Xu thế hội nhập sâu rộng cùng các diễn biến trái chiều trên chính trường và kinh tế thế giới đang mở ra cơ hội và cả thách thức cho Việt Nam, trong đó có cơ hội đón lõng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển từ Trung Quốc sang để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Là một trong những địa phương đi đầu trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị những gì để đón đầu làn sóng FDI mới được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2019?
Năm 2019 đã được nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước dự báo sẽ có nhiều cơ hội lớn với Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc hay một số nước trong khu vực có xu hướng dịch chuyển, tìm đến những nơi có môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Cùng với các địa phương khác, Vĩnh Phúc đã có sự chuẩn bị rất kỹ thông qua việc xây dựng các khu quy hoạch, các khu công nghiệp đầy đủ cơ sở hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư này.
Điển hình là Khu công nghiệp Sumimoto Thăng Long đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang được triển khai giai đoạn 2, dự kiến khi hoàn thiện sẽ thu hút khoảng 80 dự án đầu tư từ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ.
Hay cách đây 1 tháng, chúng tôi đã tổ chức đấu giá Khu công nghiệp Bá Thiện với 243 ha đất sạch đã được hoàn thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, tỉnh đã và đang triển khai thêm các khu công nghiệp mới để đón dòng vốn đầu tư sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Trên thực tế, không phải chờ đến bây giờ, mà ngay từ giai đoạn 1997 - 1998, chúng tôi đã quy hoạch tổng thể một hệ thống mạng lưới các khu, cụm công nghiệp khá hoàn thiện. Cho đến nay, trong tổng số 19 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt quy hoạch, Vĩnh Phúc đã triển khai 11 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng quy hoạch hoàn thiện, đáp ứng cho hơn 280 dự án đầu tư nước ngoài và hơn 9.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động, chúng tôi khẳng định Vĩnh Phúc đã có một nền tảng cơ sở hạ tầng tốt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh việc hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng thì Vĩnh Phúc có những chính sách gì để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo sức hút hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Cùng với việc quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng thì Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài cũng như tập trung vào mục tiêu chính là sản xuất - kinh doanh.
Sau quá trình nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống, liên tục trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn nằm trong Top 10 địa phương có chỉ số môi trường kinh doanh tốt nhất cả nước.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, một điều kiện cần nữa là phải phát triển đồng bộ hệ thống công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng. Vĩnh Phúc đã giải quyết bài toán này như thế nào?
Kinh nghiệm 20 năm thu hút đầu tư FDI của Vĩnh Phúc cho thấy, sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa và tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ, hoàn thiện chuỗi cung ứng sẽ là yếu tố bền vững thu hút FDI cũng như giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài trong dài hạn.
Với quan điểm này, chúng tôi đã xây dựng một loạt chính sách hỗ trợ phát triển và thu hút các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào địa phương, trong đó đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp của Vĩnh Phúc; sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng, trở thành doanh nghiệp vệ tinh cho doanh nghiệp FDI, được hưởng các thành quả chung của sự phát triển của địa phương.
Thực tế cho thấy, tại Vĩnh Phúc, đã có những doanh nghiệp mới khởi nghiệp khoảng 5 - 7 năm nay, nhưng đã trở thành một trong những nhà cung cấp lớn cho Honda, Yamaha… Thậm chí, đã có nhà sản xuất máy bay cũng đã tìm đến họ.
Tính đến nay, Vĩnh Phúc đã có hơn 1.030 dự án đầu tư, trong đó có 320 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8,3 tỷ USD, đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo… và 711 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đầu tư đăng ký là 90.160 tỷ đồng.
Riêng về công nghiệp hỗ trợ, ước tính trên địa bàn tỉnh, hiện có 9.000 doanh nghiệp trong nước với hơn 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho các doanh nghiệp FDI như Honda, Piaggio...
Từ thực tế tại địa phương, theo ông, đâu là giải pháp thiết thực nhất để giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài?
Thực tế phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc cho thấy, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có đủ năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng và có thể làm tốt công nghiệp hỗ trợ, bởi họ có sẵn một lực lượng lao động bản địa dồi dào, có thể tiếp cận được với khoa học công nghệ tiên tiến nhất.
Hiện Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên chính sách này mới tập trung về ưu đãi thuế. Quan điểm và chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhà nước cần rõ ràng, có trọng tâm trọng điểm hơn, tập trung vào hỗ trợ để nâng cao năng lực, chứ không nên đơn thuần là ưu đãi về thuế.
Quan niệm về công nghiệp hỗ trợ cũng cần đầy đủ, rõ ràng thì chính sách hỗ trợ mới sát thực, giúp doanh nghiệp tiếp cận được. Từ chỗ xác định đúng mục tiêu, vấn đề quan trọng nhất là cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, trình độ công nghệ và đào tạo nhân lực để có thể kết nối với các doanh nghiệp FDI, tham gia và trụ vững trong chuỗi cung ứng dài hạn.
Ngoài ra, cần phải có chính sách về nội địa hóa, quy định rõ trong thời hạn bao nhiêu năm, đầu tư vào Việt Nam cần phải được chuyển giao hoặc áp dụng tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu, để Việt Nam thực sự có công nghiệp hỗ trợ, chứ không chỉ là nơi lắp ráp sản phẩm cho nước ngoài. Đồng thời, cần tạo dựng các trung tâm để kết nối giữa các doanh nghiệp “đầu tàu” FDI với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước một cách bền vững.
Trong định hướng đổi mới chiến lược thu hút FDI, Chính phủ đã nhấn mạnh quan điểm phải nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI, có trọng tâm, trọng điểm và không thu hút FDI bằng mọi giá. Vĩnh Phúc sẽ giải quyết vấn đề này ra sao để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu, thưa ông?
Gần đây, Vĩnh Phúc đã nói không với một dự án có tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD do nhà đầu tư không chứng minh được khả năng loại bỏ nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới môi trường, dù đã xem xét đánh giá tác động về môi trường. Đây chỉ là một trong số những dự án lớn có thể mang lại lợi ích phát triển lớn về kinh tế, nhưng tác động tiêu cực tới môi trường mà Vĩnh Phúc đã kiên quyết từ chối.
Điều này thể hiện quan điểm thu hút FDI của tỉnh là đảm bảo tuân thủ đúng chủ trương và mục tiêu của Chính phủ là thu hút có chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá. Quan điểm này được hiện thực hóa rõ ràng ngay trong nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ các giai đoạn, với 3 trụ cột mà địa phương luôn bám sát. Đó là phát triển kinh tế gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo đó, thu hút FDI của Vĩnh Phúc luôn hướng tới phát triển các khu, cụm công nghiệp xanh; thu hút các nhà đầu tư có công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Tuy nhiên, thực tế là để phát triển tổng thể, không thể từ chối tất cả các dự án, mà cần có phương án phù hợp để giải quyết. Hiện chúng tôi đang tính tới việc nhóm các dự án có nguy cơ ô nhiễm vào một khu vực và có phương án quy hoạch để có thể tiếp nhận một cách phù hợp, đảm bảo không ảnh hướng tới môi trường và xã hội.