Một việc không thể thiếu là các công ty phải chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đại lý…

Một việc không thể thiếu là các công ty phải chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đại lý…

Hội nhập, ngành bảo hiểm chịu thách thức ở sân nhà

(ĐTCK) Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Sắp tới, Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, đặc biệt là tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Hội nhập sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, giúp ngành bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI)
 

Những nội dung hội nhập

Hiệp định TPP tác động nhiều đến thương mại hàng hóa, có thể coi như “WTO cộng”, hướng đến tự do hóa toàn diện, xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực). Các nhóm nghĩa vụ chính đối với mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư (đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia, hiện diện tại nước sở tại, mở cửa thị trường, xóa bỏ một số điều kiện cấp phép, yêu cầu hợp lý về nhân sự cao cấp) thì cơ bản giống như Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới).

Còn AEC có 4 trụ cột: một thị trường và cơ sở sản xuất chung; khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Liên quan đến tạo lập một thị trường và cơ sở sản xuất chung, trong lĩnh vực bảo hiểm là cam kết tự do hóa cả 4 phương thức bao gồm: cung cấp dịch vụ qua biên giới (phương thức 1); tiêu dùng ngoài lãnh thổ (phương thức 2); hiện diện thương mại (phương thức 3); hiện diện thể nhân (phương thức 4).

Có nghĩa là, sau AEC, các doanh nghiệp bảo hiểm từ các nước ASEAN có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức ở nước ASEAN khác; các cá nhân, tổ chức trong ASEAN có thể tự do mua các dịch vụ bảo hiểm ở các nước ASEAN khác; các doanh nghiệp bảo hiểm ASEAN được mở công ty, chi nhánh hoạt động ở nước ASEAN khác; các chuyên gia bảo hiểm có thể tự do kiếm việc làm, cung cấp dịch vụ ở các nước ASEAN khác (căn cứ theo lộ trình cam kết của từng quốc gia ASEAN cụ thể, nhưng mục tiêu là sẽ tự do hóa toàn bộ ở tất cả các nước ASEAN vào năm 2020).

Việt Nam hiện tại có cam kết khá cao khi đã thực hiện tự do hóa theo cam kết WTO, như mở cửa cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài và dịch vụ MAT (vận chuyển hàng hải, hàng không quốc tế và hàng hóa quá cảnh) đối với phương thức 1, không có hạn chế đối với phương thức 2 (tiêu dùng ngoài nước), cho phép thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (phương thức 3)…

Nhiều thách thức đang chờ đón

Sắp tới, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ có thêm cơ hội kinh doanh, với một thị trường chung ASEAN có hơn 625 triệu dân, GDP trên 2.400 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình trên 5%/năm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ gặp những thách thức mới từ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm ASEAN khác ngay tại sân nhà, đặc biệt từ các nước có ngành bảo hiểm phát triển hơn như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines thông qua việc thành lập công ty, mở chi nhánh tại Việt Nam; thúc đẩy bán bảo hiểm qua biên giới, các dịch vụ trung gian và phụ trợ bảo hiểm , tái bảo hiểm, tham gia các thị trường ngách mà các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn yếu như bảo hiểm rủi ro mạng, rủi ro đặc thù.

Hội nhập, ngành bảo hiểm chịu thách thức ở sân nhà ảnh 3

Tại Việt Nam, đa số các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện tại là của nước ngoài, có sự hỗ trợ mạnh về quản trị, công nghệ, sản phẩm, nhân lực… từ công ty mẹ là những công ty bảo hiểm lớn của các nước đã có nền bảo hiểm phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Canada… nên không có điểm yếu rõ rệt khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm của các nước ASEAN.

Mặt khác, các công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu đang thống trị thị trường các nước ASEAN khác cũng hầu hết là những công ty đang hoạt động tại Việt Nam.

Hội nhập, ngành bảo hiểm chịu thách thức ở sân nhà ảnh 4

Với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có một số bất cập.

Thứ nhất là áp dụng công nghệ tin học trong quản lý còn yếu, chưa tích hợp được quản lý hồ sơ khách hàng, quản lý rủi ro trước, trong và sau cấp đơn qua hệ thống máy tính và mạng, dẫn đến những vấn đề như chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy, vấn đề kiểm soát trục lợi bảo hiểm, phát sinh thêm nhân lực hỗ trợ back office (nhập liệu, quản lý hóa đơn ấn chỉ…).

