Hòa Phát tìm lời giải cho bài toán khép kín chuỗi sản xuất container

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Hoà Phát đang xây dựng nhà máy sản xuất container tại Vũng Tàu với công suất 500.000 TEU/năm nhằm đáp ứng nhu cầu container của thế giới cũng như của Việt Nam.
Hòa Phát tìm lời giải cho bài toán khép kín chuỗi sản xuất container

Hoà Phát đang rốt ráo xây dựng nhà máy và làm việc với các đơn vị cung cấp nguyên liệu sản xuất container, dự kiến đi vào sản xuất nửa cuối năm 2022.

Nguyên liệu để làm container gồm có: thép HRC cường lực, tấm lót sàn container, sơn, phụ kiện thép. Được biết, thép HRC, sơn, phụ kiện thép đều đã nằm trong tầm tay của Hoà Phát chỉ còn tấm lót sàn container là còn phải chuẩn bị kỹ càng;

Tấm lót container có kích thước 28 ×1m22× 2m44, được làm bằng gỗ cứng hoặc bằng tre ép có tính năng chịu lực nén, chịu được nước và không bị giãn nở nhiều khi gặp nước, nhiệt độ cao; Keo là loại chịu nước thông thường( phenol, melamine) hoặc keo đặc chủng tùy theo yêu cầu chất lượng của người đặt hàng.

Công suất của nhà máy container Hoà Phát là 500.000 TEU tương đương 500.000 container loại 20 feet. Kích thước chiều dài và rộng của container 20 feet là 6.058 × 2.428.

Như vậy, mỗi năm Hoà Phát cần số lượng ván lót cho container là 28 × 6.058 × 2.428 × 500.000 =205.900 m3 gỗ ván lót. Để cấp đủ số ván lót này, nhà cung cấp mỗi ngày cần phải sản xuất bình quân cho 340 ngày là: 205.900m3 : 340 ngày = 600 m3/ngày.

Nguyên liệu để làm tấm lót hiện nay có 3 cách làm

Cách làm thứ nhất: Gỗ dầu được lạng mỏng làm nguyên liệu cho ván ép đã sấy khô được bôi kéo chịu nước (phenol hoặc melamine) nhiều lớp rồi ép nhiệt trên máy thủy lực. Đặc tính của gỗ dầu là cứng, do có dầu nên chịu được nước.

Ưu điểm cách làm này là sản phẩm nhìn đẹp, bắt mắt, đáp ứng được các yêu cầu về độ chịu nén, không cong vênh, mối mọt. Tuy nhiên, nhược điểm là nguồn cung cấp gỗ dầu không phải dễ vì loại gỗ này sau nhiều năm khai thác hiện đang cạn kiệt nên sẽ không đảm bảo cho việc cung cấp nguyên liệu.

Cách làm thứ hai: Cốt làm bằng gỗ dán gỗ tạp sau đó phủ lên một lớp trên mặt bằng ván lạng gỗ dầu, sau đó dùng máy ép lực nén trên 500 tấn để cho kết cấu gỗ nén lại tăng sức chịu nén của gỗ.

Với cách làm này, tấm lót chịu được lực nén. Ưu điểm cách làm này là nguyên liệu sẵn có nhiều và rẻ, nhưng nhược điểm là độ bền không lâu dài và sau một thời gian hay mối mọt.

Cách thứ ba: Nguyên liệu ván lót làm bằng tre luồng có tuổi từ 3 năm trở lên, được bào 2 mặt cho sạch, sấy khô, ngâm keo chịu nước, sau đó được ép lại trên máy ép thủy lực.

Ưu điểm cách làm này là nguồn nguyên liệu dồi dào đủ đáp ứng được nhu cầu. Tre có độ bền cao, chịu lực nén cao, không cong vênh, mối mọt, giãn nở thấp, lại thân thiện với môi trường (do luồng hàng năm đều sinh trưởng thêm nhiều cây luồng khác và sau 3 năm đã cho khai thác không như các loại cây gỗ phải trồng nhiều năm, thường 7 năm trở lên và khi khai thác là chặt hạ trắng). Nhược điểm là giá thành cao hơn so với 2 cách trên.

Vậy với 3 cách trên thì Hoà Phát sẽ chọn loại nào? Với 3 cách làm trên thì cách thứ 3 là khả thi nhất vì hiện nay các hãng sản xuất container của Trung Quốc, các hãng sản xuất ô tô tải trên thế giới đã chọn tấm lót thùng xe tải bằng tre ép. Nước sản xuất tre ép lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc.

Hơn nữa, việc sản xuất tre ép tại Việt Nam có tính cạnh tranh so với Trung Quốc bởi các yếu tố: độ bền và cứng của luồng Việt Nam hơn gấp 3 lần so với luồng Trung Quốc, giá luồng Việt Nam thấp hơn Trung Quốc.

