Hiện hữu thời cơ xuất khẩu game tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
Ngành game Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành ngành công nghiệp nội dung số mới nổi bằng việc xuất khẩu game mang lại doanh thu tỷ USD.
Việt Nam có tiềm năng lớn và đã có nhiều đột phá trên thị trường game thế giới.

Việt Nam có tiềm năng lớn và đã có nhiều đột phá trên thị trường game thế giới.

Tăng trưởng mạnh trở lại

Những năm 2011 - 2012, các doanh nghiệp Việt như VNG, VTC Game, FPT… đã tiên phong xuất khẩu game sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, tạo ra những dấu ấn lịch sử. Tiếp đó, năm 2015, game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông “xuất khẩu tại chỗ” khiến thị trường nội dung số dậy sóng. Từ đó đến nay, vì nhiều nguyên nhân, giấc mơ xuất khẩu game mang về 1 tỷ USD vẫn còn dang dở.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành game đang đứng trước cơ hội lớn để hiện thực hóa giấc mơ này. Covid-19 khiến mọi người hạn chế ra đường đã thúc đẩy trò chơi trực tuyến phát triển; công nghệ đổi mới mạnh mẽ, liên tục; chính sách cho nội dung số cởi mở hơn… đang tạo điều kiện thuận lợi để ngành game bứt phá.

Báo cáo Thị trường game toàn cầu năm 2020 của NewZoo cho thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn và đã có nhiều đột phá trên thị trường game thế giới. Cụ thể, có 5 tên tuổi đến từ Việt Nam trong danh sách các công ty ngành game đứng đầu khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương về lượng tải game. Các công ty game Việt Nam đứng thứ 7 về lượt game được tải nhiều nhất trên thế giới. Cứ mỗi 25 game được tải về, có 1 game do các công ty Việt Nam sản xuất.

Còn theo Báo cáo Ứng dụng di động 2021 do Appota Group phát hành, trong năm 2020, các khách hàng đã giành tổng cộng 168 triệu USD cho việc trả phí mua các ứng dụng game di động tại Play Store và App Store trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. So với năm 2019, doanh thu qua “kho ứng dụng” của thị trường game đã chứng kiến mức tăng vượt bậc (40%) và dự báo đạt 205 triệu USD vào năm 2021.

Riêng tại Việt Nam, doanh thu của ngành game trong năm 2020 được ghi nhận khoảng 325 triệu USD (khoảng 7.500 tỷ đồng), theo số liệu tổng hợp từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Đáng chú ý là, nếu tính cả game lậu, game không được cấp phép, thì doanh số ngành game tại Việt Nam ước tính khoảng 12.000 tỷ đồng.

Ngành game được xếp vào danh sách những ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng trí tuệ cao, mang lại lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin... Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng không nhỏ tới toàn xã hội, nhưng game online là một trong số ít những ngành công nghiệp nội dung số giữ vững được doanh thu và thị trường nhân lực, thậm chí còn tăng nhẹ so với các năm trước.

“Ngành game Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành ngành kinh tế xuất khẩu mới, đạt giá trị cao”, báo cáo của Google nhận định.

Cơ hội mới

Bà Trâm Nguyễn, Giám đốc quốc gia Google châu Á - Thái Bình Dương (phụ trách Lào, Campuchia và Việt Nam) đánh giá, ngành game Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trên thị trường quốc tế, trở thành ngành kinh tế xuất khẩu giá trị cao, góp phần hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế đất nước trong và sau đại dịch. Tuy nhiên, điều mà ngành game Việt Nam đang thiếu là một hệ sinh thái vững chắc, tạo điều kiện cho ngành này phát triển hơn nữa.

Nhìn từ góc độ chính sách, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, dù là ngành kinh doanh giàu tiềm năng và thực tế đang là ngành duy nhất “xuất khẩu” được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới, nhưng “kinh doanh game” ở Việt Nam chưa nhận được cái nhìn tích cực và thiện cảm từ xã hội. “Giải tỏa những hiểu nhầm, phá đi những định kiến, gỡ bỏ những rào cản về pháp lý và có những chính sách mang tính khuyến khích sẽ là những cú hích mạnh mẽ thúc đẩy ngành game phát triển”, ông Đồng nhấn mạnh.

Từ thực tiễn hoạt động và kinh nghiệm của đơn vị phát triển, phát hành game lớn nhất Việt Nam và đang xuất khẩu game ra thị trường quốc tế, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG tin tưởng, ngành game Việt Nam có thể đạt được doanh số 1 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Minh cũng chia sẻ, các công ty chuyên sản xuất game cho thị trường quốc tế ngày càng thu hẹp và việc xuất khẩu game đã không còn là lĩnh vực màu mỡ như trước. Vì thế, nếu muốn thành công, doanh nghiệp phải có những bước đi khôn ngoan hơn.

Trong khi đó, ở “sân nhà”, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những “ông trùm” game quốc tế. Mỗi năm, có hơn 500 game được phát hành trong nước, nhưng số lượng game do doanh nghiệp Việt tự sản xuất vẫn còn rất ít ỏi, phần nhiều trong đó là các studio game sản xuất game phát hành qua App Store, Google Play.

Vì vậy, game Việt muốn phát triển phải cùng lúc mua game phát hành và nghiên cứu đầu tư dự án của riêng mình, phải có hệ thống thanh toán phù hợp với thị trường, đầu tư lớn và bài bản cho vận hành game, cùng với đó, phải xây dựng và phát triển hệ sinh thái nền tảng của mình. Nếu muốn có đột phá lớn, ngành game còn rất nhiều việc phải làm, từ vấn đề cơ chế chính sách, đến việc rà quét game lậu, khuyến khích đầu tư, đổi mới sáng tạo…

Báo cáo Thị trường game toàn cầu năm 2020 của NewZoo cho thấy, dù đại dịch Covid-19 bùng phát, tổng doanh thu ngành game toàn cầu năm 2020 vẫn đạt 159,3 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2019, trong đó 50% giá trị đến từ game di động.

Cụ thể, game di động cho máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh (smartphone) đạt tổng doanh thu 77,3 tỷ USD, riêng nhóm game di động cho thiết bị smartphone tăng trưởng doanh thu 15,8%.

Tin bài liên quan