Dòng tiền tăng mạnh khiến giá trị giao dịch tăng đột biến. Ảnh: Dũng Minh.

Dòng tiền tăng mạnh khiến giá trị giao dịch tăng đột biến. Ảnh: Dũng Minh.

Hết lo nghẽn lệnh: Chờ hệ thống mới!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ, không có một văn bản chính thống nào yêu cầu hay đề nghị các công ty chứng khoán chỉ được giới hạn số lệnh giao dịch trong một phiên, nhưng thực tế các bên phải “tự đóng cửa bảo nhau”...

Công ty chứng khoán “tự giới hạn”

Các phiên giao dịch trong tuần qua tiếp tục chứng kiến sự thắng thế của dòng tiền khi giá trị khớp lệnh trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) mỗi phiên dao động quanh 18.000 tỷ đồng, một con số ấn tượng mới. Tình trạng nghẽn lệnh vẫn xảy ra, đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực phối hợp xử lý của các thành viên thị trường.

Theo các nhà đầu tư, việc chia quota đặt lệnh trong các phiên giao dịch có thể được hiểu chẳng hạn như Công ty S. được chia 100.000 lệnh, nếu hết giờ giao dịch sáng mà nhà đầu tư dùng hết quota thì buổi chiều mời các anh chị “ngồi chơi xơi nước”.

Quan sát đồ thị kỹ thuật các phiên giao dịch tuần qua đều dễ thấy sau 14h10 là khối lượng và giá trị giao dịch sụt giảm mạnh. Phiên giao dịch chiều 14/1/2021, lệnh trơn tru đến khoảng 14h25.

Lý do theo một số nhà đầu tư thạo tin là do hệ thống của Công ty Chứng khoán VPS “đơ” nên số lệnh vào HOSE ít đi. Một số công ty chứng khoán lại bị lỗi hệ thống nên thông báo không cho các nhà đầu tư hủy sửa lệnh trong phiên.

Bên cạnh tình trạng “tắc đường” tiếp tục tái diễn, tuần qua nhiều nhà đầu tư phản ánh gặp khó khăn trong giao dịch do bảng điện của HOSE có những thời điểm cập nhật dữ liệu chậm so với thời gian thực.

Chẳng hạn, tại mã cổ phiếu X., giá khớp đang là 35.000 đồng/cổ phiếu trong khi cột dư mua vẫn hiển thị mức giá 35.300 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư còn ví von, giao dịch chứng khoán hàng tỷ đồng mà chẳng khác nào đánh cờ úp.

Thắc mắc tới công ty chứng khoán thì họ được trả lời, bảng điện chậm do phụ thuộc vào HOSE, dữ liệu Sở trả chậm thì cũng lên bảng chậm, nhiều lúc bảng chậm so với thực tế khớp rất lâu.

Trao đổi về câu chuyện này, giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ, không có một văn bản chính thống nào yêu cầu hay đề nghị các công ty chứng khoán chỉ được giới hạn bằng này lệnh giao dịch trong một phiên, nhưng thực tế các bên phải “tự đóng cửa bảo nhau” phối hợp và hỗ trợ thị trường.

Các công ty chứng khoán sẽ tự phải nhận một giới hạn lệnh nhất định, để đảm bảo cho hệ thống vận hành đỡ quá tải, nghĩa là khuyến cáo khách hàng đặt lệnh sớm, đối với các giao dịch lô lớn thì nên chuyển sang giao dịch thỏa thuận...

Cũng theo vị này, về mặt lý thuyết, hệ thống giao dịch chung của thị trường đang bị quá tải, mỗi nhà đầu tư cần giảm thiểu việc rải lệnh nhỏ để giúp giảm tải chung, nâng lô, tăng bước giá…

Trong ngắn hạn, các công ty cũng áp dụng những biện pháp như chuyển tải bớt qua HNX, UPCoM…, nói cách khác là khuyên nhà đầu tư tạm thời sang chơi sàn khác để giảm bớt được đáng kể số lệnh giao dịch, từ đó giúp giảm tình trạng quá tải hiện nay.