Hoà Phát là doanh nghiệp có tinh thần tự cường dân tộc cao nên khả năng cao sẽ chọn mua ván lót làm bằng tre ép được sản xuất trong nước thay cho việc đi nhập khẩu ván lót tre ép của Trung Quốc để làm ván lót container của mình. Vậy doanh nghiệp nào có khả năng đáp ứng được 200.000 m3 tre ép cho Hoà Phát? Do nguồn nguyên liệu luồng chủ yếu nằm ở phía bắc nên các doanh nghiệp phía bắc sẽ là lựa chọn đầu tiên của Hoà Phát.

Hiện nay, ở phía Bắc có 3 doanh nghiệp có khả năng cung cấp ván lót tre ép.

Thứ nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (mã cổ phiếu SJF - sàn HOSE).

Công ty có nhà máy sản xuất tre ép và tre ép khối với công nghệ keo độc quyền chất lượng cao mà không một cơ sở nào tại phía Bắc cùng ngành có được.

Hiện tại, nhà máy sản xuất tre ép của SJF được đặt tại Mai Châu Hoà Bình, nơi gần nguồn nguyên liệu tre và bương lớn nhất Việt Nam. Liền kề Mai Châu là Thanh Hoá. Thanh Hoá là vựa luồng lớn nhất Việt Nam với diện tích luồng khoảng 78.000 ha được trồng tập trung tại các huyện: Quan Hoá, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc...;

Tỉnh Hoà Bình có diện tích trồng luồng, bương khoảng hơn 20.000 ha. Xa hơn có thêm nguồn tre luồng tại Sơn La hoặc bên kia biên giới nước Lào qua cửa khẩu Sốp Khộp có rừng tre dài vài chục km của Lào hầu như chưa từng khai thác. Như vậy, vị trí đặt nhà máy tại Mai Châu Hoà Bình chính là ngã 3 nơi nguồn tre luồng có thể đổ về.

Với diện tích luồng, bương như trên đủ để cung cấp cho SJF sản xuất 200.000 m2 tre ép mỗi năm. Hiện nhà máy chỉ có thiết kế công suất là 100.000 m2/năm nên nếu được cung cấp ván lót container cho Hoà Phát thì SJF sẽ phải xây thêm nhà máy.

Sản phẩm của SJF hiện nay gồm: tre ép khối, tấm lót trải đường, tre ép để làm sàn xe tải cho các hãng xe nước ngoài. Những sản phẩm này đã được một số nước bắc Mỹ và bắc Á chấp thuận chất lượng .

Thứ hai là Nhà máy tre ép tại Lào Cai: Công ty cổ phần MDF Bảo Yên.

Nhà máy của công ty tại Huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai. Nhà máy có công suất thiết kế 30.000 m3/năm và hiện đang làm với công suất khoảng 200 - 300 m3/tháng. Diện tích trồng luồng của Lào Cai mới triển khai những năm gần đây nên chưa nhiều. Như vậy, nếu Hoà Phát chọn Công ty này sẽ không khả thi vì các yếu tố: nguồn nguyên liệu ít, lại xa.

Thứ ba là Công ty TNHH Tiến Động, nhà máy sản xuất tre ép tại Biên Giang Hà Đông Hà Nội.

Công ty chủ yếu sản xuất cốp pha tre có công suất khoảng 300 m3/tháng. Công ty không nằm ở vùng nguyên liệu mà mua lại những hộ cá nhân sơ chế tre rồi về làm các công đoạn khác nhau. Tài chính của Công ty không tốt nên khó gia tăng được công suất lớn.

Hoà Phát có tiềm lực tài chính mạnh, hiện nay đang có hơn 40.000 tỷ đồng tiền mặt, cách làm của Hoà Phát táo bạo, chặt chẽ, cẩn thận nên để đảm bảo cho việc cung cấp hàng được thông suốt không bị đứt gãy, Hoà Phát có 2 khả năng là Tự mở nhà máy để sản xuất tấm lót hoặc Hợp tác hoặc mua lại một nhà máy đã có kinh nghiệm.

Nếu tự mở nhà máy, Hoà Phát sẽ mất nhiều thời gian và kinh nghiệm để làm, dễ phải cạnh tranh để thu mua nguyên liệu, dẫn tới giá nguyên liệu tăng lên.

Với cách làm hợp tác cùng quản trị hoặc Hoà Phát mua luôn doanh nghiệp đang sản xuất mặt hàng tấm lót container vừa tận dụng được kinh nghiệm, công nghệ của người đi trước vừa không phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu.

Gần đây, cổ phiếu là SJF của Sao Thái Dương luôn được giao dịch với khối lượng lớn và giá liên tục tăng. Nếu đúng như Hoà Phát tham gia vào quản trị công ty này thì việc làm này là "lợi mình, lợi người", vừa làm cho mình chủ động được nguyên liệu, vừa giúp đối tác nâng năng lực sản xuất cũng như tăng lợi nhuận.

Tin bài liên quan