Giải pháp hỗ trợ tốt nhất trong thời điểm hiện nay mà doanh nghiệp cần là tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn, để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong lựa chọn và thực hiện các quyết định kinh doanh mới.

Giải pháp hỗ trợ tốt nhất trong thời điểm hiện nay mà doanh nghiệp cần là tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn, để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong lựa chọn và thực hiện các quyết định kinh doanh mới.

Hỗ trợ hay kích thích sự năng động của doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
Cho tới thời điểm này, doanh nghiệp không còn nói nhiều về giải pháp cứu trợ để tồn tại do tác động bất thường từ Covid-19.

Thay vào đó, các kế hoạch tìm kiếm cơ hội mới, liên kết làm ăn, kể cả chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, thậm chí cả quyết định dừng lại để bước sang lĩnh vực mới… được đề cập nhiều hơn.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cảm thấy vui mừng khi nhìn vào động thái này. Lý do là sự năng động của doanh nghiệp, người dân đang làm nên sự năng động của nền kinh tế và động lực tăng trưởng mới của kinh tế năm 2021 cùng những năm tiếp theo đang được vun đắp.

Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa, tư duy hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ sẽ phải thay đổi cả mục tiêu, cách thức thực hiện.

Năm 2020, do gặp khó cả cung và cầu, nên nhiều doanh nghiệp rơi vào thế mất cân đối thu - chi.

Lúc này, các gói hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế, giảm phí… của Chính phủ đã giúp nhiều doanh nghiệp gỡ khó về thanh khoản, duy trì hoạt động và giữ chân lao động. Nhưng hiện tại, khi doanh nghiệp chọn tái cơ cấu, chuyển đổi số hay mở rộng hoạt động…, thì nhu cầu đầu tư thiết bị, con người, công nghệ sẽ rất lớn, vì vậy cần không gian chính sách thuận lợi để đi nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Có thể, đó là ngành dược đang được hưởng lợi, nhưng nếu có hỗ trợ phù hợp về tín dụng, chính sách thuế, thì doanh nghiệp sẽ tiếp tiếp tục đầu tư, khai thác dư địa mới. Một năng lực sản xuất mới của các doanh nghiệp trong ngành này đang có cơ hội thiết lập.

Có thể, đó là các quyết định chuyển dịch vào thương mại điện tử, hình thức kinh doanh mới, cách thức làm việc mới… của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành kinh doanh truyền thống, hết dư địa phát triển. Nếu có chính sách khuyến khích đầu tư kịp thời, thì việc chuyển dịch sẽ bắt kịp xu hướng của thế giới.

Ngay với những ngành đang gặp khó như du lịch, khách sạn, các kế hoạch nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển sang thu hút dòng khách tạo doanh thu lớn thay vì số lượng… cũng đang đòi hỏi khoản đầu tư không hề nhỏ để tạo nên năng suất mới cho ngành công nghiệp không khói.

Tất nhiên, cho dù thế nào, doanh nghiệp cũng sẽ chuyển dịch, bởi đó là cách để tồn tại, phát triển, để lớn lên trong bối cảnh mới. Song nếu được hỗ trợ, thúc đẩy, thì động lực nội sinh trong từng khu vực kinh doanh mới sẽ được tạo ra, từ đó huy động thêm nguồn lực, kích thích sự phục hồi nhanh với tốc độ và quy mô lớn hơn của nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu còn cho rằng, các ngành nghề, xu hướng của 4.0, của giai đoạn bình thường mới sẽ là kênh dẫn dắt quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu giai đoạn tới.

Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do mà ông Cung cũng như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, giải pháp hỗ trợ tốt nhất trong thời điểm hiện nay mà doanh nghiệp cần là tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn, để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong lựa chọn và thực hiện các quyết định kinh doanh mới.

Nhìn lại việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi tác động của Covid-19, có thể thấy, các điều kiện tiếp cận, thủ tục hành chính là rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp khó tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, tư duy truyền thống, hành chính hóa của nhiều công chức hoạch định chính sách đã khiến độ doãng giữa chính sách và cuộc sống ngày càng lớn, làm giảm niềm tin về những nỗ lực, quyết tâm và chính sách kịp thời của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét kịp thời các giải pháp kích thích kinh tế tổng thể. Đó là tập trung đầu tư công sao cho hợp lý, hiệu quả, từ đó thúc đẩy đầu tư tư nhân và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước, chuyển dịch nguồn lực lớn của khu vực này vào sản xuất…

Sự năng động của các khu vực doanh nghiệp, đương nhiên sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu và nền kinh tế có thêm những điểm tăng trưởng GDP thực chất. Lúc đó, cả bài toán ngắn hạn (hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sự hồi phục nhanh và bền vững của nền kinh tế) và dài hạn (tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng) sẽ cùng được giải.

Tin bài liên quan