Đầu năm nay, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố dự thảo lần 1 Thông tư sửa đổi Thông tư 210, nhiều ý kiến từ phía các CTCK tỏ ý không đồng tình, thậm chí có ý kiến phản đối gay gắt một số nội dung của dự thảo quy định về kiểm soát hoạt động vay nợ, cho vay… của CTCK.
Sự phản ứng này cộng với bối cảnh TTCK không thuận lợi, tưởng chừng việc sửa đổi Thông tư 210 bị gác lại. Tuy nhiên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các thành viên thị trường, bản dự thảo lần 2 mà UBCK đang lấy ý kiến đã lược bỏ khá nhiều quy định mang tính khắt khe với các CTCK.
Các CTCK phản đối vì cho rằng, quy định như dự thảo sẽ bó chặt việc huy động và cho vay vốn đối với họ, nhất là trong bối cảnh các điều kiện vay vốn ngân hàng ngày một khó khăn hơn do các quy định trong lĩnh vực ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay giao dịch chứng khoán. Trong khi đó, không ít CTCK đang sống nhờ vào vốn vay…
Trong bối cảnh chịu không ít sức ép cả từ phía thị trường, lẫn các cấp quản lý, UBCK không thể quá kéo dài việc đưa ra các công cụ để thúc đẩy việc xóa tên các CTCK ốm yếu nhiều năm qua.
Đáng nói, theo dõi của nhà quản lý cho thấy, trong số CTCK vi phạm các quy định của pháp luật chứng khoán bị phát hiện và xử lý, nhiều trường hợp rơi vào các CTCK ốm yếu, kém an toàn tài chính.
Mặt khác, sự tồn tại kéo dài nhiều CTCK ốm yếu này đang gây khó cho nỗ lực triển khai sớm các sản phẩm mới, đòi hỏi các CTCK phải có “sức khỏe” cao về an toàn tài chính như: giao dịch trong ngày, chứng khoán phái sinh…
So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 có bước lùi về tham vọng cải cách của UBCK trong việc đưa ra các chuẩn hoạt động mới theo hướng chặt chẽ, khắt khe hơn với các CTCK. Tuy nhiên, nếu dự thảo lần 2 được ban hành, với một số quy định có tính chặt chẽ, đồng bộ với các quy định của Luật Chứng khoán và các nghị định hướng dẫn luật này, thì sẽ tạo ra bước cải cách đáng ghi nhận so với quy định hiện hành.
Một điểm mới đáng chú ý tại dự thảo lần 2 là CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động sau khi hết thời hạn cảnh báo quy định tại Điều 74, Luật Chứng khoán, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng cảnh báo và có lỗ gộp đạt 50% vốn điều lệ, hoặc có vốn chủ sở hữu (tại thời điểm báo cáo tài chính đã được kiểm toán, hoặc kiểm toán soát xét gần nhất) thấp hơn vốn pháp định theo các nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép.
Nếu quy định mới này được áp dụng, căn cứ vào báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2015 đã được công bố, sẽ có khoảng 1/3 trong tổng số 100 CTCK hiện nay đứng trước nguy cơ bị “xóa tên”, nếu không tăng đủ vốn theo quy định.
Trước đây, các nội dung cải cách tại dự thảo lần 1 của Thông tư sửa đổi Thông tư 210 vấp phải sự phản đối của các CTCK và phần nào UBCK chấp nhận thỏa hiệp, do có một số nội dung quy định về vay nợ và cho vay vốn của CTCK mang tính định lượng. Nhưng tại dự thảo lần 2, với các nội dung mới, đặc biệt là quy định “CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định theo các nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép”, các CTCK khó có thể phản đối. Bởi lẽ, nội dung hướng dẫn mới này bắt nguồn từ quy định tại Khoản 1, Điều 71, Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán: vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của CTCK là môi giới 25 tỷ đồng, tự doanh 100 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành 165 tỷ đồng, tư vấn 10 tỷ đồng.
Với căn cứ này, ngay cả khi CTCK không đồng tình, thì nhà quản lý hoàn toàn có lý để áp đặt các bước cải cách mới nhằm đáp ứng yêu cầu giảm bớt số lượng các CTCK như mục đích đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt ra khi ký Quyết định 62/QĐ-BTC năm 2012 phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK.