Các thị trường áp dụng quy tắc khác nhau
Tại buổi tập huấn về xuất xứ hàng hóa do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, trong các FTA cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa đóng vai trò quan trọng, không chỉ đơn thuần là việc xác định quốc gia, nơi sản xuất hàng hóa, mà xuất xứ hàng hóa còn là điều kiện cần thiết để các mặt hàng có thể được hưởng ưu đãi thuế quan, qua đó gia tăng năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trường.
“Trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xuất xứ hàng hóa trở thành một công cụ, lá chắn mà các quốc gia sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp pháp”, ông Hải nói.
Do đó, hiểu rõ, nắm chắc về xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu tốt hơn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường FTA truyền thống tăng mạnh từ 72,26 tỷ USD, lên 117,86 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch cấp C/O ưu đãi là 26,45 tỷ USD năm 2016, đã tăng lên 43,12 tỷ USD vào năm 2018. Nhưng sang giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và kim ngạch cấp C/O sang các thị trường truyền thống có phần chững lại do các thị trường có FTA truyền thống đã đi vào ổn định, mức cắt giảm thuế quan ở các thị trường này gần như ở mức từ 0-5% cho hầu hết các mặt hàng.
Thông tin về vai trò của xuất xứ hàng hóa trong các cam kết hội nhập, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) cho biết, xuất xứ hàng hóa gắn liền quốc tịch để kiểm tra xem hàng hóa đến từ đâu và hàng hóa này sẽ được xác định theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ - nơi hàng hóa được sản xuất.
Cùng một mặt hàng do một nhà máy sản xuất, khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau.
Bà Hiền dẫn chứng, với hàng dệt may trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, khi xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần là vải. Nghĩa là vải được nhập khẩu từ các nước khác, ngoài khu vực ASEAN, sau đó công đoạn cắt may được thực hiện tại Việt Nam thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ từ Việt Nam và được ưu đãi thuế quan.
Nhưng, vẫn cùng lô hàng đó, nếu xuất khẩu đi EU thì chưa đáp ứng được xuất xứ, bởi quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA là từ vải trở đi. Có nghĩa là công đoạn dệt vải, cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên trong Hiệp định. Đây là quy tắc xuất xứ 2 công đoạn.
Cũng vẫn lô hàng trên, nếu xuất khẩu sang Canada theo Hiệp định CPTPP, thì quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn nhiều. Hàng hóa để được ưu đãi thuế quan phải đáp ứng quy tắc xuất xứ 3 công đoạn: công đoạn xe sợi, dệt vải và cắt may đều phải thực hiện tại Việt Nam, hoặc nguyên liệu nhập từ các nước thành viên CPTPP.
Do vậy, bà Hiền khuyến cáo, các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất phải tìm hiểu thật kỹ quy định xuất xứ hàng hóa của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết để có thể đáp ứng, tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó 14 FTA đã đi vào thực thi, 1 FTA đã ký kết và đang chờ phê chuẩn, 2 FTA đang đàm phán.
Việc ký kết FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đã tạo “bệ phóng” để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có được mức tăng trưởng ấn tượng tại nhiều thị trường chủ lực. Đồng thời, cam kết trong mỗi FTA về xuất xứ hàng hóa mang lại những ưu đãi thuế quan nhất định.
Kết quả của quá trình hội nhập, hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2020, xuất khẩu tăng trưởng 7% (282,6 tỷ USD) với 32 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. 8 tháng năm 2021, cả nước đã có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD), cơ cấu thị trường cũng trở nên đa dạng hơn, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu tăng lên nhiều so với giai đoạn trước.
Nhưng trên bình diện chung, vẫn còn không ít doanh nghiệp lúng túng với xuất xứ hàng hóa. “Trong quá trình thực thi các FTA, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa, đã có những hiểu lầm nhất định, nhiều khi doanh nghiệp không hiểu rõ quy tắc xuất xứ của từng FTA, thành thử việc tận dụng ưu đãi thuế quan hạn chế”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, chuyên viên Phòng Xuất xứ hàng hóa cho hay.
Trong một báo cáo hồi giữa năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã thực thi 14 FTA, nhưng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sử dụng C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu hiện tương đối thấp và có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018, xuống còn 33% năm 2020).
Nguyên nhân chủ yếu là những vấn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, hoặc có thắc mắc về cách thức đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, nhưng không tìm được đầu mối để có câu trả lời kịp thời, chính xác.
Việt Nam đã là thành viên của nhiều FTA, bà Trịnh Thị Thu Hiền lưu ý, doanh nghiệp có thể tùy chọn FTA nào có lợi nhất, mức thuế nào thấp hơn, quy tắc xuất xứ nào dễ đáp ứng để đạt mức độ thỏa mãn xuất xứ cao nhất, từ đó ưu đãi thuế sẽ tốt hơn.
“Quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa thuận lợi hóa thương mại và phòng tránh gian lận thương mại. Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được cấp C/O ưu đãi và đây mới là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu”, bà Hiền giải thích.