Hỗ trợ giảm nghèo bền vững và nền kinh tế “xanh”

Hỗ trợ giảm nghèo bền vững và nền kinh tế “xanh”

(ĐTCK) Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định môi trường sống của con người. Vì vậy, tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. 

Trong những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành một trong những chủ trương được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đặt ra những yêu cầu trong việc kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa hóa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường nhằm góp phần thiết lập những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật các kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là hệ thống tài chính ngân hàng.

Theo đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư, tín dụng xanh, hỗ trợ các khu vực kinh tế thực hiện các dự án tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tín dụng xanh giúp “xanh hóa” nền kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được Chính phủ thành lập vào năm 2002 nhằm thực hiện tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà vì mục tiêu giảm nghèo bền vững và góp phần an sinh xã hội.

Tính đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018.

Trong đó, nguồn vốn điều lệ đạt 17.288 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 14.618 tỷ đồng, tăng 2.809 tỷ đồng so với năm 2018; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 2.144 tỷ đồng.

Tổng dư nợ đến 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, tăng 10.166 tỷ đồng (6,2%) so với cuối năm 2018, hoàn thành 76,9% kế hoạch. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ.

Doanh số cho vay trong 9 tháng đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1,620 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 162.000 lao động, trong đó hơn 4.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Ðặc biệt, xây dựng hơn 1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng trên 12.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 3.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NÐ-CP...

NHCSXH xác định mục tiêu tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng phát triển hoạt động của NHCSXH.

Tăng trưởng xanh giúp cho NHCSXH thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tín dụng chính sách, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư, cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nền kinh tế “xanh”, góp phần bảo tồn thiên nhiên, môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Với 20 năm gắn bó, chủ lực trong hoạt động tín dụng chính sách, nhận thức sâu sắc, chỉ có phát triển bền vững mới đem lại thu nhập ổn định cho người dân sản xuất kinh doanh và giúp cho NHCSXH giảm thiểu rủi ro hoạt động.

Trong thời gian qua, NHCSXH luôn chú trọng cho vay các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường. Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của NHCSXH luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường.

Các chương trình, dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiên quyết loại trừ cho vay đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội.

Hiện nay, NHCSXH đang thực hiện cho vay với hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 70% trong tổng dư nợ tín dụng của NHCSXH.

Ðặc biệt, NHCSXH đã tham gia thực hiện nhiều chương trình, dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế tài trợ như: Chương trình Phát triển ngành lâm nghiệp; dự án Khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (KfW6); dự án cho vay Rừng ngập mặn miền Nam Việt Nam.

Ngoài ra, NHCSXH hiện đang thực hiện cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình cho vay đầu tư trồng rừng sản xuất, chăn nuôi tại Nghị định 75/2015/NÐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.

Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững

Năm 2005, diện tích rừng Việt Nam đã giảm từ 14,3 triệu ha năm 1943 xuống 10,7 triệu ha. Sau hàng thập kỷ rừng bị tàn phá, cả nước có 7-8 triệu héc-ta đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc.

Khoảng 25 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Ðể giải quyết những thách thức đó, trong khuôn khổ dự án Phát triển ngành lâm nghiệp giữa Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, NHCSXH tham gia thực hiện hợp phần trồng rừng sản xuất với mục tiêu trồng 56.000 ha rừng sản xuất tại 4 tỉnh miền Trung: Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế.

Năm 2005, NHCSXH đã ký Hiệp định vay phụ với Bộ Tài chính tương đương 27,2 triệu USD để cho vay trồng rừng thương mại (trồng rừng sản xuất) với lãi suất 0,75%/năm. Tính đến hết năm 2018, dự án Phát triển ngành lâm nghiệp đã được triển khai tại 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh với tổng dư nợ dự án đạt 411 tỷ đồng, với gần 11.000 khách hàng đang vay. Ðến hết tháng 9/2019 dư nợ đạt 365,074 tỷ đồng với 9.149 khách hàng còn dư nợ.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã nhận được một phần của khoản viện trợ DANIDA trị giá tương đương 650.000 USD từ cấu phần Quỹ Hỗ trợ xã hội (SSF) để thực hiện dự án Cho vay ngập nước ven biển miền Nam Việt Nam (CWPD).

Mục tiêu của dự án CWPD là cung cấp cho hộ nghèo ở vùng dự án khoản tín dụng nhằm trợ giúp các hoạt động tạo thu nhập cho người vay như trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ..., với điều kiện các hoạt động này phải phù hợp với mục tiêu chung của dự án là bảo vệ rừng ngập mặn tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Ðến hết năm 2018, tổng dư nợ dự án đạt 378 triệu đồng với 98 khách hàng đang vay. Tính đến hết tháng 9/2019, dư nợ đạt 327 triệu đồng với 82 khách hàng còn dư nợ.

Không thể không nhắc tới Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH bởi đây là một trong những kênh tín dụng xanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chương trình không nhằm mục tiêu kinh doanh mà giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Sau 13 năm thực hiện cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tính đến hết tháng 9 dư nợ của Ngân hàng là 34.329,397 tỷ đồng với 2.763.893 khách hàng còn dư nợ.

Ðịnh hướng phát triển tín dụng xanh

Với mục tiêu xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh trong tái cơ cấu nền kinh tế và quá trình phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu chiến lược để thúc đẩy một nền kinh tế xanh và bền vững hơn, trong đó nổi bật nhất là Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020.

Tín dụng xanh đã và đang chứng minh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu. Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với hiệu quả và ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực, dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Thực hiện nhiệm vụ số 37 tại Quyết định số 403/QÐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và ban hành một số văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh, cụ thể:

Ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng .

Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 tại Quyết định Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015.

Lồng ghép nội dung về định hướng phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh vào nội dung của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với Quyết định số 986/QÐ-TTg ngày 8/8/2018.

Ban hành Ðề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam tại Quyết định số 1604/QÐ-NHNN ngày 7/8/2018 với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Khoản 1, Ðiều 4 - Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, theo đó, quy định về nguyên tắc cho vay hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo đó, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh công tác rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.

Ðồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội như nghiên cứu và phát triển sản phẩm tín dụng xanh, triển khai chương trình tín dụng có chính sách khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh.

Cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh, quan tâm tài trợ các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thực hiện tăng trưởng xanh.

Ðể góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, NHCSXH tiếp tục triển khai có hiệu các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo…; thúc đẩy đầu tư tăng trưởng tín dụng xanh, nông nghiệp sạch, khuyến khích các mô hình vay vốn sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng.

Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm, huy động nguồn vốn tài trợ nước ngoài thực hiện các dự án tín dụng xanh, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì mục tiêu an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Tin bài liên quan