Chuyện xưa, chuyện cũ
Thú thực, việc tôi trở thành người đưa báo rất tình cờ, tình cờ cả như cái cách cuộc đời đưa đẩy tôi vào nghề này.
Lại xin lòng vòng một chút, để bạn đọc hiểu được cái uyên nguyên sự nghiệp của tôi.
Thời của những đứa bé quê đầu 8x như chúng tôi, ối kẻ chẳng định hình được việc mình nên học khối nào, theo đuổi ngành gì, chứ đừng nói chạy theo đam mê hay một điều gì mơ hồ như thế (dĩ nhiên, không phải ai cũng vậy – bạn đang đọc bài này cũng nên làm quen với việc tôi tự ý đóng mở ngoặc đơn, tôi có thói quen giải thích cụ thể những điều mình viết. Khổ, văn nó thế, loằng ngoằng dây điện như chính cái thân hình eo dây cây cảnh bao năm vẫn vậy).
Sạp báo là hình ảnh thực tại nhưng cũng gợi đầy hoài niệm cũ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ngày sắp tốt nghiệp cấp 3, tôi nằng nặc xin bố mẹ cho đi học lái máy xúc ủi, ở một trường gần nhà. Lý do quá ư đơn giản, đó là vì hai thằng bạn thân cũng chọn học vào đó, rồi ra trường sẽ được đi khắp đó đây, theo các công trình, nhà máy.
Nhưng rồi, bố mẹ tôi không đồng ý. May thay, các cụ bắt tôi đi thi. Và rồi, thi bừa, đỗ tạm (đúng nghĩa theo kiểu chống chế). Tôi cũng đậu vào một trường trung cấp dạy cách viết báo. Sau hai năm mài đũng quần, tôi cũng võ vẽ cho mình ít trình viết lách. Đó là hồi năm 2003.
Ra trường, chẳng quen biết ai, tôi lê đôi dép tổ ong xuống Hà Nội xin việc. Lại may thay, tôi xin vào được một tờ tạp chí ngành. Ngày đó, báo chí còn ít chứ chưa đông đúc như vây giờ, nên kể cả báo ngành cũng thanh thế lắm. Còn với các tờ báo lớn như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động, Tiền phong, Đầu tư, Hà Nội mới, Nhân dân, Quân đội…, thì chỉ có nước đứng im mà mơ, chứ ngay cả nghĩ đến việc được vào làm việc cũng chẳng dám (như kiểu bị ngợp, bị cái danh tiếng nó làm mình sợ ấy - lại mở đóng ngoặc).
Báo giấy từng có một thời hoàng kim. Ảnh: Thành Nguyễn.
Thế rồi, tự dưng tôi thành anh phóng viên, dù trước đó, sự chọn lựa hoàn toàn do đưa đẩy.
Thử việc được chưa lâu, thì tờ tạp chí của tôi gặp khó khăn phải đóng cửa. Đúng lúc “cơm gáo không đùa với khách thơ” (lời thi sĩ Xuân Diệu), tôi được chị đồng nghiệp giới thiệu vào làm ở một công ty phát hành báo, với lời nhắn: “Cũng là làm báo mà em, không viết thì giao”.
Nghĩ cũng đúng. Thế là tôi nhận lời, dù có đôi chút tự ti.
Chuyện nghề
Tham gia vào quy trình cuối của nghề báo chí, nhịp sinh học của tôi hoàn toàn thay đổi. Trừ ngày Chủ nhật, tất cả các buổi sáng đều thức dậy lúc 4h30’. Sau khoảng mươi phút làm vệ sinh cá nhân là ngồi lên xe lao nhanh ra đường. Ngày đó, với tôi bình minh là những sáng chưa thấy ánh mặt trời. Bữa sáng là một cốc nước lọc thật lớn.
Dậy sớm tuy vất vả nhưng như người ta vẫn nói, mãi cũng thành quen.
Công ty tôi ở đầu phố Tôn Đức Thắng, đoạn ngã tư Khâm Thiên – Nguyễn Lương Bằng – Đê La Thành.
Khoảng tầm 5h là hầu hết các đầu báo đã được tập kết đầy đủ và chia cho anh em phát hành. Trong nhà chỉ toàn báo là báo, người đứng, kẻ ngồi, còn báo: la liệt khắp nơi.
Làng báo Việt Nam hiện có sự góp mặt của hàng trăm đơn vị báo chí lớn, nhỏ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ban đầu, cứ tưởng việc làm mang tính máy móc kia không khó, nhưng khi bập vào tôi mới thấy quả thật rất nhiêu khê.
