Hoàn thiện cơ sở pháp lý thanh tra ngân hàng
Kể từ năm 2010 đến nay, NHNN đã và đang triển thí điểm phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với khối các TCTD nước ngoài. Để áp dụng phương pháp này, hệ thống thanh tra, giám sát của NHNN cần đáp ứng một số điều kiện, trong đó đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến chính là phải có cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ hướng dẫn về thanh tra trên cơ sở rủi ro.
Trong đó, về khung pháp lý, NHNN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn trong hoạt động ngân hàng và tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn phục vụ cho việc thanh tra trên cơ sở rủi ro.
Cụ thể, Thông tư số 36/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành ngân hàng. Quyết định số 1728/QĐ-NHNN ngày 5/9/2016 về việc ban hành Quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của NHNN.
Hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn thanh tra trên cơ sở rủi ro và quy trình thanh tra. Văn bản này là cẩm nang nghề nghiệp quyết định đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra, giám sát đối với các TCTD.
Bên cạnh đó, hoàn thiện Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có quy định về quản trị rủi ro tối thiểu đối với các TCTD làm cơ sở cho quá trình thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro, phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD.
Thông tư quy định về xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó quy định hệ thống tiêu chí được sử dụng làm cơ sở phân nhóm chỉ tiêu khi xếp hạng về CAMELS (vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường) làm cơ sở cho quá trình thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro của NHNN.
Ông Nguyễn Văn Hưng
Việc ban hành Thông tư 36/2016/TT-NHNN và Quyết định số 1728/QĐ-NHNN đã góp phần hoàn thiện thêm một bước cơ sở pháp lý cho thanh tra ngân hàng thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương; thực hiện thẩm định, đánh giá tính đầy đủ, đúng đắn dự thảo Kết luận thanh tra trước khi ban hành theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế chính sách quy định về thanh tra ngân hàng, đặc biệt là cơ sở pháp lý về thanh tra trên cơ sở rủi ro chưa được hoàn thiện, do đó, công tác thanh tra vẫn gặp một số khó khăn.
Theo đó, hoạt động của thanh tra ngân hàng được điều chỉnh bởi Luật NHNN và Luật Thanh tra. Tuy nhiên, Luật Thanh tra chỉ quy định về thanh tra việc chấp hành các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước (thanh tra tuân thủ) và điều chỉnh cho thanh tra tất cả các bộ ngành, chưa có quy định về phương pháp thanh tra mang tính dự báo và cảnh báo sớm (thanh tra trên cơ sở rủi ro).
Trên cơ sở Luật Thanh tra, thanh tra chuyên ngành ngân hàng có những khó khăn trong việc tuân thủ Luật Thanh tra và Luật NHNN (luật chuyên ngành) cũng như các văn bản hướng dẫn về phương pháp thanh tra, quy trình thanh tra, nội dung thanh tra, nội dung báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra...
Bên cạnh đó, hiện nay, các cẩm nang về thanh tra (sổ tay thanh tra, quy chế về quản trị rủi ro tối thiểu) đang trong quá trình hoàn thiện để ban hành nên việc thanh tra trên cơ sở rủi ro vẫn chủ yếu dựa vào hướng dẫn nội bộ của từng đơn vị, kinh nghiệm của thanh tra viên và các quy định, khuyến nghị của Ủy ban Basel.
Tăng cường cơ chế giám sát
Thực tiễn công tác giám sát các TCTD cho thấy, để nắm bắt được thường xuyên thực trạng hoạt động của các TCTD, đặc biệt là tình hình tài chính, các yếu tố dẫn đến rủi ro gây mất an toàn hệ thống; xử lý kịp thời những vấn đề nghiêm trọng xảy ra, tránh lây lan dây chuyền, gây rối loạn cho nền kinh tế, cần phải có: (i) một bộ máy tổ chức tối ưu, (ii) quy trình giám sát hiệu quả, (iii) phương pháp giám sát, công cụ giám sát phù hợp và (iv) hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.
Thời gian qua, công tác giám sát ngân hàng không ngừng được đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới, gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát.
Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Phạm vi và nội dung giám sát được mở rộng, bao gồm cả các công ty con, chi nhánh của TCTD ở nước ngoài, sở hữu vốn, đầu tư tài chính của TCTD, theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã xây dựng cơ chế giám sát và yêu cầu TCTD báo cáo.
Đặc biệt, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã ứng dụng, phát triển và triển khai các công cụ giám sát giúp cảnh báo sớm rủi ro như mô hình dự báo tài chính (FPM), kiểm tra sức chịu đựng (Stress-testing), đo lường - đánh giá hiệu quả hoạt động (DEA) để giám sát chặt chẽ, thường xuyên diễn biến thị trường và hoạt động của từng TCTD cũng như toàn bộ hệ thống, qua đó phát hiện những xu hướng tiêu cực, cảnh báo sớm rủi ro và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Nhờ vậy, kết quả giám sát đã hỗ trợ tích cực cho công tác thanh tra, quản lý cấp phép, xây dựng cơ chế, chính sách, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát ngân hàng còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định và bảo đảm an toàn hoạt động cho toàn hệ thống. Đây là công cụ quan trọng của NHNN trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, kịp thời xử lý các hành vi gây mất an toàn hệ thống, đe dọa an ninh tiền tệ quốc gia.
Hiện nay, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đang xây dựng Thông tư quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát an toàn hệ thống, cũng như đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động giám sát ngân hàng.
Dự thảo Thông tư được xây dựng với định hướng, quyết tâm của Ban lãnh đạo NHNN về việc xây dựng và phát triển hoạt động giám sát như là hoạt động trung tâm trong các hoạt động về cấp phép hoạt động, thanh tra, giám sát, phòng chống rửa tiền... nhằm phát huy vai trò cảnh báo sớm và kịp thời can thiệp trước khi hệ thống ngân hàng xảy ra các vấn đề căng thẳng, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng ngân hàng.
Đẩy mạnh thực hiện Basel II
Nhiệm vụ triển khai thực hiện Basel II là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của hệ thống ngân hàng đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, “đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên)”.
Để triển khai việc áp dụng Basel II, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là yêu cầu đầu tiên trong việc hoàn thiện từng bước khuôn khổ pháp lý làm cơ sở cho việc thực hiện Basel II tại Việt Nam. Đồng thời, hiện nay NHNN đang hoàn thiện:
Thứ nhất, thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ (trong đó có cấu phần quy định về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn - ICAAP) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong công tác kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ của TCTD theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, giúp ngăn ngừa và cảnh báo rủi ro; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát của NHNN đối với các TCTD, giảm thiểu sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng và tạo khuôn khổ pháp lý trong công tác quản lý rủi ro của TCTD theo chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, nghiên cứu giải pháp tập trung hóa cơ sở dữ liệu tại CIC để hình thành cơ sở hạ tầng tài chính phục vụ cho việc tính tỷ lệ an toàn vốn.
Bên cạnh các giải pháp về xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém, việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá thông qua việc phân bổ vốn hợp lý theo rủi ro, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, hoàn thiện cơ cấu quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế để tạo giá trị cốt lõi và sự phát triển bền vững cho các ngân hàng thương mại, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.