Cà phê Việt cần tăng cường chất lượng để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng EU. Ảnh: L.S

Cà phê Việt cần tăng cường chất lượng để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng EU. Ảnh: L.S

Hỗ trợ nông sản Việt Nam trước 'ngưỡng cửa' EU

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu vào sân chơi lớn Liên minh châu Âu (EU), nhất là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Sự phối hợp của các Bộ, ngành thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu nhóm hàng này, thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tổ chức lại khâu sản xuất

 Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, để đón đầu, các doanh nghiệp nông sản Việt không còn ở thế tiềm năng, thế mạnh nữa, mà đòi hỏi những quyết sách thay đổi nhanh chóng để tận dụng mọi cơ hội. Đây là hiệp định có mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết, với hơn 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong lộ trình từ 7 - 10 năm; trong đó, nhiều mặt hàng nông sản nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, ca cao… được cắt giảm ngay hoặc trong lộ trình ngắn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe để bước vào thị trường lớn. EU vẫn là thị trường có yêu cầu hàng rào kỹ thuật cao về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp; tiêu chuẩn bền vững về môi trường…

Hiện tại, các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ… sẽ có cơ hội lớn tăng thị phần tại thị trường khó tính này. Tuy nhiên, với xuất khẩu gạo, thách thức lớn nhất là chất lượng sản phẩm, uy tín doanh nghiệp, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phần lớn hạn ngạch dành cho các chủng loại gạo đặc sản. Với hải sản, “khắc phục thẻ vàng” và đối diện các đối thủ cạnh tranh “nặng ký” Thái Lan, Ấn Độ là thách thức lớn nhất. Còn cà phê thì chất lượng chưa cao, trong khi đây lại là điều kiện người tiêu dùng EU chú trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vấn đề đàm phán về kiểm dịch động, thực vật hiện vẫn đang là bài toán cho các nước khi mở cửa thị trường hàng hóa nông, thủy sản. Ngành Nông nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mở “cánh cửa" EU

Kinh nghiệm của Việt Nam trong khi tham gia nhiều FTA cho thấy, thị trường hàng hóa nông, lâm, thủy sản được mở rộng. TP Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu sang EU cao. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, xuất khẩu sang thị trường EU chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, thành phố đang tập trung xây dựng đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu; cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng làm hàng tinh chế, có hàm lượng khoa học, có giá trị gia tăng cao như: Phần mềm, sản phẩm số, nông sản công nghệ cao; đồng thời, phát triển logistics để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Về tổ chức sản xuất, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy việc xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Ngành Nông nghiệp cũng sẽ xây dựng hai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU và thu hút đầu tư FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam, để gắn nông nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, tận dụng tốt nhất lợi thế của hai bên trong quan hệ thương mại và đầu tư.

Việc thực thi Hiệp định EVFTA không giúp giảm bớt các tiêu chuẩn định sẵn, thậm chí còn có phần kiểm soát chặt chẽ hơn và chế tài xử lý vi phạm cũng nặng hơn. Do đó, từ phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết tập trung phổ biến các quy định kỹ thuật, rào cản trong thương mại nông lâm thủy sản của thị trường EU đến người dân, doanh nghiệp.

Chỉ còn 1 tháng nữa là cánh cửa EVFTA sẽ mở rộng. Ngay lúc này, các doanh nghiệp từ sản xuất cho tới xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đều đã có thể sẵn sàng cho một thị trường rộng lớn phía sau cánh cửa ấy với sự hỗ trợ tối đa của chính quyền địa phương, các bộ, ngành.

Box: Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo điều kiện giúp nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường tiềm năng, với dân số trên 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD. Trong ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích từ EVFTA so với các Hiệp định thương mại khác đã tham gia. Hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này hiện mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng nhập khẩu của EU.

Tin bài liên quan