Hơn 30,6 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận hơn 30,6 triệu người nhiễm, hơn 955.000 người chết do nCoV, khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở châu Âu.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở ngoại ô New Delhi, Ấn Độ ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở ngoại ô New Delhi, Ấn Độ ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 30.652.101 ca nhiễm và 955.187 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 325.112 và 5.130 ca sau 24 giờ, trong khi 22.309.087 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.918.706 ca nhiễm và 203.073 người chết, tăng lần lượt 49.332 và 948 ca so với một ngày trước đó.

Chính quyền Trump ngày 18/9 lần thứ hai thay đổi chỉ dẫn về xét nghiệm, yêu cầu những người tiếp xúc với người nhiễm nCoV làm xét nghiệm dù họ không có triệu chứng. Hồi cuối tháng 8, CDC Mỹ đã gây tranh cãi khi khuyến cáo người có triệu chứng không cần làm xét nghiệm.

Tình hình dịch dường như đang cải thiện ở Mỹ, khi Đại học Johns Hopkins tuần trước công bố dữ liệu cho thấy số người chết mỗi ngày gần đây thấp hơn so với mức trung bình hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày cũng giảm từ 67.000 xuống 40.000.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo người dân không nên chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh trường học và doanh nghiệp dần mở cửa trở lại. Các quan chức y tế còn chỉ ra rằng nCoV đang chuyển hướng tấn công người trẻ tuổi, khi 23% số ca nhiễm được báo cáo là từ 18 đến 29 tuổi.

Trong phiên điều trần trước thượng viện ngày 16/9, giám đốc CDC Robert Redfield nói rằng dù Mỹ có vaccine vào tháng 11 hoặc tháng 12 thì "nguồn cung cũng sẽ rất hạn chế", chỉ được dành cho nhân viên chống dịch và nhóm người dễ bị tổn thương nhất.

Ông ước tính vaccine sẽ không được cung cấp rộng rãi cho công chúng Mỹ cho đến mùa xuân hoặc mùa hè năm 2021.

Tuy nhiên, Trump ngày 16/9 nói rằng Redfield "đã nhầm lẫn", nói rằng ít nhất 100 triệu liều vaccine có thể được phân phối vào cuối năm nay.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 92.789 ca nhiễm và 1.221 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 5.305.475 và 85.625. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Chính phủ Ấn Độ hôm 15/9 cho biết ít nhất 17 thành viên quốc hội nước này đã dương tính với nCoV, thể hiện mức độ lây lan nhanh chóng của đại dịch.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết chính quyền đang làm tất cả những gì có thể nhằm kiềm chế virus, đồng thời đề nghị quốc hội hỗ trợ nâng cao nhận thức. "Cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới kết thúc", Vardhan thừa nhận.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 762 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 135.793. Số người nhiễm nCoV tại Brazil tăng 37.740 trong 24 giờ qua, lên 4.495.183.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Covid-19 tại Brazil gây tổn hại nặng nề đối với một số cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là cư dân tại các khu ổ chuột nghèo khổ và người bản địa trong rừng Amazon. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người hứng chỉ trích vì đánh giá thấp Covid-19, khẳng định thiệt hại kinh tế sẽ tồi tệ hơn đại dịch nếu siết chặt quy định phòng chống virus.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 134 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 19.195. Số ca nhiễm tăng 5.905, lên 1.091.186. Nga nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.

Bộ Y tế Nga tuần trước thông báo lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được đưa vào lưu hành.

Trong khi đó, Viện virus học Vector tại Siberia đã hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn hai đối với loại vaccine Covid-19 tiềm năng thứ hai của Nga, kết quả dự kiến công bố vào ngày 30/9.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vaccine thứ hai sẽ sẵn sàng trong tháng 9, bày tỏ hy vọng cả hai loại vaccine của Nga đều an toàn và hiệu quả.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga ngày 16/9 thông báo họ sẽ cung cấp 100 triệu liều vaccine tiềm năng cho công ty dược phẩm Ấn Độ Dr Reddy's Laboratories, nâng tổng số liều mà Nga sẽ cung cấp ra nước ngoài lên hơn 200 triệu - một nửa cho Mỹ Latinh và một nửa cho Ấn Độ.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ tám thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 657.627 ca nhiễm và 15.857 ca tử vong, tăng lần lượt 2.055 và 85. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Các hạn chế về di chuyển và kinh doanh đã dần được nới lỏng tại nước này kể từ tháng 6, nhưng họ vẫn đóng biên để tránh ca ngoại nhập. Tổng thống Nam Phi thông báo nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết hạn chế từ 20/9 và sẽ mở biên với hầu hết quốc gia từ 1/10.