Thứ hai là chất lượng dịch vụ thấp, các công ty cạnh tranh về phí bảo hiểm và hoa hồng là chủ yếu.

Thứ ba là phương thức bán hàng, kênh bán hàng vẫn tập trung vào kênh truyền thống, chưa tận dụng hết công nghệ hiện đại trong tiếp thị, khai thác và tương tác với khách hàng.

Thứ tư là các sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu mới phát sinh như bảo hiểm rủi ro mạng, bảo hiểm bảo lãnh, tín dụng…, đồng thời các giá trị gia tăng cho sản phẩm chưa nhiều.

Thứ năm là thiếu hụt nhân sự có trình độ, nhất là thiếu chuyên gia định phí bảo hiểm, chuyên gia phân tích, mô hình hóa, chuyên gia luật, chuyên gia đánh giá rủi ro một số ngành kỹ thuật, công nghệ cao...

Thứ sáu là mạng lưới đại lý khai thác không ổn định, tính chuyên nghiệp thấp, năng suất lao động kém, đa số làm đại lý là nghề phụ.

Thứ bảy là có nhiều công ty quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chiến lược kinh doanh không rõ ràng.

Thứ tám là số lượng công ty được xếp hạng (rating) từ các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới còn ít - đây là trở ngại lớn đối với các công ty không được xếp hạng khi muốn vươn ra thị trường nước ngoài, trong cả hoạt động bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm.

Hội nhập, ngành bảo hiểm chịu thách thức ở sân nhà ảnh 5

Nhìn rộng hơn, toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có không ít vấn đề cần giải quyết.

Một là hệ thống luật pháp về hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa hoàn thiện và có những điểm cần điều chỉnh, bổ sung cho hài hòa với yêu cầu chung của hội nhập (cơ quan quản lý đang nỗ lực thực hiện nên vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới).

Hai là nhận thức về bảo hiểm trong cộng đồng chưa cao.

Ba là hiện tượng trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là trục lợi cơ hội (trục lợi mềm - soft fraud) tương đối phổ biến và chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm soát.

Bốn là sức hấp dẫn của ngành bảo hiểm có xu hướng giảm, do thu nhập không cao và rủi ro nghề nghiệp lớn (nhất là trong bảo hiểm phi nhân thọ), dẫn đến sức hút đối với lực lượng lao động có chất lượng suy giảm.

Hình ảnh ngành bảo hiểm ít nhiều bị ảnh hưởng qua chất lượng dịch vụ (đặc biệt các sản phẩm bán lẻ cho người dân) chưa cao, đội ngũ đại lý đa số làm bán thời gian và thiếu tính chuyên nghiệp, phương thức bán hàng đôi khi bị “tầm thường hóa” trong mắt người dân (ví dụ, có nơi bày mẹt bán bảo hiểm xe máy).

Giải pháp cho các doanh nghiệp

Mấu chốt để các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phục vụ là áp dụng mạnh mẽ công nghệ tin học, từ đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, dẫn đến những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ, quy trình quản lý, tiết kiệm chi phí, hạn chế trục lợi.

Chẳng hạn, cấp đơn, quản lý đơn bảo hiểm, khiếu nại bồi thường, hồ sơ khách hàng…. bằng phần mềm tin học. Đối với loại hình bán lẻ phục vụ tại chỗ như bảo hiểm xe máy, có thể nghiên cứu trang bị cho đại lý thiết bị cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cầm tay có kết nối dữ liệu (hiện có công ty bảo hiểm của Thái Lan đang thực hiện phương thức này rất hiệu quả).

Công nghệ tin học sẽ giúp cải tiến quy trình giải quyết bồi thường, tăng cường kiểm soát qua hệ thống phần mềm, giảm bớt thủ tục, giấy tờ tài liệu.

Hiện có doanh nghiệp bảo hiểm có quy trình giải quyết bồi thường (bảo hiểm vật chất ô tô chẳng hạn) ít nhất phải qua 4 khâu, 4 chữ ký (giám định viên, bồi thường viên, kế toán xác nhận phí, trưởng phòng/bộ phận duyệt bồi thường), nếu vụ lớn trên phân cấp có thể tới 7 chữ ký (thêm của giám đốc chi nhánh, phó tổng giám đốc phụ trách khối, tổng giám đốc), mất nhiều thời gian.

