Chăn nuôi heo mang lại cho HAGL 94 tỷ đồng lãi gộp.
Cụ thể, trong quý II/2021, doanh thu thuần của HAG chỉ đạt 534,8 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính là mảng trái cây - vốn chiếm tỷ trọng chính - sụt giảm mạnh, chỉ đạt 189 tỷ đồng, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do không còn hợp nhất với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) từ ngày 8/1. Mủ cao su vẫn tiếp tục không đem lại khoản thu nào cho công ty.
Cứu vớt doanh thu của HAGL chính là mảng nuôi heo với doanh thu thuần trong quý lên tới 190 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận doanh thu từ mảng này). Bên cạnh đó, doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa đạt 76,6 tỷ đồng, tăng 270%, doanh thu cung cấp dịch vụ khác đạt 78,7 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ giá vốn hàng bán, HAGL báo lãi gộp 180,8 tỷ đồng, tăng 35,7% so với quý 2/2020. Mảng trái cây chiếm doanh thu lớn nhất nhưng giá vốn ăn mòn gần hết lợi nhuận. Trong đó, bán heo lãi 94 tỷ đồng, chiếm gần 52% tổng lãi gộp.
Một điểm sáng nữa của HAGL trong quý 2/2021 là chi phí giảm rất mạnh, cả chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lẫn chi phí lãi vay. Tuy nhiên, hoạt động khác lại lỗ 165 tỷ đồng (do chuyển đổi một số vườn cây trồng không hiệu quả để chuyển sang trồng chuối).
Tổng cộng quý II/2021, HAGL báo lãi sau thuế 87 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ sau thuế gần 1.329,5 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên kể từ quý 2/219 đến nay, HAGL ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 800,6 tỷ đồng, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm trước, lỗ lũy kế trước thuế 6 tháng lên tới 179 tỷ đồng. Nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, lãi sau thuế của công ty mẹ hợp nhất 6 tháng vẫn đạt 27,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 1.155,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của HAGL là 18.150 tỷ đồng, giảm 266 tỷ so với cuối quý I/2021, nhưng giảm một nửa so với đầu năm do không còn hợp nhất với HAGL Agrico từ đầu năm nay.
Cuối quý II, khoản phải thu ngắn hạn của HAGL có giá trị 4.383 tỷ đồng (tăng 19% so với quý trước) sau khi đã phải trích lập dự phòng 2.245 tỷ đồng. Trong đó, phải thu cho vay ngắn hạn lên tới 5.332 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HAGL cũng có gần 4.078 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của HAGL chỉ còn 12.974,9 tỷ đồng, giảm 52,3% so với đầu năm. Trong đó, riêng nợ vay giảm từ 18.102,8 tỷ đồng xuống còn 8.279,3 tỷ đồng song vẫn cao gần 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Khoản vay giảm hơn 9.823,5 tỷ đồng chủ yếu do tất toán khoản nợ 5.122,7 tỷ đồng với CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) và 1.231,6 tỷ đồng với BIDV.
Hiện tại, HAGL đang là “con nợ” lớn của Sacombank (524 tỷ), Eximbank (678 tỷ), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (262 tỷ), TPBank (192 tỷ)...
Ngoài 8.279 tỷ đồng nợ vay tại ngân hàng, tại thời điểm 30/6, HAGL còn dư nợ trái phiếu hơn 6.481 tỷ đồng với 6.114 tỷ đồng nợ dài hạn và 367 triệu đồng trái phiếu đến hạn trả trong vòng 1 năm. Hầu hết lượng trái phiếu của HAG được BIDV và Công ty cổ phần chứng khoán BIDV tổ chức thu xếp phát hành (chiếm hơn 90%).
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm của HAGL ghi nhận âm 161 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm 1.075 tỷ đồng.
Lũy kế đến hết quý 2/2021, lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối của HAGL là 7.548 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2020 nhờ khoản lãi sau thuế gần 28 tỷ đồng 6 tháng đầu năm nay.