Hơn 1.000 tỷ đồng bồi thường hợp đồng năm đầu: Chủ yếu là bảo hiểm sức khỏe

Hơn 1.000 tỷ đồng bồi thường hợp đồng năm đầu: Chủ yếu là bảo hiểm sức khỏe

(ĐTCK) Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV), 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ ước đạt 48.134 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm cá nhân là 47.747 tỷ đồng (tăng 27%) và bảo hiểm nhóm là 387 tỷ đồng (tăng 85%).

Về chi trả bảo hiểm, tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp nhân thọ chi trả trong 6 tháng đầu năm ước đạt 10.318 tỷ đồng, tăng 30% với cùng kỳ 2018.

Trong đó, số tiền chi trả cho hợp đồng năm thứ 1 ước đạt 1.034 tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức chi trả; cho hợp đồng năm thứ 2 ước đạt 835 tỷ đồng, chiếm 8%; cho hợp đồng từ năm thứ 3 trở đi ước đạt 8.450 tỷ đồng, chiếm 82%.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, số tiền chi trả cho những hợp đồng năm thứ 1 chủ yếu là tiền chi trả bồi thường tai nạn, bệnh tật và khám sức khỏe của khách hàng. Theo thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe của toàn thị trường tăng khoảng 30% trong nửa đầu năm nay.

“Với mức tăng trưởng cao như vậy, con số hơn 1.000 tỷ đồng chi trả cho những hợp đồng bảo hiểm sức khỏe năm thứ 1 là bình thường. Chi trả cho bảo hiểm liên quan đến quyền lợi sức khỏe y tế sẽ ngày càng tăng vì khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ hiện nay phần lớn là mua bảo hiểm sức khỏe”, đại diện IAV nói.

Khảo sát hành vi của khách hàng về bảo hiểm nhân thọ của BIDV Met Life đối với nhóm khách hàng có độ tuổi từ 20-40 tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Ðà Nẵng mới đây cũng cho thấy, hơn 60% người được khảo sát chia sẻ, yếu tố thôi thúc họ mua bảo hiểm vì muốn bảo vệ sức khỏe, muốn “chuẩn bị trước” nếu không may rủi ro tai nạn, đau ốm xảy ra…

Chi trả bảo hiểm sức khỏe sẽ ngày càng tăng vì khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ hiện nay phần lớn là mua bảo hiểm sức khỏe.   

Thực tế, tăng trưởng kinh tế và dân số đang thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe gia tăng trên khắp cả nước, đặc biệt là tại 2 trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP.HCM.

Nghiên cứu thị trường mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, đến năm 2020, thị trường dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2010, sớm vượt qua các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... Ðây là cơ hội lớn cho không chỉ các doanh nghiệp dịch vụ y tế, mà cho cả ngành bảo hiểm.

Trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu gia tăng, việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ưu tiên hàng đầu. Theo đại diện một công ty bảo hiểm, bên cạnh hướng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng, việc rút ngắn thời gian xét duyệt và chi trả bồi thường còn nhằm mục đích xóa đi định kiến “bảo hiểm mua dễ, khó đòi”. 

Việc giảm thiểu thủ tục để giải quyết bồi thường nhanh gọn thực tế đã được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai từ những năm trước và quy trình này ngày càng được hoàn thiện hơn, nhất là trong bối cảnh kênh bán bảo hiểm trực tuyến với sản phẩm chủ đạo là bảo hiểm bệnh tật bảo hiểm sức khỏe độc lập với thời hạn hợp đồng 1 năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm như Prudential, Generali, Chubb, AIA, Manulife, FWD… đã áp dụng quy trình bồi thường nhanh từ 15-30 phút với những hợp đồng giá từ 100-200 triệu đồng, cũng như những hợp đồng có quyền lợi cơ bản.

Hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ đã xây dựng phần mềm để khách hàng có thể chủ động nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến, với thời gian hoàn tất thông tin và nộp chứng từ chỉ trong vài phút, chụp và tải hình ảnh của chứng từ y tế bằng camera trên các thiết bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng…

Tin bài liên quan