Áp dụng công nghệ tin học có thể cắt giảm được một số quy trình do đã được tự động kiểm tra, giám sát trên máy tính, tăng được phân cấp, tự chủ cho đơn vị bán hàng trực tiếp mà vẫn đảm bảo kiểm soát tốt từ trụ sở chính, giảm thiểu thời gian giải quyết bồi thường cho khách hàng, qua đó nâng cao uy tín.

Đồng thời, công nghệ tin học giúp thuận lợi hơn cho giao dịch bảo hiểm, tương tác tốt hơn giữa khách hàng, đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm. Ví dụ, ứng dụng Online Manager, các ứng dụng trên các thiết bị di động giúp khách hàng quản lý hợp đồng, thanh toán phí bảo hiểm, tra cứu thông tin bảo hiểm và thông tin hữu dụng khác như danh mục cơ sở y tế, cơ sở sửa chữa xe, cứu hộ mà bảo hiểm sẽ bảo lãnh…, đây là những giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tất nhiên, các công ty tùy thuộc vào quy mô và chiến lược phát triển để đầu tư vào công nghệ cho phù hợp, không lãng phí, nhưng những công ty có chiến lược phát triển bán lẻ nên xem xét vấn đề này. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc nhiều vấn đề như đã nêu ở trên, chất lượng dịch vụ ngang bằng được với các công ty bảo hiểm lớn khác của ASEAN.

Những công ty nhỏ nên tái cơ cấu, xây dựng chiến lược kinh doanh vừa sức và xác định lĩnh vực (sản phẩm, đoạn thị trường, khu vực) mình có thế mạnh nhất định, nếu mở tràn lan chi nhánh rất tốn kém chi phí và có thể quản trị không theo kịp, dẫn đến không hiệu quả. Những công ty có kế hoạch phát triển sang thị trường khác (bán bảo hiểm qua biên giới, hiện diện thương mại…), ngoài việc nghiên cứu thị trường mục tiêu, điều kiện cần là phải có được rating của tổ chức quốc tế để vượt qua những rào cản kỹ thuật (có thể có) của các nước khác và nâng uy tín thương hiệu của mình.

Và một việc không thể thiếu khác là các công ty phải chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đại lý…

Cơ hội và thách thức đối với lao động bảo hiểm

Sau khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, về lý thuyết, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn với những lao động có kỹ năng. Họ có thể tự do tìm việc ở những thị trường bảo hiểm các nước ASEAN khác, cũng như có thêm cơ hội việc làm từ những công ty bảo hiểm các nước ASEAN mở rộng hoạt động tại Việt Nam và các công ty Việt Nam mở rộng hoạt động sang thị trường ASEAN khác.

Đây là điều kiện tốt để lao động Việt Nam mở mang và tích lũy kinh nghiệm từ các thị trường bạn. Để đón nhận cơ hội, cán bộ bảo hiểm cần có sự chuẩn bị đầy đủ về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc cần thiết.

Ngược lại, thách thức sẽ đến từ lao động các nước ASEAN phát triển hơn sang Việt Nam cạnh tranh về cơ hội việc làm, đặc biệt những lĩnh vực Việt Nam còn thiếu như chuyên gia tính toán bảo hiểm (actuary), đầu tư, luật, phân tích/mô hình hóa rủi ro…

Về vấn đề này, cơ quan quản lý có thể xây dựng các rào cản kỹ thuật để bảo vệ lao động trong nước mà không phạm luật (như yêu cầu lao động nước ngoài phải có chứng chỉ tiếng Việt trình độ nào đó chẳng hạn), tuy nhiên, có lẽ không cần thiết phải làm điều này. Nên để lao động cạnh tranh tự do, qua đó mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực và bổ sung những bộ phận lao động bậc cao thị trường đang thực sự thiếu hụt.

Ngoài ra, môi trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn cũng buộc các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam phải tái cơ cấu, sáp nhập… dẫn đến thải loại nhiều lao động - đây cũng là một thách thức đối với người lao động.

Tin bài liên quan