Hoàn thiện chuỗi giá trị
Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với số phiếu thuận áp đảo. Trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, EVFTA càng có ý nghĩa khi mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu vào EU.
Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ hiệp định này chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng hơn thị trường xuất khẩu cho hàng Việt. Điều này có ý nghĩa khi hiện chỉ 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Tăng xuất khẩu nhờ vào Hiệp định chỉ là một phần đích đến của các ngành hàng xuất khẩu lớn, đích đến dài hạn và có ý nghĩa hơn cả là làm sao thỏa mãn được những điều kiện đã cam kết trong EVFTA để được hưởng các ưu đãi về thuế tối ưu nhất, từ đó có thêm giá trị gia tăng để tái đầu tư cho sản xuất bền vững.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Việt Nam và EU là hai thị trường mang tính chất bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Điều đó có nghĩa là mỗi bên sẽ sản xuất và bán hàng hóa mà bên kia không sản xuất tại thị trường nội địa của mình.
Nhìn tổng thể, EVFTA đi vào hiệu lực sẽ thúc đẩy thương mại trên tất cả các lĩnh vực và ngành công nghiệp, với việc loại bỏ gần 99% dòng thuế. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Cụ thể, hiệu ứng của hiệp định này tới xuất nhập khẩu sẽ dễ nhận biết nhất khi hơn 85% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Con số này tăng lên 99% sau 7 năm. 1% còn lại được hai bên thống nhất giảm về 0% theo thuế suất trong hạn ngạch thuế quan.
Doanh nghiệp phải chuyển mình
EVFTA chỉ mãi là cơ hội, chứ không phải cánh cửa thần kỳ cho tất cả các ngành hàng xuất khẩu, kể cả các ngành hàng vốn được nhận định có nhiều tiềm năng lớn như dệt may, da giày, thủy sản… một khi doanh nghiệp và các ngành không chuyển mình.
Dệt may xuất khẩu 39 tỷ USD, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang EU mới đạt 4,4 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang phân tích, xuất khẩu có thể tăng cao, nhưng nếu không đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, cơ hội hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU sẽ giảm đi nhiều.
Lo lắng của ông Giang là có cơ sở, bởi sản xuất vải luôn tỷ lệ thuận với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, xuất khẩu 36,2 tỷ USD, thì chi 12,8 tỷ USD nhập vải, sang năm 2019, mức chi nhập vải đã vượt 13,5 tỷ USD.
EVFTA sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
“Chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư làm vải, sản xuất nguyên phụ liệu để ngành chủ động hơn, giảm bớt nhập khẩu để tận dụng tốt các FTA, trong đó có EVFTA”, ông Giang nói.
Điều mấu chốt nhất với các ngành hàng xuất khẩu lớn, đặc biệt là nông, thủy sản vốn chịu nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… phải là chất lượng.
“Khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Covid-19 xảy ra đã tác động lớn đến các ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản. Nếu không thay đổi sản xuất, gia tăng chế biến, củng cố chuỗi cung ứng để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch, thì hàng hóa còn khó khăn, dù ta đã có FTA với Liên minh châu Âu”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khuyến cáo.
EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22%, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, từ nay đến lúc EVFTA có hiệu lực, một trong những vấn đề mà ngành thủy sản phải đặc biệt chú ý, đó là từ năm 2017, Việt Nam bị áp dụng thẻ vàng, gây trở ngại cho tất cả các mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu sang EU khi bị kiểm soát 100%, trong khi trước đó kiểm soát có xác suất. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi mất quá nhiều thời gian và trải qua nhiều thủ tục hành chính nhằm chứng minh nguồn gốc khai thác thủy sản đảm bảo tính hợp pháp.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, quy trình kiểm tra thông quan đối với các lô hải sản nhập khẩu vào EU cũng trở nên gắt gao hơn, từ 7 - 10 ngày, thậm chí lên đến 20 ngày.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%; trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm. Như vậy, EVFTA đi vào thực thi là lực đẩy rất lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU.
“Đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu mà doanh nghiệp Việt cần đáp ứng”, ông Hòe nhấn mạnh.