Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có một câu chuyện riêng và hiệu ứng từ đầu tư công sẽ chưa thể tạo ngay ra hiệu quả cho doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Đầu tư công và kỳ vọng
Nền kinh tế chịu tác động khó lường của đại dịch Covid-19, khiến Chính phủ đã ra chỉ tiêu và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư công 2020.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ giải ngân đầu tư công mới chiếm một phần nhỏ trong dự toán, trong đó tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong nước thông qua Kho bạc Nhà nước mới đạt 28% kế hoạch.
Tiến độ này phải đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm để giải ngân được con số 700.000 tỷ đồng là tổng vốn đầu tư công phải thực hiện trong năm 2020.
Trên thị trường, một số dự án lớn, trọng điểm đã và đang hoàn thành thủ tục để đi đến giải ngân đầu tư như Sân bay quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ…
Diễn tiến này được kỳ vọng tạo bước đệm cho các ngành khác chuyển động, đặc biệt là nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng.
Theo kỳ vọng trên, nhóm cổ phiếu thuộc ngành vật liệu xây dựng đã có những chuyển biến nhanh nhạy trên sàn chứng khoán. Ngoài nhóm cổ phiếu ngành thép, một số cổ phiếu các ngành khác như xi măng, nhựa đường, khai thác đá… đang được dòng tiền tìm đến sau một thời gian khá yên lặng vừa qua.
CTCK Agribank (AGR) cho rằng, doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công là câu chuyện dài hạn. Trong ngắn hạn 3-6 tháng, phản ứng của nhà đầu tư, của giá cổ phiếu chỉ là theo những kỳ vọng.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong nước 6 tháng đầu năm mới đạt 28,2% so với kế hoạch, trong khi giải ngân vốn nước ngoài cũng chỉ đạt 13,1%. Điều này cho thấy, thông điệp đẩy mạnh đầu tư công đã rõ, nhưng việc tổ chức thực hiện lại không dễ đạt mục tiêu.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam cho rằng, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong 6 tháng đầu năm chưa có gì khởi sắc.
Có chăng, phải chờ ít nhất cuối năm nay hoặc nửa đầu năm sau, hiệu ứng từ đầu tư công mới phản ánh vào kết quả kinh doanh cụ thể tại các doanh nghiệp.
Nhà đầu tư cũng cần biết rằng, để được tham gia các dự án lớn, doanh nghiệp phải ở tầm năng lực lớn.
Theo đó, dòng chảy vốn đầu tư công nếu được thúc đẩy mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm thì cũng chỉ có một số doanh nghiệp có nền tảng sản xuất, kinh doanh vững vàng mới có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ gia tăng việc làm thời đại dịch.
Cẩn trọng với sóng cổ phiếu ngành nguyên vật liệu
Trên TTCK Việt Nam, kỳ vọng từ hiệu ứng chính sách đẩy mạnh đầu tư công đã đẩy giá nhiều cổ phiếu lên quá nhanh (xem bảng), trong khi các doanh nghiệp chưa có sự cải thiện về hiệu quả hoạt động theo cách mà dòng tiền phản ứng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có tài chính không lành mạnh, áp lực nợ vay cao, bị chiếm dụng vốn lớn…, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngành vật liệu.
Bên cạnh việc chảy theo cảm tính, dòng tiền đầu tư cũng dành sự quan tâm đến một số cổ phiếu của doanh nghiệp có thương hiệu như HPG, HSG, HT1, KSB...
Tuy nhiên, ngay tại HT1 (CTCP Vicem Hà Tiên 1), kế hoạch năm 2020 không có gì nổi bật, với việc đặt ra doanh thu thuần đạt 8.584 tỷ đồng, giảm 3% và lợi nhuận trước thuế là 830 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước.
Lợi thế của HT1 là chiếm hơn 30% thị phần xi măng khu vực phía Nam, có mặt trên 25 tỉnh, thành phố với 76 nhà phân phối, hơn 10.000 cửa hàng vật liệu xây dựng, xuất khẩu sản phẩm sang Campuchia và Australia.
Cổ đông lớn nhất tại Vicem Hà Tiên 1 là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, có tỷ lệ sở hữu hiện tại khoảng 80%.
Ông Đinh Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT HT1 cho biết, với chỉ đạo từ Chính phủ tập trung đẩy mạnh các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Sân bay quốc tế Long Thành..., nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự kiến tăng khoảng 3%, tương đương 71 triệu tấn.
Tuy nhiên, một số dự án vẫn đang ở giai đoạn ngưng trệ, khiến tình hình tiêu thụ xi măng 5 tháng đầu năm giảm mạnh.
Sang tháng 6/2020, tình hình có khả thi hơn, nhưng ông Dũng cho rằng, tình trạng dư cung là một thách thức lớn. Nguồn cung năm nay dự kiến khoảng 110 triệu tấn, tăng 6,3 triệu tấn so với năm trước.
Ngoại trừ HPG công bố quý II/2020 có thể đạt 2.700 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với con số hơn 3.800 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng khác đều chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2020.
Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này sẽ được rõ nét vào cuối tháng 7, giúp nhà đầu tư có căn cứ hơn trong việc ra các quyết định rót vốn.
Riêng với HPG, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 86.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 9.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 19% so với thực hiện năm trước.
Trong bối cảnh dịch bệnh, sản lượng bán hàng của HPG vẫn tiếp tục tăng trưởng và kỳ vọng tới đây vẫn còn những thông tin tích cực được công bố là những yếu tố tạo đà cho giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank, giá cổ phiếu HPG đã tăng gần gấp đôi trong 3 tháng qua và vượt qua thị giá thời điểm trước khi có đại dịch.
Vì vậy, ông Khoa cho rằng, chiến thuật đầu tư giai đoạn này là tiếp tục theo dõi thị trường và chỉ giải ngân khi giá giảm so với mức hiện tại tầm 10-15% để hạn chế rủi ro biến động giá ngắn hạn.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang bùng phát mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn, để hạn chế rủi ro trên TTCK, nhiều chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần hiểu doanh nghiệp, hiểu yếu tố nội tại trước khi quyết định “đua tiền”.
Với làn sóng đầu tư công, cũng cần hiểu rõ tính chất của dòng vốn và khả năng mang lại lợi ích cho từng doanh nghiệp.
Đơn cử, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có thể là chủ đầu tư, cũng như vận hành khai thác các dự án xây mới Sân bay Long Thành, mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài.
Tiềm năng của dự án là lớn, nhưng đó là câu chuyện dài hạn, nhiều năm, chứ không phải có ngay trong một vài tháng để hỗ trợ cho đà tăng của giá cổ phiếu.