Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 1/4 cho biết, hơn 25 nhà lãnh đạo thế giới từ nhóm G20, G7 và nhiều nước khác, ủng hộ hình thành một hiệp ước quốc tế, giúp thế giới đối phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai như đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi họp, ông Tedros cho biết, có sự thừa nhận của các nhà lãnh đạo thế giới chưa chuẩn bị tốt để đối phó với đại dịch Covid-19 lần này, cũng như các đợt bùng phát dịch trong tương lai. Hiệp ước sẽ là cam kết chung giúp thế giới an toàn trước nguy cơ dịch bệnh.
Mục tiêu chính của hiệp ước này là tăng cường khả năng ứng phó của thế giới với các đại dịch trong tương lai thông qua hệ thống cảnh báo tốt hơn, chia sẻ dữ liệu, hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, thuốc điều trị, phương pháp chuẩn đoán và trang thiết bị bảo hộ cá nhân.
Hiệp ước cũng nêu rõ rằng, sức khỏe của con người, các loài động vật và Trái Đất đều có liên quan với nhau, đòi hỏi trách nhiệm chung, sự minh bạch và hợp tác toàn cầu.
Tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, Đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất đối với cộng đồng toàn cầu kể từ đầu năm 1940.
Không có một chính phủ hay thể chế đơn lẻ nào có thể giải quyết được các đại dịch cũng như vấn đề khẩn cấp lớn trong tương lai. Do đó trách nhiệm của các nhà lãnh đạo thế giới và các thể chế quốc tế cần phải rút kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 lần này, đảm bảo thế giới an toàn hơn trước các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.
Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các nước nhanh chóng quyên góp vaccine cho COVAX
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua (1-4) cũng cho biết, chương trình chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo (gọi tắt là COVAX) đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì thiếu nguồn cung vaccine.
Chương trình COVAX tới nay đã phân phối 35 triệu liều vaccine cho hơn 78 nước. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu trong vòng 100 ngày đầu năm nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao nhất về Covid-19, Tổng Giám đốc WHO đã kêu gọi các nước giàu quyên góp 10 triệu liều vaccine cho chương trình COVAX.
Tổng Giám đốc WO lưu ý: “Đồng hồ đang điểm và chỉ còn 9 ngày là đến cột mốc 100 ngày. Nếu COVAX có thêm 10 triệu liều vaccine sẽ giúp khỏa lấp sự thiếu hụt vaccine ở 20 nước đã khởi động chương trình tiêm chủng nhưng chưa đủ số lượng vaccine để tiêm cho nhân viên y tế và người già trước trước cột mốc 100 ngày mà tôi đã kêu gọi. Tôi cũng yêu cầu các hãng dược đảm bảo bàn giao vaccine để các nước có thể nhanh chóng quyên góp cho các nước nghèo. Vấn đề này đã được thông báo nhưng chúng tôi chưa nhận được cam kết từ các nước”.
Trong khi đó, hôm qua (1/4), phần lớn các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) nhất trí chia sẻ một phần vaccine ngừa Covid-19 sắp được bàn giao với 5 nước thành viên có nhu cầu lớn nhất.
Sau nhiều ngày đàm phán, các Đại sứ EU đã nhất trí phân bổ lại 10 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/ BioNTech trong quý 2. Theo đó, không nhất thiết phải phân bổ theo quy mô dân số, mà các nước đang là điểm nóng về dịch sẽ được ưu tiên nhận nhiều vaccine hơn.
Theo quyết định của các đại sứ EU, trong số 10 triệu liều vaccine, 2,85 triệu liều được gọi là “vaccine đoàn kết” sẽ được chia sẻ cho 5 nước đang cần nhất gồm Bulgaria, Estonia, Croatia, Latvia, và Slovakia.
EU hy vọng các hãng dược sẽ đẩy nhanh việc bàn giao vaccine trong quý 2 để đủ tiêm phòng cho ít nhất 70% số người trưởng thành trước tháng 7/2021.