Hàng loạt ngân hàng đang tiến hành giảm lãi suất cho vay.
Yêu cầu giảm lãi suất mà Thủ tướng Chính phủ “đặt hàng” ngành ngân hàng được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới cắt giảm lãi suất, dư địa giảm lãi suất trong nước cũng rất lớn. Có nhiều lý do để khẳng định rằng, dư địa giảm lãi suất trong nước hiện rất lớn:
Thứ nhất, thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất dồi dào, lợi nhuận ngân hàng 9 tháng tăng mạnh.
Thứ hai, các nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, thu nhập của người dân tăng, khiến luồng tiền đổ vào ngân hàng tiếp tục khả quan.
Thứ ba, hàng loạt ngân hàng thương mại, sau một thời gian dài gấp rút tăng huy động vốn để đáp ứng các chuẩn mới về quản trị của NHNN, cũng không còn khát vốn như trước.
Công bằng mà nói, quyết định giảm lãi suất huy động và cho vay lần này là nỗ lực lớn của NHNN và các ngân hàng thương mại. Lý do là hiện nay, lãi cận biên (NIM) bình quân của hệ thống ngân hàng khá thấp (dưới 3% - là mức tối thiểu để đảm bảo cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả), chi phí lãi suất huy động chưa giảm.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2020, NHNN chính thức “siết” vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi cũng bị khống chế ở mức 85%, các ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II phải gấp rút có lộ trình để đảm bảo đạt tiêu chuẩn này. Bên cạnh đó, nguồn tiền gửi vào ngân hàng hiện bị cạnh tranh bởi nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác như vàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu…
Trước mắt, tác động của đợt giảm lãi suất này với nền kinh tế trong năm 2019 là chưa nhiều và còn có độ trễ, bởi việc giảm lãi suất chỉ áp dụng với các hợp đồng tín dụng mới, lĩnh vực được giảm lãi suất là lĩnh vực ưu tiên, khách hàng phải có tình hình tài chính lành mạnh…
Dù vậy, quyết định giảm lãi suất huy động và cho vay đang tạo tâm lý rất tốt cho thị trường, góp phần kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, kinh doanh. Quyết định hạ trần lãi suất của NHNN cũng phát đi chỉ báo định hướng, khiến những ngân hàng nhỏ - dù chưa hết căng thẳng vốn - không thể tùy tiện đua lãi suất huy động như trước.
Trong bối cảnh lãi suất trên thị trường thế giới giảm khá sâu thời gian qua, lạm phát và tỷ giá trong nước liên tục ổn định, giới doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay năm 2020 có thể giảm sâu hơn nữa. Tuy vậy, với hệ thống ngân hàng, việc tăng hay giảm lãi suất luôn là bài toán nhạy cảm nhất. Đó không chỉ chuyện khát vốn trung, dài hạn của bản thân các ngân hàng, mà khi điều hành lãi suất, NHNN phải cân bằng lợi ích giữa ba bên (người vay, người gửi tiền và ngân hàng).
Với người gửi tiền, lãi suất giảm sâu có thể khiến họ phải cân nhắc việc có nên tiếp tục gửi tiết kiệm hay đầu tư sang kênh khác. Để giữ chân người gửi, ngân hàng buộc phải duy trì lãi suất huy động ở mức phù hợp. Việc giữ lãi suất huy động chênh lệch hợp lý so với ngoại tệ còn là một trong những giải pháp để người dân giảm đầu cơ ngoại tệ. Trong thế khó nêu trên, lãi suất sẽ chưa thể giảm sâu.
Mặc dù vậy, với tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt như hiện nay, cộng với sự thuận lợi của tỷ giá, lạm phát, không loại trừ lãi suất cho vay có thể giảm thêm 0,5-1% trong năm 2020. Đương nhiên, lãi suất vẫn chỉ giảm với những kỳ hạn ngắn và áp dụng với những lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất khó có thể giảm trên diện rộng, nhưng với khoảng 8 triệu tỷ đồng tín dụng, việc giảm thêm 0,5% lãi suất cũng rất ý nghĩa với các doanh nghiệp. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái… thì việc ngân hàng giảm lãi suất là một trong những điểm sáng của kinh tế, giúp doanh nghiệp củng cố nội lực, chống đỡ tốt hơn các tác động từ bên ngoài.
Lãi suất đã rẻ hơn, vấn đề còn lại là làm sao để dòng vốn này được bơm vào nền kinh tế.