Theo biện pháp mới, sự kiện trong nhà được giới hạn ở mức 250 người. Lệnh giới nghiêm từ 22h sẽ được lùi về nửa đêm và yêu cầu các cơ sở giải trí chỉ được tiếp tối đa 50 người sẽ bị dỡ bỏ.

Tuy nhiên, hạn chế đối với các sự kiện thể thao vẫn được áp dụng và người dân vẫn phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Ca nhiễm tăng trở lại tại Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu. Nước này báo cáo thêm 4.697 ca nhiễm mới và 90 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 659.334 và 30.495.

Khu vực Madrid áp đặt biện pháp phong tỏa một phần với gần một triệu người. Cư dân tại các khu dân cư đông đúc có thu nhập thấp ở miền nam thủ đô kể từ 21/9 chỉ được phép rời khu vực để đi làm, khám bệnh hoặc đưa con đi học.

Ca nhiễm mới ở Pháp cũng tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 13.215 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 428.696, trong đó 31.249 người chết, tăng 154 trường hợp.

Chính quyền thủ đô kêu gọi người dân tránh tụ tập hơn 10 người, ở nơi công cộng cũng như tại nhà riêng. Thành phố Nice là một trong số các thành phố phải áp đặt hạn chế mới, bao gồm cho phép tụ tập tối đa 10 người trong công viên và trên bãi biển.

Anh, vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, ghi nhận 416.198 ca nhiễm và 23.952 ca tử vong, tăng lần lượt 4.322 và 27 trường hợp. Thủ tướng Boris Johnson nói rằng Anh đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Anh áp đặt các hạn chế mới với vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Yorkshire từ 15/9. Giới chức đã áp phong tỏa cực bộ với hơn 10 triệu và có thể ban hành thêm hạn chế đối với hàng triệu người khác. Thủ tướng Johnson nói rằng ông muốn tránh phong tỏa toàn quốc lần hai.

Iran báo cáo 23.952 người chết, tăng 144, tổng số ca nhiễm là 416.198, tăng 3.049. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại nước này đang có xu hướng gia tăng kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng hồi đầu tháng 9.

Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi hôm 15/9 cảnh báo về "sự trỗi dậy" của nCoV tại một số vùng của đất nước, do mức độ tuân thủ các biện pháp y tế giảm sút. "Một số ít người đã không thận trọng và đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ gần đây. Đây được chứng minh là nguyên nhân dẫn tới sự trỗi dậy của đại dịch", ông nói.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 279.526 ca nhiễm và 4.830 ca tử vong, tăng lần lượt 3.257 và 47 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 14/9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ "trở lại bình thường" vào tháng 12.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 236.519 ca nhiễm, tăng 3.891 so với hôm trước, trong đó 9,.336 người chết, tăng 114 ca.

Thủ đô Jakarta từ 14/9 tiếp tục siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 57.543 người nhiễm, tăng 11, và 27 người chết. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo "tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động" trên khắp châu Âu, khu vực từng là vùng dịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất hồi đầu năm. Số ca mắc mới tăng 39% ở Anh trong tuần qua, 22% ở Canada, 19% ở Pháp, 11% ở Brazil, 9% ở Mỹ và 8% ở Ấn Độ.

Nhà khoa học của WHO Soumya Swaminathan ngày 15/9 cảnh báo rằng sẽ không có đủ vaccine để thế giới trở lại cuộc sống bình thường cho đến năm 2022. Bà dự đoán yêu cầu đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ tiếp tục vào năm sau.

Tin bài liên quan