Hồi kết vụ tranh chấp 22.000 m2 đất giữa Công ty Hừng Đông và Công ty Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 19/5, TAND TP. Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất và mua bán tài sản trên đất giữa Công ty TNHH Hừng Đông và CTCP Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Các bên liên quan gồm CTCP Bất động sản Megastar, Công ty TNHH Hưng Thành, CTCP Thiết bị Thủy Lợi (viết tắt là Hesco).

Vụ tranh chấp liên quan đến khu đất hơn 22.000 m2 ở Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Vào năm 2018, Hừng Đông khởi kiện Megastar tại TAND quận Hai Bà Trưng. Đến năm 2019, Thăng Long khởi kiện Hừng Đông tại TAND huyện Thanh Oai. Do bất động sản nằm tại huyện Thanh Oai, nên Tòa án huyện Thanh Oai nhập 2 vụ án trên để thụ lý giải quyết.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2009, Hừng Đông được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao diện tích đất hơn 22.000 m2 để sản xuất kinh doanh với thời hạn thuê đến năm 2053 theo hình thức trả tiền hàng năm. Sau khi nhận đất, Hừng Đông đã xây dựng tường rào, nhà bảo vệ, trạm điện.

Đến ngày 11/10/2009, Hừng Đông cho Megastar thuê đất với giá thuê là 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng ngày, hai bên lại ký biên bản thỏa thuận với nội dung “Hừng Đông nhượng lại tài sản trên đất và quyền thuê đất cho Megastar với giá 36,8 tỷ đồng”.

Ngày 23/11/2009, Hừng Đông ký hợp đồng thi công cơ sở hạ tầng cho Megastar. Tiếp đó, ngày 17/12/2009, hai bên tiếp tục ký hợp đồng kinh tế với nội dung “Hừng Đông nhượng lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”. Theo thỏa thuận, Hừng Đông phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Megastar.

Dù chuyển nhượng quyền sử dụng hàng chục nghìn mét vuông đất, nhưng các hợp đồng và biên bản thỏa thuận trên đều không được công chứng, chứng thực.

Năm 2011, UBNDTP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Hừng Đông.

Tranh chấp nổ ra khi Hừng Đông cho rằng Megastar mới thanh toán hơn 20 tỷ đồng. Trong khi Megastar cho rằng, đã thanh toán 34 tỷ đồng nhưng Hừng Đông không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2015, Megastar đã ký hợp đồng hợp tác với Hesco. Sau đó, Megastar chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan khu đất trên cho Thăng Long.

Theo lời khai của các bên, Hừng Đông đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên cho ngân hàng để vay vốn. Hừng Đông lại thỏa thuận với Hưng Thành sẽ chuyển nhượng 15.000 m2 đất, thay vào đó, Hưng Thành nộp tiền vào ngân hàng để giải chấp sổ đỏ trên. Tuy nhiên, Hừng Đông không giao đất cho Hưng Thành. Đến nay, Hưng Thành đang giữ sổ đỏ và giấy tờ liên quan. Việc này khiến Thăng Long gặp khó khăn khi sử dụng, quản lý khu đất trên.

Thăng Long đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tòa công nhận hợp đồng ngày 11/10/2009. Đồng nghĩa là Hừng Đông sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng trên và phải bàn giao lại sổ đỏ, giấy tờ liên quan cho Thăng Long.

Năm 2020, tòa sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của Thăng Long, nên Hừng Đông kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

Hừng Đông kháng cáo với các lý do, hợp đồng chuyển nhượng đất không được công chứng và vi phạm điều cấm của pháp luật. Theo Điều 175, Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp không được chuyển nhượng đất thuê trả tiền hàng năm. Công ty đề nghị tòa phúc thẩm tuyên bố vô hiệu hợp đồng ngày 11/10/2009.

Khi xem xét, tòa phúc thẩm xác định, hợp đồng trên không tuân thủ quy định về công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Đất đai 2013. Hợp đồng vi phạm về hình thức. Tuy nhiên, thời hiện yêu cầu vô hiệu hợp đồng là 2 năm (Điều 136, Bộ luật Dân sự 2005). Đến nay, hơn 10 năm, Hừng Đông mới yêu cầu, nên theo luật, công ty mất thời hiệu khởi kiện tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Mặt khác, theo Điều 129, Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì tòa án quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Theo chứng từ do các bên xuất trình, Megastar đã thanh toán 34 tỷ đồng, đạt 98% giá trị hợp đồng. Vì vậy, tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của Hừng Đông.

Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành án trên thực tế, tòa án buộc Hưng Thành phải bàn giao sổ đỏ và giấy tờ liên quan cho Thăng Long. Trường hợp Hưng Thành không bàn giao thì Thăng Long có quyền liên hệ với cơ quan chức năng để thu hồi, hủy bỏ giấy tờ cũ và cấp lại sổ mới.

Tòa cũng buộc Hừng Đông có trách nhiệm sang tên quyền sử dụng đất cho Thăng Long. Nếu Hừng Đông không thực hiện thì sau 30 ngày từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Thăng Long có quyền liên hệ với cơ quan chức năng làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hừng Đông phải tháo dỡ công trình trên đất để trả lại mặt bằng cho Thăng Long.

Ngoài ra, Thăng Long phải thanh toán nốt số tiền hơn 3 tỷ đồng cho Hừng Đông và nộp tiền thuế đất.

Tin bài liên quan