Nhà đầu tư cá nhân thường ham kiếm lời nhanh khi đua theo cổ phiếu tăng nóng vì tin đồn.

Nhà đầu tư cá nhân thường ham kiếm lời nhanh khi đua theo cổ phiếu tăng nóng vì tin đồn.

Hội chứng đầu tư "đu" theo tin đồn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi có thêm nhiều nhà đầu tư mới, còn ít kinh nghiệm mang theo tiền ùn ùn đổ vào thị trường chứng khoán thì đầu tư theo tin đồn trở thành hội chứng ngày càng lan rộng.

Thị trường ngập trong tin đồn

Từ đầu năm đến nay, không ít lần tin đồn khiến các nhà đầu tư lao đao, trong đó phải kể đến tin đồn về hệ thống của HOSE bị lỗi khiến cổ phiếu lao dốc mạnh. Đó là phiên giao dịch trong tháng 7, khi tin đồn được lan truyền bởi một văn bản giả mạo, được lan truyền qua các hội nhóm đầu tư và gây hiệu ứng tiêu cực về hệ thống của HOSE xảy ra lỗi vào phiên giao dịch ATC (đợt khớp lệnh định kỳ và đóng cửa) đã khiến hàng loạt cổ phiếu “nằm sàn”, VN-Index mất hơn 56 điểm.

Tin đồn phổ biến hơn là đồn để đẩy giá cổ phiếu, chẳng hạn, trường hợp cổ phiếu SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương đã tăng giá gấp đôi, từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu khi xuất hiện thông tin trên các diễn đàn về khả năng Tập đoàn Hòa Phát sẽ thâu tóm công ty này.

Nhưng thực tế, Hòa Phát đã phủ nhận thông tin này. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chia sẻ: “Không biết Sao Thái Dương, SJF là công ty nào”.

Ở cấp lãnh đạo công ty thành viên thì cho biết, SJF là một công ty có khả năng cung cấp ván ép gỗ tre cho sản phẩm container của Hòa Phát nếu họ đầu tư thiết bị mới để sản phẩm đạt chất lượng.

Tin đồn về việc thâu tóm này tiếp tục là xúc tác đẩy giá SJF lên gần 12.000 đồng/cổ phần trong tuần trước và Hòa Phát cho biết nhận được nhiều câu hỏi của nhà đầu tư về câu chuyện không có thực này.

Vô vàn những tin đồn về kế hoạch M&A, ký kết hợp tác hay doanh nghiệp sắp công bố con số lợi nhuận đột biến được lan truyền trên các diễn đàn, nhóm hội đầu tư chứng khoán thời gian gần đây. Giá nhiều cổ phiếu theo đó cũng tăng mạnh theo.

Một hiện tượng đáng ngại là, lãnh đạo một số công ty niêm yết có xu hướng “bơm tin” ra thị trường thông qua đội ngũ môi giới của các công ty chứng khoán. Vì thế, tính thật ảo của tin đồn rất khó kiểm chứng sau khi trải qua quá trình truyền miệng, truyền tin qua các hội nhóm.

Mua bán cổ phiếu theo tin đồn đang trở thành hội chứng đáng ngại trên thị trường chứng khoán.

Vì thế, cũng có nhiều tin đồn sau đó thành tin thật, và việc đầu tư theo tin đồn cũng giúp không ít nhà đầu tư ăn lãi bằng lần. Nhưng trong nhiều tình huống, tin đồn chỉ là “tin vịt”, và những ai trót “mua đuổi giá cao” sẽ lãnh hậu quả.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) bình luận, có một số đông nhà đầu tư cá nhân, ưa phong cách lướt sóng, nên ít khi tìm hiểu thông tin một cách bài bản, từ chính doanh nghiệp, mà thích nghe qua kênh truyền miệng.

Việc tin đồn có “đất sống”, dưới góc nhìn của các chuyên gia, xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR), thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động tới cổ đông và giới đầu tư.

“Một thị trường mà doanh nghiệp chưa chịu nhiều sự thúc bách về quan hệ nhà đầu tư, thì hoạt động IR còn bị coi nhẹ là điều dễ hiểu”, ông Tuấn nhận xét về mối quan hệ hai chiều giữa công tác IR của doanh nghiệp và việc nhà đầu tư ưa thích đầu tư theo tin đồn.

Ông Tuấn lấy ví dụ, nhiều doanh nghiệp niêm yết có hàng nghìn cổ đông, song đại hội đồng cổ đông thường niên lại chỉ có vài cổ đông tham dự. Phía doanh nghiệp đã làm đầy đủ mọi thủ tục mời họp, nhưng nhà đầu tư vẫn không đến.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có cả việc nhà đầu tư cá nhân không quan tâm đến câu chuyện định hướng, chiến lược của công ty.

