Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài khiến cho nguồn nước sinh hoạt của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt (ảnh: Lê Toàn)
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về việc hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong năm nay xảy ra trên diện rộng, trải dài từ Bắc Bộ, Miền trung, Tây nguyên mà đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, trong thời gian tới hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường.
Về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là gia tăng khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn của Bộ để chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất.
Các tỉnh cần nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các tài liệu, kết quả của chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao cho các địa phương để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đặc biệt là đảm vảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang xỷ ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Ngoài ra, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ thành lập Tổ công tác hỗ trợ các địa phương trong việc điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt. Bộ này cũng yêu cầu UBND các tỉnh, Thành phố cần rà soát, đánh giá, đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách để Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các điểm cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ kịp thời cho nhân dân trong giai đoạn khẩn cấp hiện nay.
Đồng thời, cử đơn vị đầu mối tiếp nhận các giếng khoan khai thác để đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung.