Một số đại biểu đề xuất, cần có các gói kích cầu nền kinh tế, quan điểm của ông như thế nào?
Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi Chính phủ phải có gói kích cầu này, kích cầu kia là rất khó, bởi nguồn lực có hạn. DN không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi ngay cả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà xã hội và giúp giải quyết tồn kho bất động sản cũng chỉ có ý nghĩa nhất định, vì quy mô gói tín dụng không lớn. Nhưng gói tín dụng đó có ý nghĩa ở chỗ, đó là thông điệp về sự đồng hành, sát cánh, chia sẻ và hỗ trợ mang tính chất động viên của Chính phủ với DN.
Điều quan trọng nhất DN cần là một thông điệp rõ ràng về lộ trình cải cách, sự kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, xây dựng thể chế, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế. Thông điệp phải rõ ràng, thực thi phải kiên quyết để DN biết là Chính phủ sẽ làm gì. Về cơ bản, đã có chương trình tổng thể tái cấu trúc, có các giải pháp hỗ trợ DN thì phải kiên định mục tiêu chính sách để DN có thể yên tâm và cơ cấu lại DN.
Theo ông, những giải pháp hỗ trợ DN hiện đã đủ liều lượng?
Các giải pháp nói chung cần sự đột phá, vì tình hình khó khăn hiện nay phải có sự đột phá thì mới mang lại tác động tích cực. Như giải pháp giảm thuế, tôi thấy giảm thuế suất từ 25% xuống còn 22%, nâng trần chi phí quảng cáo, tiếp thị lên 15% vẫn là bước đi ngập ngừng, chưa có tính đột phá.
Cũng có ý kiến cho là thuế suất của chúng ta ở mức trung bình trong khu vực nên không cần giảm sâu. Nhưng thực tế, một số yếu tố khác của môi trường kinh doanh Việt Nam làm cho chi phí của DN tăng cao như cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, minh bạch trong chính sách còn hạn chế, năng suất lao động còn thấp, số lượng lao động có tay nghề chưa nhiều. Do đó, nếu muốn duy trì năng lực cạnh tranh thì các giải pháp nào làm được ngay nên ưu tiên triển khai trước. Ví dụ, giải pháp tài chính thường phát huy tác dụng ngay, hay như việc nới room cho nhà đầu tư ngoại, phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết.
Trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, giải pháp quan trọng là phải tăng cường đầu tư trong dân và nước ngoài để tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế duy trì tăng trưởng và phát triển.
Như ông nói, trong môi trường đầu tư Việt Nam có nhiều chi phí phát sinh cho DN, vậy Chính phủ có thể làm gì để giảm bớt những chi phí này?
Chúng tôi nhận thấy dư địa để nâng cao năng lực cạnh tranh và điều hành ở cấp địa phương còn nhiều. Khi VCCI đi nghiên cứu ở Ninh Thuận thì thấy tỉnh này có bước chuyển mạnh mẽ từ Top 20 tỉnh xếp cuối bảng vươn lên Top 20 tỉnh đầu bảng nhờ vào việc xây dựng quy hoạch phát triển bài bản, có tư vấn của chuyên gia nước ngoài và sự đồng hành với nhà đầu tư thông qua một cơ quan chuyên trách. Nhưng khi xem lại môi trường đầu tư kinh doanh thì hơn một nửa tỉnh, thành phố trong cả nước có hệ thống giấy phép, các quy định tham gia thị thường được đánh giá tốt hơn Ninh Thuận. Như vậy, ngay cả những tỉnh đang làm tốt vẫn còn phải học hỏi, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, giúp DN giảm bớt chi phí không phát sinh từ sản xuất - kinh doanh.
Quan trọng nhất với DN vẫn là sự kiên định chính sách: kiểm soát lạm phát, cải cách theo hướng thị trường, duy trì lạm phát thấp để tạo lòng tin giúp DN tự vươn lên, tự tái cấu trúc. Thực tế, có nhiều DN đang hoạt động rất tốt, vì trong giai đoạn 2007– 2008, khi Việt Nam lần đầu tiên chịu tác động của khủng hoảng, họ đã cơ cấu lại, chuyển đổi cho phù hợp và không bị cuốn vào làn sóng đầu cơ, đầu tư dàn trải.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2013, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất các chính sách hỗ trợ DN: “Chúng tôi kiến nghị đưa thuế thu nhập về mức thống nhất 20%, bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN hoặc tối thiểu cần nâng mức trần lên 15 - 20% của doanh thu, chứ không phải của chi phí. Đồng thời, có các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích thị trường; tiếp tục miễn thị thực đối với các thị trường du lịch trọng điểm để duy trì mức độ tăng trưởng của du lịch. Các nước xung quanh đang đạt tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch cao hơn Việt Nam, do chính sách của họ cởi mở hơn”.
|