Bị cáo Lý Xuân Hải trình bày trước Tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Bị cáo Lý Xuân Hải trình bày trước Tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Hoàn cảnh nào "đẩy" ACB mang 28.000 tỷ đồng gửi ngân hàng khác trong vụ "bầu" Kiên?

(ĐTCK) Thừa tiền, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên đem gửi hơn 28.000 tỷ đồng vào các ngân hàng khác. Cựu CEO Lý Xuân Hải đã sử dụng nhiều kiến thức ngân hàng "trong trường học" để lý giải trước vành móng ngựa, tiền của ACB từ đâu ra, và tại sao Vietinbank phải trả lại ACB 718 tỷ đồng?

Theo bị cáo Lý Xuân Hải, trong hoạt động huy động của ACB, có thời điểm huy động bằng vàng chiếm tới đến 20% tổng huy động. Số vàng này ACB đã chuyển thành VND và USD sử dụng cho vay doanh nghiệp, cá nhân và mua trái phiếu Chính phủ.

Như vậy là gần 2 tỷ USD bằng vàng, vốn là tài sản chết trong xã hội, ACB bằng các nghiệp vụ chuyển sang VND và USD, tương đương với 30.000 – 40.000 tỷ đồng. Một phần trong số này được chuyển thành vốn cho vay trên thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay và cho vay lẫn nhau -pv).

Nhưng thị trường lúc đó (năm 2009), có đặc thù là thị trường liên ngân hàng, với vai trò tấm gương phản ánh thị trường, là công cụ điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, gần như bị tê liệt.

Khi đó thị trường ngân hàng chao đảo rất mạnh vì sau năm 2008 các ngân hàng trong tình trạng phải tập trung huy động, làm cho cạnh tranh tăng về lãi suất, khuyến mại, hoa hồng tăng lên.

Nhưng Ngân hàng Nhà nước lại ban hành quy định không cho phép sử dụng vốn vay liên ngân hàng cho vay (ngân hàng vay vốn ngân hàng bạn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay khách hàng - pv) và chỉ được sử dụng 80% vốn huy động dân cư để cho vay.

Do đó thị trường liên ngân hàng bị mất tác dụng, thành ra các ngân hàng chỉ có cách giảm cho vay hoặc tăng huy động. Cho vay thì không phải lúc nào cũng thu nợ được ngay nên chỉ có cách tăng huy động.

Cũng thời điểm cuối 2009 – đầu 2010, lạm phát quay lại, Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, tổng lượng tiền không tăng, tiền về bản chất là dân xách từ ngân hàng này sang ngân hàng khác nên cạnh tranh huy động rất nóng, lãi suất tăng lên.

Ngân hàng đối mặt với rủi ro rất lớn, dân gửi tiền theo ngày, tuần, tháng, nhưng ngân hàng cho vay theo năm. Ngân hàng mất cân đối toàn diện. Lãi suất tăng vù vù. Các ngân hàng dù thừa tiền buộc phải tăng lãi suất theo (để giữ chân khách hàng gửi tiền không rút chuyển sang ngân hàng khác có lãi suất huy động cao hơn - pv).

ACB, dù là ngân hàng thừa tiền nhưng vào thời điểm đó nếu không tăng lãi suất theo thì trong 1 tháng là mất thanh khoản.

Bên phía các ngân hàng thiếu tiền thì khi bí quá không trả được cho dân thì vay liên ngân hàng để trả.

“Tình trạng thị trường chao đảo, tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có trước khi chúng tôi ra nghị quyết. Đó là thực tế”, bị cáo Hải nói.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết của ACB về bản chất đúng là tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác nhưng trước đây thì tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác qua thị trường liên ngân hàng. Khi Ngân hàng Nhà nước “đóng” thị trường liên ngân hàng thì dân mang tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Tự bào chữa, cựu CEO này cho rằng thời điểm Ngân hàng ACB thông qua chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền thì Điều 106 Luật tổ chức tín dụng 2010 chưa có. Sau ngày 1/1/2011, khi Luật này có hiệu lực thì việc Ngân hàng ACB tiếp tục thực hiện là phù hợp với thông lệ áp dụng pháp luật.

“Trên thực tế, sau khi luật ban hành thì cần thêm 50 văn bản dưới luật, nếu chờ hướng dẫn mới thực hiện thì ngân hàng không hoạt động được”, bị cáo Lý Xuân Hải nói.

Bị cáo Hải cũng nêu Điều 106 quy định về hai hoạt động là ủy thác và đại lý, nhưng không hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước lại yêu cầu hoạt động ủy thác phải chờ hướng dẫn mới được tiếp tục thực hiện mà hoạt động đại lý, các ngân hàng vẫn làm đại lý thanh toán cho nhau, thì lại không yêu cầu phải chờ hướng dẫn.

Lý Xuân Hải trình bày về trung gian tiền tệ, khái niệm này đã được Ngân hàng Nhà nước quy định và có trong kiến thức được dạy trong trường học. Thị trường tiền tệ là nơi mà đồng tiền chạy từ người thừa đến người thiếu và bắt buộc phải qua trung gian. Người thừa tiền không không biết tiền mình đi đến với ai, trung gian tiền tệ cho ai vay, vay như thế nào là việc của trung gian tiền tệ.

Hành vi gửi tiền về bản chất là giao dịch dân sự, kinh tế, người gửi tiền giao kết với người nhận tiền và từ đó phát sinh quyền và nghĩa vụ. Trong đó, quyền quan trọng nhất của người gửi tiền là có quyền đòi nợ. Tiền đã vào ngân hàng là của ngân hàng, chứ không phải tiền của người gửi đang ở ngân hàng.

Bất kỳ ai mạo danh ngân hàng và người gửi làm giả các hồ sơ để rút tiền ra thì đều là vi phạm. Khi các nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank thì tiền là của Vietinbank và nhân viên ACB chỉ sở hữu quyền đòi nợ. Không có tài khoản nào tại Vietinbank mà lại thuộc sở hữu của nhân viên ACB.

Theo bị cáo Lý Xuân Hải, Vietinbank phải trả số tiền 718 tỷ đồng cho ACB.

Về chủ trương đầu tư cổ phiếu, bị cáo Hải thừa nhận đúng là có tham gia họp và thông qua chủ trương và cũng có cấp hạn mức cho Kienlongbank và Vietbank nhưng không tham gia quá trình họ sử dụng vốn vào việc gì, đó là việc của trung gian tiền tệ, không thể biết tiền được chuyển cho ai.

Tương tự, bị cáo Trịnh Kim Quang trình bày về bối cảnh khiến ACB ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền. Khi đó, thị trường liên ngân hàng tê liệt. Các ngân hàng thừa tiền đứng trước nguy cơ vi phạm quy định pháp luật cho vay vượt quá quy định.

Với bối cảnh đó thì các ngân hàng nghĩ ra cách lách luật, không phạm luật, thực hiện nghiệp vụ ủy thác gửi tiền, tiền vẫn từ ngân hàng thiếu vốn sang ngân hàng thừa vốn nhưng không qua thị trường liên ngân hàng mà qua các cá nhân.

Bị cáo Quang trình bày đây cũng là việc bất đắc dĩ, tình huống thị trường nên phải làm như vậy.

Tin bài liên quan