Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hiệu ứng lò xo, doanh nghiệp sẽ bật dậy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách từ 1/10/2021, nhiều doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại, kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh.

Ngành sản xuất dự kiến phục hồi nhanh nhất

Sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 9/7, suốt gần 3 tháng qua, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) tại TP.HCM mong từng ngày được hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Doanh nghiệp gần như kiệt sức vì áp lực chi phí tăng mà công suất giảm và nỗi lo đứt gãy đơn hàng do giãn cách.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, các công nhân đã tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 với tỷ lệ 96% và mũi 2 với tỷ lệ 80%, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí hoạt động trong trạng thái mới.

“Hiện nay, đơn hàng của TCM đã được ký đến hết quý I/2022. Tính đến chiều 29/9, có 86,1% lao động của TCM có thể quay trở lại làm việc. Chúng tôi đang cố gắng đạt được 85 - 90% công suất so với trước kia. Được sản xuất trong trạng thái bình thường mới, dừng hoạt động 3 tại chỗ, sẽ giúp Công ty có động lực mạnh mẽ để tăng trưởng trở lại”, ông Tùng nói.

Theo lãnh đạo TCM, chậm tiến độ kéo dài sẽ dẫn đến mất khách hàng. Khách hàng không thể chờ mãi được, trong khi họ phải chuẩn bị đơn hàng cho năm mới, Noel, Tết. Đây là dịp bán hàng rất tốt ở các nước châu Âu, Mỹ.

Ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Long Việt tại Bình Dương cho hay, cuối năm là thời điểm các đơn hàng gỗ tăng mạnh, doanh nghiệp nóng lòng được làm việc trở lại sau giai đoạn giãn cách. Công ty đã lên kế hoạch hoạt động sau khi chính quyền địa phương cho phép.

Bộ Công thương dự báo, trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hoá và tín hiệu phục hồi của nhu cầu hàng hoá trên thị trường thế giới, đặc biệt với các ngành hàng dệt may, thuỷ sản, đồ gỗ, máy móc thiết bị…

Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đang dần được thực thi toàn diện, hiệu quả hơn, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital nhận định, ngành sản xuất và dịch vụ sẽ phục hồi nhanh. Riêng ngành sản xuất có thể đạt công suất 100% vào cuối quý I/2022 và đầu quý II/2022.

Cơ hội được đi lại tiếp sức cho doanh nghiệp

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC chia sẻ, giai đoạn tháng 5 - 7 năm ngoái, hoạt động kinh doanh của FLC khởi sắc hơn cả khi chưa có dịch, tất cả các phòng khách sạn gần như kín chỗ, hàng không phải tăng cường chuyến.

Kết quả này có được nhờ doanh nghiệp chuẩn bị trước các kịch bản ứng phó khi dịch được kiểm soát. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp phải tìm cách ứng biến và chuẩn bị các phương án, kế hoạch để tận dụng cơ hội ngay khi người dân được đi lại để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mở ra thêm một tuần, cả gia đình người lao động có thêm nguồn sống, doanh nghiệp đóng cửa đồng nghĩa người lao động không có thu nhập.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, sau dịch, du lịch phục hồi cùng với đô thị hóa sẽ là động lực cho thị trường bất động sản phát triển sau hai năm bị “nén” vì dịch bệnh.

Hiện tại, các chủ đầu tư bất động sản đang rục rịch mở bán dự án tại Nha Trang, Quảng Ninh, Vũng Tàu, TP.HCM…, hoạt động này dự kiến sẽ sôi động trong quý IV, bù lại hai quý “im ắng” trước đó và giúp doanh thu tăng mạnh.

Nỗi lo thiếu lao động

Ông Trần Như Tùng lo ngại, khi trở lại hoạt động ở trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Bởi lẽ, một lượng lớn lao động đã về quê, dự kiến qua Tết Nguyên đán mới quay trở lại thành phố làm việc.

Mặt khác, nhiều lao động chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin, không đủ điều kiện để đi làm trong trạng thái mới. Có đơn hàng mà thiếu nhân công sản xuất sẽ khiến doanh nghiệp gặp trở ngại trong kế hoạch tăng tốc.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, lượng vắc-xin tiêm cho người lao động trong nhóm ngành dệt may ở nhiều tỉnh, thành phố ở mức thấp, có địa phương đạt 80%, nhưng có địa phương mới ở mức 20 - 30%, tại TP.HCM đạt khoảng 40 - 50%. Trong khi đó, lực lượng lao động về quê chiếm tỷ lệ cao, 35 - 37% tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Cục Thống kê TP.HCM vừa tiến hành một cuộc khảo sát với 432 doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, có 90,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn trong quý III và tình trạng này có thể kéo dài sang quý IV/2021.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn vì nằm trong vùng phong tỏa, chi phí sản xuất tăng cao khi vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, trong khi thiếu nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất do chuỗi cung ứng bị đứt gãy…

Tin bài liên quan