Hiện thực khát vọng mang chứng khoán Việt ra nước ngoài

Hiện thực khát vọng mang chứng khoán Việt ra nước ngoài

(ĐTCK) Đưa chứng khoán Việt Nam ra niêm yết tại thị trường nước ngoài là câu chuyện thường được nhắc tới, nhưng việc thực hiện thành công còn hiếm hoi. Vì vậy, Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) về hành trình niêm yết chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 theo hình thức chứng chỉ lưu ký tại Thái Lan cuối năm qua. 

Thưa ông, mất bao nhiêu thời gian để VFM niêm yết thành công chứng chỉ quỹ tại Thái Lan theo hình thức chứng chỉ lưu ký?

Dự án niêm yết VFMVN30 ETF theo hình thức chứng chỉ lưu ký (Depositary Receipt - DR) tại Thái Lan được khởi đầu từ năm 2015 và mất 3 năm để VFM cùng đối tác Bualuang Securities (BLS) triển khai sản phẩm này.

DR là khái niệm không mới tại các thị trường đã phát triển, nhưng ở các thị trường mới nổi và cận biên, đây vẫn là một khái niệm khá lạ. Thái Lan chưa có sản phẩm DR, nên BLS và VFM là các đơn vị tiên phong, mở đầu cho làn sóng sản phẩm mới tại đây.

Do chưa từng được triển khai nên việc phối hợp với các cơ quan quản lý tại Thái Lan nhằm xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế quản lý DR là rào cản lớn nhất.

Bên cạnh đó, việc duy trì các kênh thông tin liên lạc giữa BLS, VFM và cơ quan quản lý Thái Lan cũng gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, phương tiện liên lạc…

Tuy nhiên, điều thuận lợi, cũng như động lực lớn cho chúng tôi là nhà đầu tư Thái Lan rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, khi buổi roadshow ra mắt DR thu hút đông đảo nhà đầu tư cá nhân tới tham dự.

VFM đã được đối tác Bualuang mời đến các buổi giới thiệu về chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 tại sàn chứng khoán Thái Lan và tại trụ sở Công ty với sự tham dự của hàng trăm nhà đầu tư cá nhân và nhân viên môi giới chứng khoán. Các nhà đầu tư đã chủ động hỏi VFM nhiều câu hỏi về kinh tế, thị trường Việt Nam, xin các tài liệu, email trực tiếp từ phía đại diện VFM.

Ðây là lần đầu tiên VFM tiếp xúc trực tiếp và nhận được sự quan tâm rất nhiệt tình từ nhà đầu tư tại thị trường nước ngoài, mặc dù trước đó đã tổ chức nhiều hoạt động tại các thị trường khác như Hàn Quốc, Ðài Loan, Trung Quốc…

Thị trường Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Thái Lan ở điểm nào, theo ông?

Nhà đầu tư đang nhìn nhận Việt Nam như Thái Lan của những năm 90 khi dòng vốn FDI từ Nhật Bản đổ vào nước này. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, mà minh chứng là nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã chi mạnh tay cho các thương vụ M&A tại Việt Nam.

Ðiều này tạo ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư cá nhân và tạo tiền để để họ nghiên cứu chuyên sâu hơn về thị trường vốn tại nước ta.

 ông Trần Thanh Tân.

Thêm vào đó, dù Thái Lan có nhiều quỹ mở đầu tư vào Việt Nam như CIMB, KrungThai, Asset Plus, nhưng các sản phẩm này có phí cao và thường sẽ có phí thưởng nếu quỹ mang lại lợi nhuận vượt mức nào đó. DR là sản phẩm có phí thấp và không có phí thưởng nên sẽ là sự lựa chọn hợp lý.

Sản phẩm VFMVN30 ETF DR được giao dịch trực tiếp trên sàn chứng khoán Thái Lan (SET) bằng đồng baht nên có thanh khoản hàng ngày, trong khi các quỹ mở không giao dịch nhiều như vậy. Có trường hợp nhà đầu tư chỉ được giao dịch với công ty quản lý quỹ hàng quý. Như vậy, VFMVN30 ETF DR thực sự tiện lợi cho nhà đầu tư Thái Lan muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Ông có thể chia sẻ tại thị trường Hàn Quốc, sau 3 năm niêm yết thì sự hưởng ứng của nhà đầu tư đã tăng lên như thế nào?

