Hơn 11 tỷ USD đổ về các thị trường mới nổi

Hơn 11 tỷ USD đổ về các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Tính từ đầu năm 2012 đến nay, các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường mới nổi đã hút được 11,3 tỷ USD.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, tiền lại trở lại với thị trường nhóm nước mới nổi, các quỹ đầu tư vào tài sản có khởi đầu năm tốt nhất tính từ năm 2006 bởi nhà đầu tư lo sợ về các thị trường nhóm nước phát triển.

Quỹ đầu tư vào chứng khoán trên thị trường mới nổi, quỹ không được ưa chuộng trong phần lớn năm 2011, đã thu hút được 3,5 tỷ USD trong tuần kết thúc ngày 01/02/2012, mức cao nhất trong 1 năm. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, các quỹ này đã hút được 11,3 tỷ USD, theo số liệu của EPFR Global, một công ty chuyên cung cấp dữ liệu.

Trong tuần trước, quỹ trái phiếu trên thị trường mới nổi chứng kiến 1,2 tỷ USD bị rút ra, mức cao nhất từ tháng 3/2011. Do dòng tiền vào thị trường mới nổi ở mức cao, đồng nội tệ của các nước mới nổi liên tục tăng giá từ đầu năm đến nay.

Chuyên gia tại ngân hàng Société Générale hàng đầu của Pháp nhận xét: “Cho đến nay, nhà đầu tư khá quan tâm đến thị trường nhóm nước mới nổi. Trên phương diện lớn hơn, nó phản ánh tâm lý chán nản với khủng hoảng nợ công tại châu Âu và rằng nhà đầu tư đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn.”

Chỉ số FTSE của TTCK nhóm nước mới nổi đã tăng hơn 15% từ đầu năm 2012 đến nay và lên mức cao nhất tính từ đầu tháng 8/2011. Chỉ số FTSE toàn cầu trong khi đó chỉ tăng trưởng được 8,4% từ đầu năm 2012 đến nay.

Chi phí lãi vay của các nước mới nổi cũng giảm mạnh nhờ sự quan tâm của nhà đầu tư.

Dù vậy các chuyên gia đặt câu hỏi liệu dòng tiền có vào các thị trường này một cách bền vững.

Chuyên gia thuộc Barclays nhận xét: “Khi chúng ta bước vào năm 2012 với nhiều biến động tích cực trên thị trường mới nổi, việc các thị trường mới nổi tăng trưởng quá nhanh, quá nóng không khỏi khiến người ta hoài nghi rằng đã tăng trưởng liệu có thể được duy trì.”

Nền kinh tế các nước mới nổi cho đến nay vẫn chịu rủi ro từ khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu căng thẳng hơn, tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc, đi xuống.