Luật sư Nguyễn Văn Thái

Luật sư Nguyễn Văn Thái

Hiểu đúng về hợp đồng vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng

(ĐTCK) Cùng với đà phát triển của nền kinh tế, các tranh chấp về hợp đồng kinh tế diễn ra ngày càng nhiều. Theo Luật sư Nguyễn Văn Thái, Công ty Luật Bross và Cộng sự, doanh nghiệp cần hiểu đúng về hợp đồng vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng cũng như những trách nhiệm và quyền lợi của các bên đương sự khi rơi vào tình huống trên. 

Điểm đặc trưng của hợp đồng dân sự vô hiệu là vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, đương sự có thể yêu cầu hủy hợp đồng nếu các bên vi phạm điều khoản hợp đồng. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, mấu chốt vẫn là chứng cứ. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này với các loại hợp đồng cụ thể như hợp đồng mua bán, vay nợ…?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 137, Bộ luật Dân sự 2005, “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.

Cũng từ quy định này, tòa án sẽ buộc các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và các bên phải chứng minh mình đã giao, đã nhận cái gì để được tòa án bảo toàn quyền lợi. Nếu không hoàn lại cho nhau những gì đã nhận thì cũng phải chứng minh giá trị tương ứng để đưa ra yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Ví dụ, đối với hợp đồng mua bán,  bên bán cần chứng minh hàng hóa mình đã giao theo hợp đồng là đầy đủ, đúng chủng loại, chất lượng. Phía bên mua cũng phải chứng minh giá trị mình đã thanh toán. Trường hợp, tài sản không thể hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu do đã có khấu hao qua quá trình sử dụng, thì đây là thiệt hại của bên bán và có thể yêu cầu phía bên kia phải bồi thường.

Với hợp đồng vay tài sản thì bên cho vay cần chứng minh đã giao đủ tài sản cho vay, bên vay cũng cần chứng minh rõ giá trị tiền đã trả (gồm cả gốc và lãi). Tuy nhiên, do hợp đồng vay tài sản vô hiệu, điều khoản quy định về lãi phát sinh cũng vô hiệu theo và bên vay không có nghĩa vụ trả tiền lãi phát sinh kể từ thời điểm ký kết. Nếu bên cho vay cho rằng mình bị thiệt hại khi phải trả lãi cho người khác đối với số tiền đã cho vay, cần có chứng cứ chứng minh và có yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, giá trị bồi thường còn phụ thuộc vào việc tòa án xác định tỷ lệ lỗi của mỗi bên khi tham gia giao kết giao dịch vô hiệu. 

Hợp đồng dân sự bị vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng dân sự đều dẫn đến kết quả chung là chấm dứt sự thỏa thuận của các bên. Ông đánh giá thế nào về hậu quả pháp lý của 2 sự kiện này?

Hợp đồng dân sự bị tuyên bố vô hiệu và hợp đồng dân sự bị chấm dứt hiệu lực là hai sự kiện pháp lý hoàn toàn khác sau. Hợp đồng dân sự bị tuyên bố vô hiệu thì không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm ký kết và không phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên. Còn hợp đồng bị chấm dứt hiệu lực do một sự kiện pháp lý nào đó thì hợp đồng đó vẫn phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm các bên ký kết đến thời điểm bị chấm dứt và quyền, nghĩa vụ của các bên vẫn phát sinh như đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Về hậu quả pháp lý, nếu hợp đồng vô hiệu, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên nào có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường và nếu cả hai bên cùng có lỗi, tòa án sẽ xác định tỷ lệ lỗi tương ứng với mỗi bên và giá trị bồi thường cũng sẽ được áp dụng theo tỷ lệ lỗi.

Đối với hợp đồng bị chấm dứt hiệu lực, các bên không phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, mà giữ nguyên trạng hiện tại tranh chấp và các bên có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường nếu cho rằng mình bị thiệt hại từ sự kiện chấm dứt hợp đồng. Nếu có đầy đủ chứng cứ chứng minh cho thiệt hại, bên gây thiệt hại có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ. 

Hợp đồng không đủ điều kiện có hiệu lực thì đương nhiên vô hiệu, nhưng bên hủy hợp đồng nếu không thông báo mà gây thiệt hại sẽ phải bồi thường. Phải chăng điều này nhằm đề cao sự tôn trọng thỏa thuận và nghĩa vụ của các bên?

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vô hiệu không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, vì vậy, các bên không có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch vô hiệu đó. Tuy nhiên, xuất phát từ giao dịch là sự thỏa thuận, hợp tác giữa các bên tham gia giao kết, vì vậy, pháp luật luôn khuyến khích các bên đàm phán, thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp pháp sinh trong quá trình hợp tác, bao gồm cả việc thỏa thuận, đàm phán phương án khắc phục giao dịch vô hiệu, giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu, trước khi đưa tới tòa án để giải quyết.

Việc thông báo, đàm phán khi phát hiện giao dịch đang được thực hiện bị vô hiệu là hành vi tôn trọng pháp luật, tôn trọng lẫn nhau hơn là tuân thủ một giao kết giữa các bên. 

Đối với chủ thể tham gia giao kết là pháp nhân thương mại, nếu thời điểm xảy ra tranh chấp, đại diện pháp nhân bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì hợp đồng thương mại ký kết trước đó có thể bị tuyên vô hiệu không?

Đối với giao dịch của pháp nhân thương mại đều được giao kết, thực hiện thông qua người đại diện. Trường hợp người đại diện của pháp nhân bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự và thời điểm được tòa án ghi nhận mất năng lực hành vi dân sự là trước hoặc ngay thời điểm tham gia giao kết giao dịch thì giao dịch đó vô hiệu theo quy định tại Điều 130, Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2005. Nếu thời điểm giao dịch được ký kết trước thời điểm người đó được xác định mất năng lực hành vi dân sự, giao dịch đó vẫn có hiệu lực và pháp nhân vẫn tiếp tục thực hiện với người đại diện mới.

Tin bài liên quan