sự kiện văn hóa, thể thao, chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường “Vì tương lai xanh” - năm 2020, Agribank đã phối hợp với các địa phương trên cả nước trồng mới 1 triệu cây xanh và mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh tiếp tục được Agribank đề ra trong năm 2021, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng.

“Ngân hàng vì cộng đồng” không chỉ là sự ghi nhận của xã hội, mà ý nghĩa hơn đó là nét đẹp văn hóa sẻ chia, là niềm tự hào để cán bộ, người lao động Agribank cùng gìn giữ, phát huy, trở thành bản sắc văn hóa, nguồn lực quan trọng đối với quá trình phát triển Agribank, phát triển ngành ngân hàng và phát triển đất nước.

Được biết, Agribank đang xây dựng Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và quá trình cổ phần hóa. Các kế hoạch đó đang được triển khai như thế nào?

Hiện nay, Agribank đã chủ động xây dựng Đề án chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Ngân hàng Nhà nước xem xét phê duyệt. Tinh thần của Đề án chiến lược là Agribank vẫn lấy “Tam nông” làm trọng tâm để phục vụ với các giải pháp, biện pháp phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ.

Về cổ phần hóa, Agribank đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các địa phương để được phê duyệt phương án sử dụng đất làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức ra quyết định cổ phần hóa và triển khai các bước tiếp theo. Cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên của Agribank đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước.

Tin bài liên quan