Cho rằng nghẽn lệnh ngoài việc do bị dồn toa, còn đến từ các giao dịch tự động, giao dịch bằng robot, HOSE đang tính đến việc sẽ cấm các lệnh tự động.

Tuy vậy, giám đốc phát triển sản phẩm của một công ty chứng khoán lại chia sẻ, giao dịch qua robot là xu thế chung của thế giới, Việt Nam không thể đi ngược. Khi chúng ta đang ở thời đại 4.0 thì các loại giao dịch này cần phải được phát triển hơn.

UBCK nói gì?

Về vấn đề nghẽn lệnh và các giải pháp khắc phục, Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh ý kiến của các thành viên thị trường tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đồng thời đề nghị cần có giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng này.

Theo UBCK, từ ngày 21/12/2020, có hiện tượng một số lệnh giao dịch của nhà đầu tư qua các công ty chứng khoán không gửi được vào hệ thống giao dịch tại HOSE. Hiện tượng này xảy ra khá thường xuyên.

UBCK đã khẩn trương họp với HOSE và các công ty chứng khoán lớn để đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục để đảm bảo giao dịch thông suốt trên thị trường.

Qua khảo sát và kiểm tra thực tế, UBCK đánh giá hiện tượng “nghẽn lệnh” do một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch của HOSE có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của TTCK trong thời gian vừa qua.

UBCK đánh giá việc TTCK và lượng lệnh của các nhà đầu tư tăng đột biến trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, càng về cuối năm, thực tế càng chứng minh Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng.

Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít nước giữ được mức tăng trưởng dương với GDP tăng 2,91% và được dự báo phục hồi ở mức 6,5 - 6,8% trong năm 2021. Đây là động lực chính giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư và thu hút dòng vốn đầu tư vào TTCK.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường trong dịch Covid-19 như Thông tư số 14/2020/TT-BTC giảm giá một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC về quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19....

Theo UBCK, qua thống kê cho thấy dòng tiền mới liên tục đổ vào giúp thanh khoản của thị trường cổ phiếu tăng mạnh lên mức kỷ lục.

Tính chung cả năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt trên 7.400 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân phiên năm 2019. Riêng trong tháng 12/2020, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 15.000 tỷ đồng/phiên.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng khoảng 109% so với năm 2019 và khoảng 54% so với năm 2018.

Thứ hai, sản phẩm giao dịch mới chứng quyền có bảo đảm tuy mới được triển khai từ năm 2019 nhưng cũng được đông đảo công ty chứng khoán và nhà đầu tư quan tâm.

Thứ ba, TTCK phái sinh cũng tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần gia tăng thanh khoản trên thị trường cơ sở.

Để đảm bảo cho hoạt động thông suốt của thị trường, khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch, UBCK cho biết, đã báo cáo Bộ Tài chính và chỉ đạo HOSE triển khai đồng thời và đồng bộ các giải pháp.

Về ngắn hạn, thực hiện ngay các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống, gồm nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để hạn chế giao dịch lô lẻ từ ngày 4/1/2021, phối hợp và yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động... nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống, thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra đối với hệ thống giao dịch, tăng cường trực ca vào các thời gian giao dịch cao điểm.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay.

Về giải pháp trung hạn, UBCK đã yêu cầu HOSE nghiên cứu nâng cấp hệ thống dự phòng cho hệ thống giao dịch hiện tại, đảm bảo các giao dịch diễn ra suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động.

Về giải pháp dài hạn, UBCK đã yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để có thể giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch.

Những giải pháp nêu trên đã cho những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, UBCK cho rằng, các giải pháp này chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn và trung hạn, không giải quyết được triệt để vấn đề quá tải hệ thống, nhất là trong xu thế TTCK đang ngày một tăng trưởng mạnh. Do đó, cần sớm đưa dự án công nghệ thông tin thị trường chứng khoán (KRX) vào áp dụng thì mới có thể giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch hiện nayn

Tin bài liên quan