Thực thi chiến lược 2011-2015 một cách xuất sắc, đưa MB lên vị trí dẫn đầu ngành ngân hàng về hiệu quả, bước sang chu kỳ kinh tế mới 2016-2020, Thiếu tướng, TS. Lê Công nhận định, kinh tế thế giới đã và đang có nhiều biến động trái chiều, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ sáng dần lên.
Với MB, ông khẳng định, Ngân hàng sẽ vững bước trong hội nhập từ chính năng lực cốt lõi và mục tiêu chiến lược định hướng Ngân hàng trên con đường tương lai.
Kinh tế thế giới đang có những biến động khó lường đến mức gần đây, các định chế lớn như IMF, WB, ADB… liên tục điều chỉnh các dự báo của họ, đồng thời cảnh báo về những thách thức lớn mà thị trường tài chính thế giới sẽ phải đối mặt. Ông nhìn nhận mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới đến Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Bức tranh kinh tế thế giới đang có những diễn biến trái ngược. Trong khi nền kinh tế Mỹ có sự khởi sắc và tăng trưởng ổn định hơn, thì kinh tế châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đang đối mặt với sự suy giảm mạnh mẽ.
Thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây chao đảo, đã phản ánh tâm lý bất ổn của giới đầu tư khi đánh giá tương lai của nền kinh tế nói chung, của thị trường tài chính nói riêng. Đối với Việt Nam, trong một nền kinh tế hội nhập và liên thông khá sâu với thế giới, những diễn biến lớn trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nước ta theo nhiều mặt, nhưng theo tôi, có một số điểm chính đáng lưu ý.
Sinh ra từ gốc Quân đội, điểm riêng có của MB là công tác chính trị, công tác Đảng luôn song hành với các hoạt động kinh doanh. Vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị được Thiếu tướng, TS. Lê Công diễn giải một cách dung dị là “để tạo nên văn hóa doanh nghiệp, nền tảng văn hóa có định hướng đúng, các nhân sự tâm huyết, trách nhiệm vì mục tiêu chung”.
“Ở MB không có khái niệm lợi ích nhóm. Tất cả đều làm việc vì lợi ích, mục tiêu chung của Ngân hàng. Chúng tôi tự hào vì điều đó”, ông nói.
Trước hết là giá dầu. Giá dầu đã suy giảm rất sâu, hiện còn 25-27 USD/thùng. Thực tế này tác động đến Việt Nam theo 2 phương diện.
Về mặt tiêu cực, nguồn thu ngân sách sẽ suy giảm (các chuyên gia đã tính toán giá dầu giảm 1 USD, nguồn thu từ bán dầu thô của Việt Nam giảm 1.000 – 1.200 tỷ đồng).
Ở khía cạnh tích cực, giá dầu giảm trực tiếp làm giảm chi phí đầu vào của nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp, giúp các chủ thể giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh và thực tế, yếu tố này cũng góp phần giúp lạm phát của nước ta về đích 2015 ở mức rất thấp (dưới 1%) và có thể duy trì ở mức thấp trong năm 2016.
Thứ hai là tỷ giá. Trước đây, giá trị đồng Việt Nam neo vào đồng USD, nên khi nền kinh tế thế giới có biến động mạnh, đặc biệt là khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, chúng ta đã phải phá giá khá sâu đồng nội tệ (năm 2015 là 5-6%) để giữ ổn định cán cân thương mại.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, cách điều hành tỷ giá neo theo một đồng ngoại tệ là không ổn. Điều đáng mừng là từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi chính sách điều hành tỷ giá, neo giá trị VND theo một rổ tiền tệ mạnh. Tôi cho rằng, đây là một biện pháp đúng, hợp thời cuộc, tạo sự ổn định về tâm lý và thực tiễn cho thị trường tài chính Việt Nam vững bước trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS. Lê Công
Thứ ba, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang mở ra cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức. Trong ngành ngân hàng, rõ ràng các ngân hàng nội địa sẽ không còn chỉ lo việc cạnh tranh với nhau, mà phải tính bài toán cạnh tranh với ngân hàng lớn trong khu vực, từ Singapore, Malaysia, Thái Lan… khi cùng khai thác thị trường chung. Đây là một biến số mới của năm 2016.
Thực tế, không ai có thể kiểm soát được sự chuyển động của các biến số kinh tế lớn, nhưng trên nền tảng nền kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi ổn định, đặc biệt là năm 2015 tăng trưởng GDP lên tới 6,68%, tôi tin nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục được cải thiện, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi sản xuất và tổng cầu sẽ được cải thiện trong năm 2016.
Năm 2016, do tính chất đặc thù của các hoạt động chính trị quan trọng với đất nước, có thể sẽ chưa có bước tiến đột phá, nhưng tôi thiên về kịch bản nền kinh tế sẽ về đích tăng trưởng 6,7-6,8% GDP, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 5% trong năm này.
Như ông vừa nói, các ngân hàng nội sẽ không còn chỉ lo việc cạnh tranh với nhau, mà phải lo cạnh tranh với các đối thủ đến từ các nước trong khu vực. Vậy MB đang chuẩn bị như thế nào khi đất nước bước sâu hơn vào sân chơi khu vực và toàn cầu?