Và nguyên nhân khác là thời gian chốt hưởng quyền đến thời gian đại hội cách nhau quá xa, có thể lên đến vài tháng, thì nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu trước khi đại hội diễn ra, còn những cổ đông mới lại không thể tham dự vì không có quyền.

IR vẫn bị xem nhẹ

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động IR đang được nhiều doanh nghiệp niêm yết xem trọng. Hàng năm, có khoảng 500 - 600 cuộc hẹn gặp giữa các quỹ đầu tư và công ty niêm yết.

Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã tiến bộ hơn trong IR, có những công ty thậm chí tiệm cận trình độ IR của khu vực và hiệu quả phản ánh khá rõ trên giá cổ phiếu như VHM, VIC, VNM, MWG…

Tuy vậy, như nhận xét của ông Nguyễn Chương, tư vấn đầu tư tại Công ty Chứng khoán FPTS, Chi nhánh TP.HCM, nhiều doanh nghiệp vẫn đang đánh đồng PR (quan hệ công chúng) với IR, trong khi trên thị trường vốn là nơi không dành cho những hoạt động mang tính quảng bá sản phẩm, mà phải cung cấp được những thông tin về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính hữu ích cho nhà đầu tư.

Vì thế, hai hoạt động này cần tách biệt nhau, để một bên là hoạt động PR các sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp, một bên là quảng bá hình ảnh và cung cấp những thông tin cần thiết nhất đến với nhà đầu tư hay các cổ đông để họ hiểu rõ, hiểu sâu và nắm bắt kịp thời tình hình của doanh nghiệp đó.

Khuyến nghị được ông Chương đưa ra, để hoạt động IR hiệu quả thì thứ nhất, doanh nghiệp cần có đội ngũ IR chuyên nghiệp và có nhiều kiến thức liên quan đến thị trường vốn, tài chính…; thứ hai, cần xây dựng được các phương tiện truyền thông IR như các công bố thông tin chủ động (báo cáo tài chính, bản tin nhà đầu tư theo từng tháng, cũng như các tài liệu khác) để nhà đầu tư có được nguồn thông tin chuẩn xác nhất với doanh nghiệp đó.

Còn theo ông Tuấn, IR tốt sẽ có hỗ trợ rất tích cực cho cổ phiếu doanh nghiệp, không chỉ giúp tăng giá trị cổ phiếu mà còn có thể tăng sức đề kháng trước các biến động của thị trường. Kinh nghiệm từ doanh nghiệp của mình, ông Tuấn cho biết, cần phải thực hiện nghiêm túc các báo cáo tháng, báo cáo quý, chủ động cung cấp thông tin và tương tác hai chiều với nhà đầu tư qua các kênh truyền thông như website, fanpage, báo chí…

Đánh giá về thực tế hoạt động IR thời gian qua, ông Quang cho rằng, bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào hoạt động IR thì đa phần các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán không chú trọng đến hoạt động này. Có thể nhận thấy điều này từ việc báo cáo tài chính có chất lượng hạn chế, có sai sót, được công bố chậm.

Theo ông Quang, bản chất hoạt động IR là trao đổi thông tin về tình hình tài chính, quản trị thường xuyên giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, qua đó, giúp nhà đầu tư hiểu rõ về doanh nghiệp, từ đó có quyết định đầu tư chính xác, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, IR tốt sẽ nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Nếu ưa thích doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ ưu tiên giới thiệu doanh nghiệp cho người khác. Do vậy, để hoạt động IR hiệu quả, doanh nghiệp cần chú trọng trong từng giai đoạn, từng mục tiêu khác nhau.

Chẳng hạn, có doanh nghiệp cần tăng tính đại chúng để nhà đầu tư, công ty chứng khoán biết tới; có doanh nghiệp cần nhà đầu tư nước ngoài biết tới mình, hoặc doanh nghiệp cần truyền thông khi muốn huy động vốn. Khi hiểu rõ mục tiêu làm IR, doanh nghiệp sẽ biết được để phân bổ nguồn lực hợp lý để đạt được yêu cầu.

Đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp, ông Quang cho rằng, cùng với IR, doanh nghiệp cũng nên quan tâm tới nhóm tiêu chí phát triển bền vững, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, nâng tầm quản trị doanh nghiệp và trên hết là ban lãnh đạo cần có cam kết về tính minh bạch thông tin.

Chính trong môi trường IR còn bị xem nhẹ ở nhiều doanh nghiệp niêm yết, thậm chí IR còn bị biến tướng thành hoạt động “thông tin dưới gầm bàn”, khi lãnh đạo doanh nghiệp tuồn tin cho đội ngũ môi giới bên ngoài sau khi gom cổ phiếu để kiếm lời, thì đầu tư theo tin đồn đang trở thành hội chứng đáng ngại trên thị trường chứng khoán. Hội chứng này là biểu hiện điển hình nhất khi đánh giá về tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán nói chung.

Tin bài liên quan