Những loại báo ngày như: Nhân dân, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ… được xếp thành một hàng riêng, chồng lên nhau và chỉ đủ hở cái măng-séc. Các loại tuần báo hay tạp chí, bản tin lại được để riêng. Lúc đầu tôi khá băn khoăn về sự sắp đặt này, nhưng Tuấn, một người đưa báo có kinh nghiệm giải thích: “Phải sắp xếp như vậy khi xếp báo mới nhanh và thuận, đây là cách sắp xếp rất khoa học mà nhiều thế hệ đàn anh đã đúc rút ra, chúng ta chỉ việc thừa hưởng…”
Mỗi nhân viên đưa báo phải phụ trách một chặng, tuyến đường nhất định với khoảng chừng 40 – 50 địa chỉ giao báo. Điểm nhiều, điểm ít, có điểm cả tuần, thậm chí cả tháng mới phải ghé một lần vì họ chỉ đặt một loại tạp chí.
Trên từng cây số cùng báo. Ảnh: Thành Nguyễn.
Với người làm nghề này, cuốn sổ phát hành là vật bất ly thân. Mỗi người một cuốn, ghi lại địa chỉ, số lượng từng loại đầu báo đặt… Mặc dù làm lâu, có khi với nhiều địa chỉ người đưa báo thuộc lòng cả số lượng từng loại báo, nhưng với mấy chục địa chỉ thì vẫn phải có sổ mới đảm bảo tính chính xác.
Ngày đó, biết tôi là lính mới, sắp thành đồng nghiệp, bác Thái, một nhân viên kỳ cựu cạnh bên lên tiếng: “Nghề này phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh cả người nữa. Phải luyện để mắt cậu vừa liếc số lượng trên sổ, tay cậu vừa phải lấy được đúng đầu báo mình cần, không thừa không thiếu… Ngứa cũng đừng có gãi…”
Báo giấy vẫn là nguồn cấp tin đáng tin cậy với độc giả, nhà đầu tư. Ảnh: Thành Nguyễn.
Thấy tôi ngạc nhiên vì câu cuối chẳng liên quan gì đên mấy câu đầu, Tuấn cười hóm hình: “Tý anh khắc biết!”
Cuốn sổ phát hành của dân đưa báo vốn là một cuốn sổ tay chép ngược các địa chỉ “giao hàng”. Có như vậy, người đưa chỉ việc nhặt báo theo đúng số lượng, số loại. Sau đó, khi đã hoàn thiện thì tiến hành buộc thành chồng, nhấc lên xe, thế là bắt đầu cho một cuộc hành trình trên từng cây số. Đây cũng là một kinh nghiệm mà nhiều tiền nhân đã nghĩ ra để rút ngắn tối đa thời gian xếp báo, để đưa báo đến các điểm phát hành sớm nhất có thể.
Tham gia cùng Tuấn xong, mặt mày cũng vã mồ hôi, đưa tay lên trán vuốt vuốt hai cái, lúc quay sang, Tuấn phá lên cười. Hóa ra đôi bàn tay miết báo của tôi nãy giờ đã nhọ nhem nhọ thỉu vì mực in, và cái mặt tôi chắc khó coi và buồn cười lắm. Quay qua bên cạnh, thấy bác Thái cũng nháy mắt cười hóm hình. Lúc đó tôi mới hiểu thông điệp: “Ngứa cũng đừng có gãi”.
Giọng đầy phấn khích, Tuấn bảo: “Ngày đầu em cũng như anh, hồn nhiên mang bộ mặt nhem nhuốc lượn khắp phố phường. Ai nhìn em cũng cười, mãi sau em ngó gương chiếu hậu mới biết mặt mình nhọ. Đấy là bài học nhập môn mà mấy anh, mấy bác ở đây tặng em đấy”.
Chuyện nắng, chuyện mưa
Các cung đường đưa báo thường rải đều khắp các con phố và có độ dài, ngắn khác nhau, từ 30 – 40 km, vì thế, thật dễ hiểu khi dân đưa báo là ma xó khắp các con đường. Để đảm bảo đưa báo đúng giờ (thông thường phải đưa trước 9h30’), đòi hỏi mọi người phải sắp xếp cung đường thật hợp lý. Những ngày nắng đã vậy, những ngày mưa, nhất là mùa Đông thì nỗi vất cả còn nhiều hơn gấp bội. Trong hành trang của các nhân viên đưa báo không bao giờ thiếu áo mưa hay túi ni-lông các loại.
Anh Linh, một lão tướng có 10 năm gắn bó với nghề cho biết: “Trời mưa người có thể ướt, nhưng báo thì tuyệt đối phải khô. Khách hàng dễ tính đã vậy, có khách hàng khó tính thì chỉ đến muộn vài phút hay báo bị ẩm một chút là bị kêu ca, thậm chí còn bị mắng thẳng mặt và trả báo lại không nhận”.
