Hơn 280.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 280.000 người chết vì nCoV trong gần 4,1 triệu ca nhiễm, giữa lúc hoạt động kinh tế xã hội dần khôi phục ở nhiều nước.
Nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm nCoV trong ôtô tại Bệnh viện Đại học North Shore ở Manhasset, New York, ngày 6/5. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm nCoV trong ôtô tại Bệnh viện Đại học North Shore ở Manhasset, New York, ngày 6/5. Ảnh: Reuters.

212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 4.096.992 ca nhiễm và 280.139 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 88.882 và 4.355 so với hôm qua, trong đó 1.431.446 người đã hồi phục, theo thống kê của WorldoMeters.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.346.332 ca nhiễm, tăng 24.547 ca so với hôm trước. Thêm 1.389 người chết, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 80.004.

Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA) công bố mô hình dữ liệu cho thấy số ca nhiễm nCoV mới tại Mỹ có thể tăng 200.000 một ngày vào tháng 6, gấp nhiều lần mức tăng khoảng 25.000 ca hiện nay.

Bình quân số người chết trong một ngày tại Mỹ có thể khoảng 3.000.

Dự báo được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục các bang mở cửa trở lại nền kinh tế.

Các con số cũng nhấn mạnh thực tế nghiêm trọng rằng những rủi ro đáng kể từ dịch bệnh vẫn tồn tại.

Trump cho biết ông cùng Phó tổng thống Mike Pence và các quan chức cao cấp khác của Nhà Trắng xét nghiệm nCoV hàng ngày, sau khi một lính cần vụ Nhà Trắng và phát ngôn viên của Phó tổng thống Mỹ nhiễm virus.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 179 người chết do nCoV, nâng tổng số lên 26.478, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Anh và Italy. Số ca nhiễm tăng 2.666, lên 262.783.

Chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số 47 triệu người, cho phép quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực hoạt động trở lại, tụ tập gia đình, bạn bè 10 người trở xuống và đi lại trong tỉnh từ 11/5. Nhưng hai thành phố lớn nhất Madrid và Barcelona không được nới lỏng.

Italy ghi nhận thêm 1.083 ca nhiễm và 194 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 218.268 và 30.395. Cả hai chỉ số đều giảm so với một ngày trước đó.

Italy từ tuần này bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang.

Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.

Anh là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với 215.260 ca nhiễm, tăng 3.896 ca, nhưng là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 31.587 ca tử vong, tăng 346 so với hôm trước.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết sẽ thông báo kế hoạch nới phong tỏa trong cuộc họp hôm nay.

Các biện pháp dỡ hạn chế sẽ không thực hiện đồng loạt mà theo từng giai đoạn, trong đó bỏ khuyến cáo ở nhà, cho phép cá nhân hoặc các thành viên cùng một gia đình ra ngoài tập thể thao "không giới hạn".

Ông cũng dự định khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc nếu an toàn, nhưng đề nghị người dân che mặt khi tham gia phương tiện giao thông công cộng.

Các trường học có thể bắt đầu mở cửa trở lại "theo giai đoạn" vào đầu tháng 6, nhưng các nhà hàng, quán bar và quán cà phê vẫn chưa được ấn định thời điểm chính xác có thể nối lại hoạt động.

Nga báo cáo thêm 10.817 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 198.676. Số người chết tăng lên 1.827 sau khi ghi nhận 104 ca tử vong mới, trong đó thủ đô Moskva là tâm dịch.

Putin tuần này thông qua kế hoạch khôi phục hoạt động của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sau ngày 12/5 ở Moskva.

Ông cũng cảnh báo các lãnh đạo địa phương không vội vàng nới các biện pháp hạn chế để ngăn dịch, khuyến cáo họ cân nhắc tất cả yếu tố và rủi ro có thể xảy ra.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin gia hạn lệnh phong tỏa thành phố tới ngày 31/5. Người dân Moskva cũng được yêu cầu đeo khẩu trang, găng tay ở tất cả các địa điểm và phương tiện giao thông công cộng từ ngày 12/5.

Pháp xác nhận thêm 579 ca nhiễm và 80 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 176.658 và 26.310.

Pháp dự kiến nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ ngày 11/5. Giới chức cho biết tình hình dịch bệnh đang ổn định, nhưng cảnh báo vẫn phải thận trọng để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Bệnh viện Albert Schweitzer ở thị trấn Colmar thuộc vùng Alsace của Pháp tin rằng nước này ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên từ ngày 16/11, sau khi kiểm tra lại phim chụp lồng ngực của bệnh nhân.

