Hòa Bình (HBC) vượt qua bão giá

Hòa Bình (HBC) vượt qua bão giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bằng các giải pháp về quản trị và uy tín, mối quan hệ gắn bó có trước có sau với chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã vượt qua cơn bão giá nguyên vật liệu, tiếp tục ký nhiều hợp đồng nhận thầu lớn.

Vượt qua bão giá

Việc tăng giá nguyên vật liệu xây dựng, nhất là thép xây dựng đã ảnh hưởng đến các nhà thầu. Hòa Bình với kinh nghiệm quản trị đã nhanh chóng thực hiện một số giải pháp hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bão giá tới hoạt động kinh doanh.

Đối với hợp đồng đã ký và đang triển khai thi công, Công ty thương lượng các nhà cung cấp để điều chỉnh giá mua tích trữ phục vụ cho công tác thi công, đồng thời đàm phán với chủ đầu tư xem xét bù trượt giá do biến động giá nguyên liệu tăng.

Đối với các dự án tham gia đấu thầu, Công ty đánh giá và phân tích xu hướng biến động giá, đưa thêm các dự phòng rủi ro cho các vật tư tăng giá biến động lớn trong giá dự thầu. Đàm phán với các nhà cung cấp vật tư có biến động lớn về giá các chiến lược giữ giá trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng nhằm ổn định giá trong thời gian tương ứng.

Hòa Bình cũng đưa vào các điều khoản hợp đồng cho phép điều chỉnh giá các vật tư chính khi giá biến động trong khoảng trên dưới 5% nhằm giảm thiểu một phần các rủi ro xảy ra. Với mối quan hệ lâu năm HBC đã nhận được sự hỗ trợ chia sẻ của một số khách hàng khi trượt giá do nguyên vật liệu tăng.

Nhìn chung các nguyên vật liệu tăng giá gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, nhưng chỉ tác động một phần đến khối lượng thi công chứ không phải toàn bộ dự án. Trong ngành xây dựng, tỉ trọng giá thép chiếm khoảng 4 - 5% tổng giá thành và đây là vật liệu xây dựng có mức tăng giá lớn nhất trong một năm qua. Nhưng một công trình quy mô lớn thường thi công từ hơn 1 - 2 năm nên giá thép tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng dự án với một tỷ trọng thấp hơn nhiều.

Với các dự án vừa trúng thầu thì Hòa Bình đã thương thảo các biện pháp để hạn chế rủi ro thấp nhất. Mặt khác, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành cần kiểm soát giá nguyên vật liệu tăng và trên thị trường quốc tế giá nguyên liệu thép giảm nhiệt nên giá thép kỳ vọng sẽ ổn định hơn, giảm bớt nguy cơ trượt giá cho lĩnh vực xây dựng và đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho các dự án theo tiến độ.

Tiếp tục trúng thầu nhiều dự án lớn

Với các giải pháp quản trị rủi ro tăng giá đầu vào đồng bộ, Hòa Bình tự tin nhận thầu nhiều dự án mới.

Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Bình liên tiếp được các chủ đầu tư tín nhiệm giao thầu. Đặc biệt, riêng trong tháng 4 và tháng 5, Tập đoàn đã trúng thầu hợp đồng tổng giá trị lần lượt 2.258 tỷ đồng và 3.924 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị trúng thầu lên đến 6.182 tỷ đồng, chiếm 63% giá trị trúng thầu 9.811 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Đây là một trong những minh chứng sống động cho uy tín thương hiệu cũng như năng lực của Hòa Bình đã được khẳng định trước các khách hàng và chủ đầu tư qua các dự án mà Hòa Bình đã, đang thi công xây dựng.

Một số dự án quy mô lớn, giá trị trúng thầu cao như: Tổng thầu dự án Khu phức hợp Sóng Việt – The Opera Residence có tổng giá trị hơn 2.670 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, quy mô 3 tầng hầm, 5 tầng khối đế và 2 tòa tháp cao 20 tầng.

Tại Hưng Yên, Hòa Bình được giao tổng thầu thầu Thiết kế và Thi công (Design & Build) dự án Khu Căn hộ công viên vịnh đảo Haven Park xây dựng hầm, khối đế và 2 tháp cao 41 tầng với tổng giá trị gói thầu trị giá hơn 1.860 tỷ đồng. Đây cũng là gói thầu thứ 3 mà Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark tin tưởng giao cho Hòa Bình, trước đó là gói thầu thi công Khu Biệt thự đảo 2 và 3 và dự án Khu căn hộ vịnh đảo Sky Oasis Residences.

Tại Bình Dương, chủ đầu tư Becamex Tokyu tín nhiệm giao thầu Hòa Bình làm tổng thầu dự án Chung cư Midori Park the Glory, giá trị hợp đồng hơn 1.372 tỷ đồng và dự án thứ 4 của họ giao nhà thầu Hòa Bình, tất cả dự án đều ở Bình Dương.

Còn ở Đồng Nai, chủ đầu tư NovaLand vừa giao 2 gói thầu tại dự án Aqua Riverside City ở Biên Hòa, Đồng Nai, tổng cộng 421 căn bao gồm biệt thự, nhà phố liền kề, shophouse tổng giá trị hơn 552 tỷ đồng.

Trong 10 ngày đầu tháng 6 này, Tập đoàn nhận được 3 dự án mới tại Hà Nội, Lào Cai và Đà Nẵng.

Cụ thể, gói thầu kết cấu phần ngầm dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Vihacomplex tại Hà Nội, qui mô gồm 3 tầng hầm và 33 tầng cao. Đây là lần hợp tác đầu tiên giữa Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ và Hòa Bình.

Còn tại Lào Cai và Đà Nẵng, Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH (thuộc TNG Holdings) giao cho Hòa Bình thầu chính thi công dự án khách sạn Sojo tại Lào Cai và Đà Nẵng.

Điểm sáng nổi bật của Hòa Bình là trong lĩnh vực hạ tầng, Công ty 479 Hòa Bình có mức tăng trưởng nhanh, dự kiến doanh thu năm nay tăng gấp 3 lần năm ngoái. So với tốc độ tăng trưởng của Công ty mẹ, Hòa Bình mỗi 5 năm tăng 5 lần doanh thu trong 6 thập kỷ qua thì hiện nay Công ty 479 đang có sự tăng trưởng cao hơn công ty mẹ, một phần cũng nhờ vào chính sách đầu tư công của nhà nước để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, Công ty 479 đã trúng thầu tổng giá trị gần 400 tỷ đồng, một số dự án như: cầu Đài Xuyên 2, cầu Vân Tiên thuộc dự án đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên (Quảng Ninh); gói thầu thi công hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bảo Ninh 1 ở Đồng Hới (Quảng Bình), gói thầu nâng cấp mở rộng cầu Vĩ Dạ ở Thừa Thiên Huế.

Với nhiều giải pháp tích và quản trị chiều sâu, Hòa Bình vẫn tiếp tục phát triển, đảm bảo việc làm cho đội ngũ lao động và hiệu quả cho cổ đông.

Tin bài liên quan