Kể từ khi niêm yết tại Hàn Quốc, vốn đầu tư từ quốc gia này vào VFMVN30 ETF đã tăng lên đáng kể. Trước đó, nếu nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đầu tư vào VFMVN30 ETF, họ phải có tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Ðể có tài khoản chứng khoán, phải đăng ký nhiều công đoạn và đặc biệt phải bay tới Việt Nam để thực hiện. Dù nhiều nhà đầu tư có nhu cầu nhưng bị những thủ tục này làm vướng.

Có thể nói, việc VFMVN30 ETF được niêm yết tại Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư bản địa mua ETF trên sàn chứng khoán sở tại như mua bất kì cổ phiếu nào. Chính sự thuận tiện này đã đem lại tăng trưởng mạnh cho VFMVN30 ETF. 

Thị trường nào sẽ là điểm đến tiếp theo của ETF VN30 thưa ông?

Hiện tại, chúng tôi đang thăm dò các thị trường ở cả châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, mỗi thị trường có hành lang pháp lý và nhu cầu đầu tư khác nhau nên để cho ra đời một sản phẩm mới là cả quá trình tìm hiểu, nghiên cứu rất nhọc công. VFM luôn muốn đẩy mạnh việc phát triển thị trường tại nhiều nước hơn nữa và hy vọng sẽ có thêm một sản phẩm VFMVN30 ETF tại thị trường mới trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi kỳ vọng trong 2 năm tới, sự quan tâm của nhà đầu tư đến sản phẩm ETF VN30 sẽ giúp thanh khoản của quỹ tiếp tục tăng cao như chúng ta đã chứng kiến trong 2 năm vừa qua.

Trong hành trình mang chứng khoán Việt xuất ngoại, ông nhận thấy hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi như thế nào?

Nhà đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa nắm bắt nhiều về thị trường Việt Nam, ngoại trừ một số quỹ đầu tư đã và đang nhắm Việt Nam là điểm đến.

Thực tế, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài vẫn nghĩ về Việt Nam như một đất nước còn xa lạ. Không ít nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc cảm thấy bất ngờ khi được giới thiệu về TP.HCM với những tòa nhà cao tầng hiện đại và nền kinh tế phát triển thần tốc. Ðiều đó cho thấy, chúng ta cần làm nhiều hơn để người dân nhiều nước trên thế giới biết về Việt Nam. 

Ðầu tư theo chỉ số là xu hướng lớn trên thế giới. Theo ông chúng ta cần làm gì để sản phẩm đầu tư này phát triển, thu hút nhà đầu tư nhiều hơn?

Các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã rất tích cực mở rộng phát triển thị trường từ cơ sở hạ tầng đến sản phẩm, hành lang pháp lý. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư, đặc biệt là sản phẩm quỹ ETF vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn, gây cản trở đến sự phát triển và huy động vốn cho thị trường.

Cụ thể, thứ nhất, vấn đề về nghiệp vụ tạo lập thị trường cho quỹ ETF còn nhiều vướng mắc do không thể tự bảo hiểm (hedging) chứng khoán cơ cấu, giao dịch hoán đổi và chuyển giao ETF cùng ngày. Vấn đề này không vướng ở quy định, mà nằm ở hệ thống Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đã tồn tại trong thời gian dài mà chưa được giải quyết. Kiến nghị VSD nghiên cứu cùng các thành viên thị trường để có giải pháp tháo gỡ bất cập này.

Thứ hai, cơ chế vay đối với quỹ ETF bị vướng quy định nên khi thực hiện việc tái cơ cấu danh mục không thể thực hiện hoàn chỉnh việc cơ cấu trong một ngày, mà kéo dài thời gian nhiều ngày, làm hiệu quả hoạt động giảm, rủi ro thị trường và chi phí tăng cao. Quỹ ETF cần được vay tiền để thực hiện việc tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Thứ ba, nghiệp vụ vay và cho vay chứng khoán hỗ trợ trong giao dịch hoán đổi cho thành viên lập quỹ còn vướng ở đối tác cho vay: Các quỹ đầu tư như quỹ mở, quỹ ETF “mắc” quy định cho vay, hệ thống vay và cho vay của VSD còn tồn tại bất cập về hồ sơ vay, quy trình vay/cho vay.