Theo Michel Schmitt, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện, các trường hợp nhiễm nCoV đã xuất hiện lẻ tẻ sau ca đầu tiên vào giữa tháng 11, sau đó tăng tốc trong các sự kiện cuối năm như chợ Giáng sinh và lễ đón năm mới, trước khi bùng phát sau một buổi lễ tôn giáo ở thành phố Mulhouse, cách Colmar 40 km về phía nam, trong tuần cuối tháng 2.

Giới chức bệnh viện cho biết sẽ phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp để tiến hành cuộc điều tra dịch tễ học về phát hiện mới kể trên.

Đức ghi nhận thêm 736 ca nhiễm, nâng tổng số lên 171.324, trong đó 7.549 người chết, tăng 39 ca. Tỷ lệ tử vong tại Đức thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.

Thủ tướng Angela Merkel khẳng định Đức đã đạt mục tiêu giảm bớt sự lây lan của nCoV, bảo vệ hệ thống y tế khỏi tình trạng quá tải.

Theo bà, nước Đức giờ đây đủ khả năng "táo bạo một chút" để tái mở cửa hầu hết lĩnh vực kinh tế và xã hội. Sau gần hai tháng nằm trong vòng kiềm tỏa, người dân được trao lại nhiều quyền tự do như trước.

Chính phủ tuần qua thông báo nới lỏng thêm một loạt hạn chế. Nhiều cửa hàng được phép hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách.

Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp dần dần tái mở cửa.

Tuy nhiên, Đức cũng thiết lập cơ chế "phanh khẩn cấp", tái áp đặt hạn chế nếu một khu vực ghi nhận hơn 50 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày.

Tại Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất khu vực với 155.939 ca nhiễm và 10.627 ca tử vong, tăng lần lượt 10.047 và 635.

Giới chuyên gia tin rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 12-15 lần so với số liệu được công bố, khi nhiều trường hợp nhiễm nCoV không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm của quốc gia 210 triệu dân này còn rất hạn chế.

Hơn 20 quan chức chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã dương tính với nCoV, bao gồm thư ký báo chí Fabio Wajngarten và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Augusto Heleno. Bolsonaro nói rằng ông xét nghiệm âm tính với virus, song không công khai kết quả.

Tổng thống Brazil coi Covid-19 chỉ như cúm mùa, từng tuyên bố tác động tiêu cực của nCoV đã bị phóng đại quá mức vì lý do chính trị.

Ông cũng thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt, lên án "sự cuồng loạn" xung quanh Covid-19 và hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động nền kinh tế.

Mexico báo cáo 31.522 ca nhiễm và 3.160 ca tử vong, tăng lần lượt 1.906 và 199 ca. Số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Trung Đông, Iran vẫn là vùng dịch lớn nhất với 106.220 ca nhiễm, tăng 1.529 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận thêm 48 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 6.589.

Iran đã mở cửa lại các nhà thờ Hồi giáo tại một số vùng được cho là có nguy cơ thấp, sau khi thông qua kế hoạch nối lại hoạt động của doanh nghiệp theo giai đoạn từ hôm 11/4.

Tuy nhiên, thành phố Qom, tâm dịch của đất nước, vẫn có "xu hướng gia tăng" số ca nhiễm mới.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.704 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 37.136 và 239.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 624 ca nhiễm mới và thêm 11 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 17.417 và 185.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 3.113 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số lên 62.808. Thêm 116 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 2.101.

Ấn Độ dường như đã tránh được kịch bản bị Covid-19 tàn phá nặng nề như một số nước khác dù có dân số đông thứ hai thế giới.

Giới chuyên gia cho rằng điều này có thể do Ấn Độ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngay từ 25/3, khi mới ghi nhận 60 ca nhiễm và 10 ca tử vong.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê, do nhiều người tại Ấn Độ không được tiếp cận dịch vụ y tế.

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.492 người nhiễm và 26 người chết do nCoV, nâng tổng số của toàn khu vực lên lần lượt 57.079 và 1.854.

Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 22.460 ca nhiễm và 20 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 13.645 và 959. Philippines, vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.610 người nhiễm nCoV và 704 người chết.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Tin bài liên quan