Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài. Ảnh: Đức Thanh

Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài. Ảnh: Đức Thanh

Hóa giải thách thức cho nền kinh tế

Diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh do virus Corora đến kinh tế - xã hội được cho là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Điều này khiến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 rất khó khăn.

Hai kịch bản tăng trưởng đều dưới 6,8%

Cho rằng diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh do virus Corona đến kinh tế - xã hội là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Cụ thể, ở kịch bản 1, nếu dịch bệnh được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với kịch bản đã được xây dựng, ban hành kèm theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ). Trong đó, quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

Ở kịch bản 2, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 chỉ tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với kịch bản ở Nghị quyết 01). Trong đó, quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Như vậy, so với kịch bản tăng trưởng gốc, với tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, trong đó quý I tăng 6,52%; quý II tăng 6,65%; quý III tăng 7,11%; quý IV tăng 6,81%, thì có thể thấy, ở cả hai kịch bản kinh tế vừa được cập nhật, tăng trưởng GDP thấp hơn đáng kể.

Theo tính toán được đưa ra trước đó của các chuyên gia Chang Shu, Jamie Rush và Tom Orlik đến từ Bloomberg, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị giảm 0,4 điểm phần trăm trong quý I năm nay. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có lẽ, tác động của dịch bệnh do virus Corona tới kinh tế Việt Nam còn lớn hơn nữa. Đặc biệt, trong quý I, tăng trưởng GDP thấp hơn tới 2,72 điểm phần trăm so với kịch bản dự kiến.

“Tùy khả năng khống chế, dịch bệnh có thể kéo dài đến hết quý I, thậm chí sang quý II/2020. Điều này khiến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội giao là rất khó khăn, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu các quý và cả năm 2020”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trước đó, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh từng nhấn mạnh, năm 2020, ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,8% còn khó đạt được, chứ chưa nói tới con số 7% mà Chính phủ xem là mục tiêu phấn đấu.

“Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thừa nhận như vậy và bước đầu định lượng các tác động này.

Chẳng hạn, với sản xuất công nghiệp, ở kịch bản 1, dự kiến giá trị gia tăng của ngành trong quý I chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9% và 10,45% của quý I năm 2019 và 2018. Ở kịch bản 2, dự kiến giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp quý II tăng 6,99% so với cùng kỳ năm trước.

Không những vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dịch bệnh do virus Corona cũng sẽ ảnh hưởng khá lớn tới mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay. Theo tính toán, nếu dịch bệnh kéo dài sang quý II, lại thêm tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu, ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết bất lợi, giá thịt lợn, CPI bình quân năm 2020 có thể tăng tới 4,86% so với năm ngoái.

Hóa giải khó khăn, thách thức

Các kịch bản được đưa ra cho thấy, kinh tế 2020 của Việt Nam sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ, thì đây chỉ là con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, dự báo.

“Thực tế thế nào còn tùy thuộc vào việc dịch được kiểm soát ở thời điểm nào, cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Mặc dù vậy, đây cũng là phương án để theo dõi. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải đánh giá dựa trên 4 yếu tố: dịch bệnh do virus Corona, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các quy định mới liên quan đến hạn chế rượu bia khi tham gia giao thông và cả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong 4 yếu tố này, ngoại trừ EVFTA có thể có những tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, thì với 3 yếu tố còn lại, tác động là khôn lường. “Kinh tế 2020 sẽ rất khó khăn”, ông Võ Trí Thành nhận định.

Tình hình khó khăn, song tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất quán quan điểm rằng, sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, không được bàn lùi, phải làm sao để “chuyển bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước. Điều này đang đặt ra trách nhiệm nặng nề cho các bộ, ngành, địa phương trong việc nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi đã đề xuất lên Chính phủ 2 gói giải pháp, trước hết là các giải pháp trong phòng, chống, kiểm soát dịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cần tập trung thực hiện nhóm giải pháp để hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giáp pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Một giải pháp quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020, đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. “Cần giải quyết ngay các thủ tục hành chính, các vướng mắc khác có liên quan để có thể khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, lĩnh vực”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tin bài liên quan