Hội đồng thẩm định thông qua Đề án Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương đang hoàn thiện Đề án Quy hoạch điện VIII để có thể trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần này sau khi Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua.

Nguồn tin của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn cho biết, Hội đồng thẩm định đã thông qua Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) trong cuộc họp diễn ra ngày 3/10/2021.

Có 5 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 19 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa Đề án. Trong cuộc họp lần này có 5 thành viên Hội đồng không có mặt vì đang sống tại các địa phương có dịch bệnh là Đà Nẵng và TP.HCM hoặc đang đi công tác.

Ngay sau khi có kết quả từ Hội đồng thẩm định, Bộ Công thương đã bắt tay vào việc hoàn thiện lại với mục tiêu trình Đề án Quy hoạch Điện VIII hoàn chỉnh cuối cùng lên Thủ tướng Chính phủ ngay trong cuối tuần này để xem xét, phê duyệt.

Dự kiến Thường trực Chính phủ cũng sẽ có buổi làm việc để nghe về Đề án này trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó vào ngày 30/8/2021, Bộ Công thương đã đưa ra Báo cáo giải trình và Dự thảo tờ trình Quy hoạch Điện VIII để lấy ý kiến công khai.

Tại các văn bản này, Bộ Công thương cũng cho hay, về cơ bản các thông số đầu vào phục vụ dự báo nhu cầu phụ tải không thay đổi, do đó kết quả dự báo nhu cầu phụ tải vẫn giữ nguyên so với Tờ trình số 1682/TTr-BCT (ngày 26/3/2021) về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Bộ cũng đã rà soát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, những nguyên nhân chính dẫn tới việc triển khai các phương án phát triển điện lực không đáp ứng được quy hoạch, dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình điều hành, đảm bảo an ninh cung cấp điện giai đoạn 2016 - 2020.

Quan điểm được đặt ra trong lần rà soát này là ưu tiên phát triển những dự án có vị trí, quy mô, thời điểm phù hợp với các tính toán tối ưu tại chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII.

Theo hướng đó, các dự án nguồn điện ở khu vực phía Bắc sẽ được ưu tiên phát triển để tăng cường khả năng cung cấp nội miền, giảm thiểu sản lượng điện truyền tải từ khu vực miền Trung. Đồng thời, sẽ xem xét giãn tiến độ các dự án nguồn điện tại miền Trung, rà soát đầu tư hợp lý các dự án nguồn điện tại miền Nam.

Theo các tính toán này, tổng công suất đặt của hệ thống năm 2030 là khoảng 130.370-143.839 MW. Trong số đó, thuỷ điện lớn, vừa, nhỏ và thuỷ điện tích năng là 17,7% - 19,5%; nhiệt điện than là khoảng 28,3% - 31,2%; nhiệt điện khí, dầu (tính cả LNG) đạt khoảng 21,1 - 22,3%; nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió, mặt trời, sinh khối) đạt 24,3 %- 25,7% và nhập khẩu khoảng 3-4%.

Về điện năng sản xuất và nhập khẩu năm 2030 là khoảng 551,3-595,4 tỷ kWh. Trong đó, thuỷ điện các loại và tích năng là 15,4% - 16,8%; nhiệt điện than khoảng 44 - 45,5%; nhiệt điện khí và dầu (cả LNG) chiếm 23 - 23,8%; năng lượng tái tạo là 11,9% - 13,4% và nhập khẩu điện khoảng 2,9% - 3,6%.

Theo tính toán mới, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32 tỷ USD, trong đó vốn cho phát triển nguồn điện khoảng 85,74 tỷ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD.

Tin bài liên quan