Hỗ trợ doanh nghiệp: Cần tập trung vào những đối tượng nào?

0:00 / 0:00
0:00
Những khó khăn của doanh nghiệp, người dân đòi hỏi Chính phủ phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Song, các chuyên gia lưu ý về đối tượng cần tập trung hỗ trợ để tạo sự lan tỏa.
Hỗ trợ doanh nghiệp: Cần tập trung vào những đối tượng nào?

Cần giải pháp, chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn

Theo đánh giá mới đây của Tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong đại dịch Covid-19. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% năm 2020.

Thông tin trên dường như chưa khiến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tại phiên họp cuối tuần qua cảm thấy yên tâm. Ghi nhận những chuyến biến tích cực và sự ổn định của kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng năm 2020, song Thủ tướng Chính phủ nhận định, sản xuất - kinh doanh còn gặp khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là tại đô thị.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng chỉ tăng 2,2%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm do Covid-19 quay trở lại. “Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Nhấn mạnh vào 2 chủ thể là đơn vị sản xuất, kinh doanh và người lao động, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực, cả về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tín dụng ngân hàng…, chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập.

“Đây là việc xã hội rất mong. Cần giải pháp, chính sách đủ mạnh, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tạo động lực phát triển”, Thủ tướng nói.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng trên thực tế do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt; điều kiện, thủ tục khá phức tạp.

Cân nhắc đối tượng để tập trung hỗ trợ

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc duy trì, phấn đấu tăng trưởng dương năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Dự thảo Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ khắc phục các khó khăn, duy trì sản xuất - kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 2 cuộc họp để bàn các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội.

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong giai đoạn 2021-2025, 2 năm đầu sẽ dành cho việc phục hồi nền kinh tế, do đó việc “thiết kế” các chính sách, giải pháp hỗ trợ lần thứ hai cần mang tính “dài hơi” hơn, nhưng cần chia thành các giai đoạn.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nên xây “gói” tổng thể để trình Quốc hội quyết định vào tháng 10 tới, sau đó triển khai đồng bộ. Các giải pháp có thể gom thành từng nhóm như hỗ trợ vốn, an sinh xã hội gắn với kích cầu, ưu đãi thuế thúc đẩy sản xuất.

Ông Nguyễn Bá Ân, Thành viên Tổ tư vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguồn lực phải trong chính sách tài khóa chứ không thể “mang tiền ra cho vay”. Việc tăng bội chi là bắt buộc và đây mới là nguồn lực quan trọng. Có thể xem xét tăng bội chi ngân sách lên 5% trong năm nay. “Phải từ đó lấy nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy bội chi cao, nhưng lại tạo ra tăng trưởng, từ đó thu được ngân sách. Phải có tư tưởng đột phá, phải cho bội chi ngân sách trong thời điểm đặc biệt này”, ông Ân nói.

Bên cạnh đó, theo ông Cao Viết Sinh, cần ưu tiên khu vực doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp phục hồi và tạo việc làm. Trong đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, các chính sách hỗ trợ tập trung chủ yếu vào an sinh xã hội có thể xem là phù hợp. Đối với đợt bùng phát dịch lần thứ hai này, việc giãn cách xã hội thực hiện trong trạng thái bình thường mới, nên cách chính sách cần hướng đến khu vực doanh nghiệp.

Đây cũng là quan điểm của người đứng đầu Chính phủ. Tại phiên họp Chính phủ cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Do đó, không chỉ chú ý đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn, có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

Tin bài liên quan