Luận thuyết kinh tế chính trị của Karl Mark đã viết, khi lực lượng sản xuất thay đổi thì quan hệ sản xuất phải thay đổi để phù hợp với lực lượng sản xuất mới. Trong thực tế của MB, sau khi hoàn tất Chiến lược 2011-2015, chúng tôi sẽ hoàn thiện Chiến lược 2016-2020 trên cơ sở làm sâu sắc thêm những giá trị nền tảng mà Chiến lược 2011-2015 đã tạo dựng, biến nó trở thành tập quán, năng lực thực sự của Ngân hàng.
Cùng với đó, Chiến lược của MB tiếp tục định hình năng lực quản trị rủi ro, năng lực thẩm định, năng lực kinh doanh, năng lực công nghệ ở mức vượt trội, đảm bảo tuân thủ nhuần nhuyễn Basel II và hướng đến những tiêu chí cao hơn tại Basel III.
Có rất nhiều việc chúng tôi đã làm và sẽ phải làm để thực hiện các mục tiêu chiến lược trong từng thời kỳ, nhưng theo tôi, nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt nhất chính là xây dựng con người mới phù hợp phương thức kinh doanh trong tình hình mới. Nguồn nhân lực có giá trị quyết định sức cạnh tranh của mỗi tổ chức và bản chất xây dựng nguồn nhân lực mới chính là xây dựng văn hóa làm việc, tại MB là văn hóa thực thi nhanh, hướng đến khách hàng.
Trong nhiệm vụ xây dựng đội ngũ, điểm thuận lợi của MB và cũng là điểm khác biệt riêng có của MB là ở cái gốc Quân đội. Sinh ra từ Quân đội, nhiều cổ đông lớn góp vốn là các doanh nghiệp quân đội, người MB có giá trị cốt lõi là tính kỷ luật, tận tâm, đoàn kết, hiệu quả. Chính cái gốc từ con người này đã giúp Ngân hàng vững vàng tiến bước, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế. Tôi tin vào năng lực cốt lõi của Ngân hàng và tin rằng, MB đủ sức cạnh tranh trong không gian kinh doanh mới.
Kết thúc năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhận định: giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua đi. Khi khó khăn nhất đã qua thì theo ông, chính sách tiền tệ năm 2016 cần hướng đến những mục tiêu gì? MB định vị mình ở đâu trong bức tranh của ngành năm 2016?
Năm 2016, theo tôi, chính sách tiền tệ cần tiếp tục khơi thông dòng chảy tín dụng để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Như mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ từ 18-20%, nhưng không quá 20% để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, nợ xấu cần tiếp tục được xử lý trong năm 2016, bởi mặc dù tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2015 của toàn ngành đã về mức 2,72%, nhưng trên thực tế, một phần nợ xấu đang nằm rải rác ở VAMC, DATC và các ngân hàng thương mại. Để xử lý dứt điểm nợ xấu, tôi cho rằng, hệ thống pháp lý phải xử lý được những bất cập hiện nay, đặc biệt là cần mở ra cơ chế để hình thành thị trường mua bán nợ xấu.
Một yếu tố khác là các chính sách mới về thị trường bất động sản cần thúc đẩy đi vào thực tế. Khi giải tỏa những “điểm nghẽn” trên thị trường bất động sản, sẽ góp phần giải tỏa “tảng băng” nợ xấu mắc trên thị trường này.
Điều hành tỷ giá linh hoạt để thích ứng với tình hình mới cũng là một mục tiêu mà chính sách tiền tệ 2016 cần hết sức coi trọng. Việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước từ 2016 là một quyết sách mạnh mẽ, tôi tin rằng, quyết sách này sẽ ổn định được tâm lý người dân, tạo sự chủ động điều hành thị trường ngoại hối khi tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng.
Với MB, trong nỗ lực chung của toàn ngành, năm 2016, MB sẽ thực hiện một số nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, xây dựng Chiến lược Ngân hàng 2016-2020 hướng đến mục tiêu trở thành một tập đoàn tài chính lành mạnh.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh doanh 2016 với mục tiêu tổng tài sản tăng từ 7-10%; nợ xấu dưới 2% và phấn đấu không cao hơn năm 2015 (1,62%); lợi nhuận tăng từ 12-15% so với năm 2015.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy các công ty con hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ tư, tiếp tục tập trung lãnh đạo, nâng cao sức cạnh tranh của Ngân hàng, giữ vững vị trí MB trong Top 5 ngân hàng hoạt động tốt nhất tại Việt Nam.
Một điểm mới của MB năm 2016 là có thêm cổ đông lớn SCIC. Xin ông chia sẻ thêm về mối quan hệ với cổ đông mới này?
SCIC đã chính thức trở thành cổ đông của Ngân hàng với cam kết góp vốn ổn định trong 5 năm. Là một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, SCIC đang quản lý phần vốn Nhà nước tại một hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước.
Trong mối quan hệ hợp tác với SCIC, chúng tôi sẽ cùng nhau khai thác hệ thống hiện có, nhằm tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp, khách hàng và MB.
Tôi tin rằng, SCIC cùng với các đối tác chiến lược hiện có như Viettel, Vietcombank và các doanh nghiệp quân đội khác, sẽ giúp MB tiếp tục xây dựng và hoàn thiện năng lực cốt lõi, để vững tin bước trên con đường hội nhập, duy trì vị thế của MB là ngân hàng chất lượng tốt nhất với khách hàng.