Thứ tư, việc sử dụng công cụ chứng khoán phái sinh của quỹ ETF còn chưa rõ ràng, khi quy định chỉ cho phép quỹ ETF và các quỹ đầu tư nói chung sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, chưa có quy định nghiệp vụ nào là phòng ngừa rủi ro đối với các quỹ và khó có thể quy định hết được vì tùy thuộc vào mục tiêu của từng quỹ. Do đó, việc hạn chế này gây ảnh hưởng đến quỹ khi phải giải trình từng giao dịch tới cơ quan quản lý. Kiến nghị cho phép quỹ ETF được đầu tư vào chứng khoán phái sinh nếu điều lệ quỹ cho phép.

Cuối cùng, còn phải kể đến việc công bố thông tin nặng về giấy tờ, thiếu nguồn lực để quảng bá thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ quan quản lý cần đầu tư và đi tiên phong trong công tác quảng bá thông tin thị trường trên cả hai kênh tiếng Việt và tiếng Anh như quốc tế hóa các văn bản phát luật, các quy định, quy chế và toàn bộ các thông tin được công bố trên thị trường.

Chỉ số VN30 ngày càng khẳng định thương hiệu đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Bà Nguyễn Việt Hà, Thành viên HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE)

Theo số liệu có được, chứng chỉ quỹ ETF KINDEX VietnamVN30 niêm yết và giao dịch chính thức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào ngày 1/7/2016 với giá trị tài sản ròng đạt khoảng 9 tỷ won (tương đương 8 triệu USD), đến cuối năm 2018 đã tăng lên khoảng 161 tỷ won (tương đương 144 triệu USD), tăng khoảng 18 lần.

Tại Thái Lan, VFMVN30 ETF được niêm yết theo hình thức chứng chỉ lưu ký (Depositary Receipt) chính thức vào ngày 18/12/2018 với số lượng niêm yết 200.000.000 DR, số lượng lưu hành 28.875.100 DR. Tổng giá trị vốn hóa lưu hành đạt khoảng 624 triệu baht (tương đương 19,5 triệu USD).

Tính đến ngày 10/1/2019, số lượng lưu hành là 29.965.100 DR, tăng 3,77%; tổng giá trị vốn hóa DR lưu hành đạt khoảng 590 triệu baht (tương đương 18,5 triệu USD), giảm 5,45%, khối lượng giao dịch bình quân gần 300.000 DR/ngày, tương ứng giá trị đạt 5,7 triệu baht (khoảng 178.000 USD).

Hiện tại, HOSE đã và đang phối hợp với một vài quỹ đầu tư trong nước để thành lập thêm quỹ ETF mô phỏng theo các chỉ số trong bộ chỉ số HOSE-Index. Dự kiến sẽ có từ 2 - 3 chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng theo HOSE-Index được niêm yết và giao dịch tại HOSE trong thời gian tới, các chỉ số tham chiếu tiềm năng dự kiến sẽ là VN100 và VNSI.

Chỉ số VN30 ngày càng khẳng định thương hiệu đối với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần quảng bá hiệu quả các doanh nghiệp trong chỉ số VN30 ra thị trường thế giới, từ đó nâng cao uy tín và hình ảnh của công ty niêm yết trong chỉ số, tạo động lực để phát triển doanh nghiệp trên mọi phương diện: Hiệu quả kinh doanh, quản trị công ty và minh bạch thông tin.

HOSE đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cũng như phối hợp với cơ quan quản lý cũng như các sở trên thế giới đề xuất giải pháp liên quan đến các vấn đề như: Gia tăng thanh khoản ETF trong nước, tăng cường quảng bá thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua việc quốc tế hóa các văn bản pháp luật và thông tin công bố trên thị trường, chỉnh sửa bổ sung khung pháp lý…, từ đó tạo điều kiện để có thêm những loại chứng khoán khác mô phỏng theo chỉ số VN30, HOSE Index được niêm yết và giao dịch trên thế giới, gián tiếp thu hút dòng vốn nước ngoài, góp phần gia tăng thanh khoản và phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.

HOSE luôn kỳ vọng và mong muốn các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục nỗ lực hơn nữa để doanh nghiệp không ngừng phát triển, hiệu quả trong quản trị công ty và thông tin ngày càng minh bạch, xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng đầu tư.

Tin bài liên quan