Hero và Jet là hai nhãn hiệu thuốc lá ngoại được nhập lậu nhiều nhất vào Việt Nam

Hero và Jet là hai nhãn hiệu thuốc lá ngoại được nhập lậu nhiều nhất vào Việt Nam

Hero và Jet “tung hoành” thị trường thuốc lá lậu TP.HCM

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), trong 4 tháng qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, thị phần thuốc lá lậu ở TP.HCM đã giảm gần 1% (tương đương với 4 triệu bao). Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa được như mong đợi.

Những cung đường thuốc lá lậu

Một ngày giữa tháng 3/2014, khi có mặt tại khu vực đường Đặng Công Bỉnh (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM), phóng viên Báo Đầu tư đã không khó để “chạm mặt” với những người được cho là vận chuyển thuốc lá lậu (thường gọi là “nài thuốc”). Hai thanh niên chạy xe máy chở theo kiện hàng lớn được phủ bạt xanh rú ga đi rất nhanh về hướng cầu Bông (Quốc lộ 22). Dường như phát hiện có người lạ bám theo, họ tăng ga rồi nhanh chóng rẽ vào một đường nhỏ chạy ngoằn nghèo qua cánh đồng. 

Cách đó không xa, ngay ở một tiệm tạp hóa thuộc ấp Nhị Tân 2, có thể thấy các cây thuốc lá hiệu Jet và Hero được bày bán khá công khai. Khi được khách hỏi giá mua lẻ, bà chủ hiệu tạp hóa đon đả cho biết, giá thuốc lá Jet là 16.000 đồng/bao, còn Hero là 14.000 đồng/bao. Giá này rẻ hơn so với trước đó một tuần và khách muốn mua bao nhiêu cũng có.

Gần khu vực này, trên đường Nguyễn Văn Bứa (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), một nhóm 3 thanh niên cũng chở những kiện hàng phủ bạt xanh từ tỉnh lộ 9 qua cầu Lớn rú ga hướng thẳng về ngã ba Giồng, nơi có lối rẽ về hai hướng là Quốc lộ 22 và Quốc lộ 1, rồi nhanh chóng mất hút. Sau đó, chừng khoảng 5 phút, lại có một tốp chừng 5-6 người chở hàng chạy vụt qua.

Theo quan sát của phóng viên, trên suốt tuyến đường dài chừng 3 km này có nhiều điểm cà phê võng, tại đó, có những người đàn ông dường như làm nhiệm vụ “cảnh giới”, khi thấy có người lạ dừng lại quan sát, liền tiến đến có vẻ dè chừng, rồi rút điện thoại nhắn tin liên tục. Ngay sau đó, không còn thấy các nhóm thanh niên chở các kiện hàng xanh chạy qua nữa, cho dù khi đó là thời điểm giữa trưa, đường khá vắng vẻ.

Qua tìm hiểu được biết, khu vực ngã ba cầu Lớn là một trong những cung đường “nóng”, được chọn để vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe máy từ vùng giáp ranh vào khu vực trung tâm của TP.HCM. Bởi, khu vực này là giáp ranh giữa huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) với huyện Hóc Môn, kế đến là huyện Củ Chi (TP.HCM), liền kề với huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) có tuyến Quốc lộ 22 ra cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số người dân, thì xe buýt cũng là phương tiện được giới buôn lậu thuốc lá lựa chọn. Một người ở quận Tân Phú thường xuyên đi làm bằng xe buýt  tuyến 13 (Củ Chi - Bến Thành) và 65 (bến xe An Sương - Công viên 23/9) cho biết, nhiều lần đã gặp các xe buýt chở những kiện hàng nhiều khả năng là thuốc lá lậu, thường tập trung ở tuyến 65. 

Theo đó, các kiện hàng được đưa lên ở khu vực ngã tư An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), đến khoảng 18 h hàng ngày, xe đến điểm dừng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (giáp ranh quận 3 và quận 10) thì thả hàng xuống. Ngay sau đó, có người chờ sẵn đưa hàng lên xe máy rồi nhanh chóng chở đi…

Thiếu chế tài đủ mạnh

Theo báo cáo của VTA, với tổng cộng khoảng 850 triệu bao thuốc/năm, hai nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero hiện chiếm hơn 90% thị phần thuốc lá lậu tại Việt Nam. Thuốc lá Jet và Hero do Công ty Thương mại thuốc lá Sumatra (STTC, Indonesia) sản xuất, sau đó được vận chuyển bằng đường biển qua cảng Bangkok (Thái Lan) đến Lào và qua cảng Shihanoukville đến Campuchia theo hình thức tạm nhập tái xuất. 

Thuốc lá lậu chủ yếu được tập kết tại khu vực biên giới Campuchia - Việt Nam, sau đó được vận chuyển vào Việt Nam bằng cả đường bộ lẫn đường thủy.

Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng thư ký VTA cho biết, mỗi năm, thuốc lá lậu khiến thị trường cung ứng nguyên liệu thuốc lá trong nước mất khoảng 18.000 tấn (tương ứng diện tích trồng là 10.000 ha) và ngành sản xuất thuốc lá (từ chế biến nguyên liệu, sản xuất thuốc lá điếu, các dịch vụ thương mại, phụ trợ…) ảnh hưởng hưởng đến thu nhập, việc làm cho khoảng 6 triệu lao động. 

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát, đánh giá của Tổ chức quốc tế Oxford Economics, chỉ riêng năm 2012, thuốc lá lậu đã gây thất thu khoảng 6.500 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, đại diện của VTA cũng cho rằng, dù lực lượng liên ngành đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, chặn bắt, nhưng kết quả còn hạn chế, do chưa quyết liệt, chưa thường xuyên và chưa “chạm” được vào các điểm nóng. Ngoài ra, còn do nguyên nhân địa hình các khu vực giáp ranh khá phức tạp, sự phối hợp với chính quyền các địa phương chưa chặt chẽ, một số người dân vì “mưu sinh”, nên tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu…

Theo ông Nghiệp, để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần thực hiện các giải pháp mạnh, triệt để hơn, như nâng mức xử phạt với các hành vi liên quan đến thuốc lá lậu (điều chỉnh mức xử phạt từ 1.500 gói là khởi tố hình sự xuống còn 1.000 gói thuốc); có chế tài xử lý thật nghiêm hành vi mua, bán thuốc lá lậu; xem xét chấm dứt hoàn toàn hình thức thí điểm tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu (bởi việc thuốc lá lậu có nguy cơ thẩm lậu trở lại thị trường Việt Nam); yêu cầu các đơn vị tái xuất chứng minh được thị trường điểm đến của thuốc lá lậu được tái xuất…

Ở khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Hồng Lâm, Trưởng Văn phòng luật sư Đông Du (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, các chế tài xử phạt hiện còn nhẹ (người vận chuyển có thể “lách” luật bằng cách chỉ vận chuyển 1.400 bao để tránh bị khởi tố hình sự), chưa có tác dụng răn đe cần thiết. “Do đó, cần tăng mức xử phạt, chẳng hạn có thể hạ số lượng bao thuốc lá khi vận chuyển để có thể khởi tố hình sự…”, luật sư  Lâm đề xuất.

Tin bài liên quan