6 tháng đầu năm 2021, phần lớn ngân hàng đạt trên 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

6 tháng đầu năm 2021, phần lớn ngân hàng đạt trên 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Hỗ trợ lãi suất, lợi nhuận ngân hàng sẽ vẫn khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng biên lãi ròng (NIM) trong hoạt động cho vay dự kiến vẫn đạt mức cao trong những tháng cuối năm.

6 tháng đầu năm 2021: NIM tăng

Hiện có 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, mức giảm phổ biến từ 0,5 - 2%/năm. Trong đó, BIDV, Vietcombank, VietinBank, ACB, HDBank cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ giảm lãi suất cho vay trên dưới 2 điểm phần trăm/năm nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Theo một số ước tính, nếu giảm lãi suất 1%/năm trên tổng dư nợ hiện hữu khoảng 9,6 triệu tỷ đồng thì con số lợi nhuận ngành ngân hàng bị ảnh hưởng là 96.000 tỷ đồng/năm, tương đương với 1/2 lợi nhuận toàn ngành năm 2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, nhiều ngân hàng lãi cao trong 6 tháng đầu năm 2021 và lợi nhuận sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong nửa cuối năm nhờ NIM có dư địa tiếp tục tăng.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí giá vốn thấp nếu chính sách tiền tệ nới lỏng duy trì trong nửa cuối năm 2021.

Trước đó, NIM của các ngân hàng có sự cải thiện đáng kể từ quý III/2020 do nguồn thanh khoản dồi dào nên lãi suất huy động duy trì ở mức thấp (giảm khoảng 2 điểm phần trăm/năm). Đồng thời, tình trạng giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng thanh toán online khiến tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) gia tăng, giúp chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh. Trong khi đó, lãi suất cho vay nhìn chung giảm ít hơn lãi suất huy động cũng như lãi suất phát hành trái phiếu.

ACBS nhận định, NIM của nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa cải thiện nhờ CASA có khả năng tiếp tục tăng trong bối cảnh số hóa được đẩy mạnh và các chiến dịch khuyến mại thúc đẩy giao dịch trực tuyến. Đặc biệt là việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ có lãi suất tốt hơn cho vay doanh nghiệp lớn (bán buôn).

Bên cạnh đó, áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế từ phía Ngân hàng Nhà nước chỉ tác động lớn tới các ngân hàng do Nhà nước sở hữu chi phối gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Một phần vì lãi suất cho vay tuân theo quy luật thị trường, mặt khác lãi suất cần phải ở mức đảm bảo nguồn thu cho các ngân hàng duy trì hoạt động.

Ngoài ra, các ngân hàng đang có sự phân bổ tài sản hiệu quả hơn, giảm tỷ trọng nắm giữ các tài sản có lãi suất thấp như trái phiếu chính phủ để tăng tỷ trọng tài sản có lãi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp. Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy, hơn 70% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp là do các ngân hàng nắm giữ. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành đạt 11 - 13%/năm.

Thực tế, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 đều tăng trưởng khả quan, trên dưới 20%, có những nhà băng tăng 30 - 40% so với cùng kỳ. Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, phần lớn nhà băng đều thực hiện trên 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Chẳng hạn, kết thúc tháng 6/2021, Techcombank lãi trước thuế 11.500 tỷ đồng, bằng 58,1% kế hoạch năm (19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020); NIM tính cho 12 tháng gần nhất (quý III/2020 - quý II/2021) đạt 5,6%, trong khi 12 tháng liền trước ở mức 4,5%.

Tương tự, 6 tháng đầu năm 2021, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 6.352 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 60% kế hoạch năm (10.602 tỷ đồng); NIM đạt 4%, tăng 0,5% so với năm 2020. Tính đến 30/6/2021, tín dụng tại ACB tăng 9,7% và ngân hàng này vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 9,5% lên 13,5%.

Tại MB, lãi trước thuế hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 là gần 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ và hoàn thành hơn 60% mục tiêu cả năm (13.200 tỷ đồng).

Lợi nhuận cải thiện nhờ CASA

Techcombank đang giảm lãi suất cho vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với khách hàng cũ, Ngân hàng có thể giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm, còn với khách hàng mới giảm tối đa 1%/năm.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2021, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank chia sẻ, việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tới phần thu nhập lãi của Ngân hàng. Tuy nhiên, trong chiến lược của Techcombank có những điểm có thể giảm thiểu ảnh hưởng này. Cụ thể, Ngân hàng không tập trung vào tăng lãi suất cho vay, mà chú trọng giảm lãi suất huy động bằng cách tăng tỷ lệ CASA (cuối quý II/2021 là 42,7%). Bên cạnh đó, Ngân hàng tối ưu hóa các nguồn tiền huy động khác nhau, ngoài huy động của khách hàng còn có thể vay của nước ngoài nhằm giảm chi phí huy động. Chiến lược này giúp Ngân hàng có dư địa để giảm lãi suất cho khách hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới NIM.

Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, tăng trưởng thu nhập lãi thuần năm 2021 của Techcombank có thể đạt 29,6%; NIM tăng từ 5,27% lên 5,45% do chi phí vốn cải thiện và giảm đáng kể trong nửa đầu năm nhờ lãi suất huy động trung bình giảm, tỷ lệ CASA tăng, huy động được nguồn vốn lãi suất thấp từ các tổ chức tài chính, phần lớn ở nước ngoài; lợi nhuận có khả năng đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 40,8% so với năm 2020.

Trong báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay có thể đạt 13% và GDP tăng 6,5%. Trong đó, tăng trưởng dự nợ cho vay của Vietcombank đạt 14%, MB đạt 17%, VIB đạt 26%, Techcombank đạt 14%...

VNDIRECT cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí giá vốn thấp, do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ duy trì trong nửa cuối năm 2021 để hỗ trợ nền kinh tế cũng như giúp các ngân hàng duy trì thanh khoản ổn định. Một số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao và còn dư địa mở rộng đối với mảng ngân hàng bán lẻ như Vietcombank, MB, Techcombank, VietinBank sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM và lợi nhuận.

Theo lãnh đạo ACB, trong 6 tháng cuối năm 2021, NIM có khả năng giảm khoảng 0,5% do Ngân hàng sẽ cắt giảm đồng loạt lãi suất cho vay để hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như thu hút thêm khách hàng mới. Nhưng riêng về lĩnh vực dịch vụ, ACB vẫn lạc quan, đặc biệt là thu nhập từ phí. Ngân hàng đặt mục tiêu ghi nhận thêm 1.300 tỷ đồng doanh thu phí trong nửa cuối năm 2021.

Với HDBank, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, NIM quý II/2021 tăng so với quý I. Thu nhập dịch vụ tăng mạnh với đóng góp tích cực từ mảng bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), cho thấy sự đón nhận của khách hàng cũng như dư địa phát triển còn nhiều. Nhờ đó, thu nhập năm 2021 của HDBank được dự báo tăng 35 - 38% so với năm 2020, cao hơn kế hoạch đề ra.

Tin bài liên quan