Ngoài việc đưa báo tận nơi, các sạp báo cũng là kênh phát hành hiệu quả. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chuyện đưa thừa, thiếu hay nhầm là không thể tránh khỏi với nghề phát hành báo. Và đây cũng là điều kỵ nhất mà các nhân viên phát hành chẳng ai muốn gặp. Có những khách hàng, chỉ cần đưa báo đến muộn dăm phút (vì những ly do bất khả kháng như hỏng xe, tắc đường…) hoặc thiếu một tờ báo ngày là ngay lập tức bốc máy điện thoại gọi đến công ty “khiếu nại”. Và đương nhiên nhân viên tuyến đó nhẹ thì bị khiển trách, nặng thì trừ lương.
Ngày đó, thời điểm năm 2003 – 2004, khi tôi làm nghề đưa báo, mức lương vào khoảng 500.000 đồng/tháng (theo trí nhớ mơ hồ của cái tuổi đã toan về già). Lương khá thấp, nhưng lại làm nửa ngày, nên nhiều người vẫn lựa chọn và dành thời gian còn lại làm thêm việc khác, như chạy xe ôm (tôi cũng vậy, có điều, nếu rảnh, tôi sẽ kể trong một bài viết khác, chắc cũng phải đợi dịp 21/6 nào đó để nhớ lại những ngày đầu gian khó vào nghề).
Mua báo buổi sớm. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nghe chẳng có gì to tát, nhưng nghề này cũng có đặc thù riêng là không dễ thay thế, theo kiểu đồng nghiệp ốm, mình làm thay. Vì dù địa chỉ có sẵn, cung đường vẫn vậy, nhưng nếu để một người mới, hoàn toàn lạ cung, lạ tuyến đi giao báo thay, có khi nửa ngày chưa xong hết điểm. Chính vì lẽ đó, người làm nghề này ít khi được ốm. Đó là một sự thật.
Hoài niệm
Giờ, báo điện tử và vô vàn hình thức thông tin khác lên ngôi, báo giấy cũng chịu nhiều áp lực. Chỉ một số tờ báo duy trì tốt chất lượng thông tin, có đối tượng độc giả chuyên biệt, trung thành là còn phát hành mạnh mẽ, chứ nhiều tờ báo ra đời sau, thậm chí còn không hề phát hành báo giấy.
Nhiều độc giả vẫn giữ thói quen độc báo giấy. Ảnh: Thành Nguyễn.
Thi thoảng, trên đường, tôi vẫn bắt gặp một vài hình ảnh nhân viên phát hành báo chí, gợi nhớ chặng đường ắp đầy kỷ niệm thuở nào.
Cũng có bận, tôi bắt gặp hình ảnh một sạp báo trên phố, với các đầu báo được xếp ngay ngắn, gọn gàng.
Hay có bận, là hình ảnh một bác cựu chiến binh chăm chú đọc bản tin (bằng báo giấy) trước cửa một tòa soạn…
Đọc báo đứng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tất cả lại gieo vào lòng mình một niềm hoài niệm, xen lẫn tự hào về chặng đường gian khó hồi đầu lập nghiệp. Để kể cả nhiều năm sau này, khi chính thức quay lại làm anh phóng viên theo nghiệp đẽo chữ, tôi vẫn thấy tự hào về quãng thời gian trải nghiệm đã qua.
Mỗi ngày đến cơ quan, cầm trên tay tờ báo giấy có tác phẩm của mình trong đó, ngày hàng ngày, gặp những đồng nghiệp ở bộ phận phát hành, vẫn miệt mài như mình dạo trước, mang từng tờ báo giấy đến với độc giả, lòng lại thấy vui vui lạ.
Mỗi tờ báo đến tay độc giả, mang theo niềm vui của cả người viết và người làm công tác phát hành. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tháng 6 về, người làm báo có ngày 21 để kỷ niệm, để tôn vinh nhau, nhưng hình như, với sự cống hiến miệt mài của mình, những người như Tuấn, bác Thái, anh Linh bạn tôi ngày xưa, và cả tôi nữa chứ, thậm chí cả với những đồng nghiệp làm công việc phát hành bây giờ, họ vẫn bị lãng quên.
Đâu đó thôi, thảng có lúc thôi, mới có người nhớ đến họ.
Chợt nhớ đến câu nói của Tuấn: “Nghề này ít khi được ốm…”.
Cũng chẳng biết chúc các anh điều gì nhiều hơn, ngoài hai chữ “sức khỏe”. Và hy vọng mỗi độc giả, khi cầm trên tay tờ báo giấy, sẽ trân quý hơn với công sức của những người đưa tin thầm lặng này.
Và nếu được, khi gặp gỡ họ, hãy hào phóng cho đi một nụ cười.
Anh em làm nghề phát hành đáng được nhận điều đó.