Michael Johnson.

Michael Johnson.

Herbalife “gồng mình” lo đối phó trước tin xấu

(ĐTCK) Gần đây, các vị lãnh đạo Herbalife Ltd., tập đoàn cung cấp các loại thực phẩm chức năng có tiếng của Mỹ đã phải “gồng mình” tìm mọi cách đối phó với một số cáo buộc rằng, mô hình kinh doanh đa cấp của Herbalife có vấn đề lớn, cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức.

Trong tuần trước, ông Michael Johnson, Giám đốc điều hành (CEO) của Herbalife đã tổ chức cuộc họp bất thường với các cổ đông của Công ty và báo giới, nhằm khẳng định lại mọi hoạt động của Công ty là trong sạch, minh bạch và tuân thủ đúng pháp luật.

Herbalife cũng đã phải mất công mời bằng được bà Anne Coughlan, giáo sư về quản lý kinh doanh có tiếng của Trường kinh doanh Kellogg, Đại học Northwestern (Mỹ) đến giải thích thêm về mô hình kinh doanh đa cấp hiện tại của Herbalife.

Động thái này nhằm đáp trả lại lời cảnh báo rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của ông William A. Ackman, người sáng lập và là CEO của Quỹ đầu tư mạo hiểm Pershing Square Capital Management về mô hình kinh doanh đa cấp của Herbalife. Ông William A. Ackman đã đưa ra một số bằng chứng chống lại Herbalife, sau khi tiến hành điều tra, nghiên cứu về mô hình kinh doanh của Herbalife trong năm 2012. Ông coi chiến dịch chống Herbalife của mình là: “việc thiện, làm cho mọi người tỉnh ngộ khỏi cơn cuồng Herbalife”.

Tiếp theo, ông William A. Ackman còn đưa ra những tấm hình chụp câu lạc bộ “Nutrion Club” ở các địa điểm khác nhau trên nước Mỹ và lý giải, ngoài danh nghĩa là câu lạc bộ dinh dưỡng, tư vấn các bữa ăn hợp lý, Nutrion Club còn là một kênh bán lẻ trá hình của Herbalife. Với những hình ảnh chụp trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9/2012, ông William A. Ackman càng có cơ sở khẳng định về một mô hình lừa đảo kiểu kim tự tháp (nguyên văn tiếng Anh: pyramid scheme) đang hình thành trong kinh doanh đa cấp của Herbalife.

“Một khi bạn cho rằng, đây là một cơ hội để kinh doanh, thì bạn sẽ tìm cách lôi kéo 5 người bạn tham gia; mỗi người đó lại lôi kéo 5 người khác tiếp theo... Cứ thế, rõ ràng, mô hình kinh doanh của Herbalife là một mô hình kinh doanh kim tự tháp. Và các mô hình kim tự tháp về bản chất là lừa đảo”, William A. Ackman nhấn mạnh. Không chỉ nói, ông còn công khai bán tháo cổ phiếu của Herbalife và kêu gọi nhà đầu tư bán tháo khiến cho giá cổ phiếu của Herbalife tại Sở GDCK New York giảm liên tục trong nhiều phiên gần đây. William A. Ackman từng nổi tiếng là một nhà đầu tư có uy tín và rất có “đầu óc”. Theo phân tích của Công ty SunGard Financial Systems, gần đây, đã có tình trạng không ít nhà đầu tư cá nhân bán tháo cổ phiếu của Herbalife. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đang tiến hành điều tra làm rõ hiện tượng này.

Theo kết quả điều tra thu nhập các CEO tại Mỹ do Hãng Tư vấn quản trị doanh nghiệp GMI Ratings thực hiện, năm 2011, Michael Johnson, CEO Herbalife đứng đầu bảng, với tổng thu nhập 89,4 triệu USD, vượt xa CEO của nhiều tập đoàn lớn khác. Chẳng hạn, ông Sam Palmisano, CEO của Tập đoàn Công nghệ cao IBM chỉ có thu nhập 63,2 triệu USD. Câu hỏi đặt ra là, Herbalife làm ăn kiểu gì mà CEO kiếm bộn tiền như vậy? Bởi lẽ, doanh thu năm 2011 của Herbalife là 3,54 tỷ USD và lợi nhuận thuần là 412,6 triệu USD, những con số không lấy gì là ghê gớm so với mặt bằng chung của Mỹ.

Về phần mình, ông Michael Johnson lẫn ông Des Walsh, Chủ tịch Herbalife đều cố gắng giải thích, biện minh cho mô hình kinh doanh của Herbalife.

Herbalife hiện có mạng lưới 3 triệu nhà phân phối độc lập tại hơn 81 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam) chuyên bán các sản phẩm như vitamin, đồ uống thực phẩm chức năng, kem dưỡng da… Các nhà phân phối kiếm tiền từ việc bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng và còn được hưởng hoa hồng (một tỷ lệ nhất định trên doanh số bán hàng của nhà phân phối thứ cấp do chính họ tuyển dụng).

Ông Des Walsh, Chủ tịch Herbalife còn lập luận: “Nếu chúng tôi làm ăn theo kiểu chụp giật, thì tội gì chúng tôi phải đầu tư hàng trăm triệu USD cho các cơ sở sản xuất hiện  đại và các sản phẩm?”. 

Điều đáng nói là Herbalife chỉ tìm cách bảo vệ mình, chứ không hề có động thái đưa ông William A. Ackman ra toà về tội vu khống, vốn là cách mà nhiều doanh nghiệp ở Mỹ thường làm, một khi họ thấy có đủ cơ sở pháp lý trong tay.

Một số nhà phân tích nhận xét, ông William A. Ackman là nhà đầu tư và phân tích lão luyện, nên mới tung màn đầu để khiêu khích, chọc tức Herbalife. Sau đó, tuỳ vào cách phản ứng của lãnh đạo Herbalife, ông sẽ tìm cách “chơi” tiếp. Không loại trừ khả năng, ông này sẽ tìm cách lôi các nhà quản lý tại Ủy ban Thương mại liên bang (Federal Trade Commission - FTC) vào cuộc. Nếu FTC phát hiện được mô hình kinh doanh bất hợp pháp, thì coi như Herbalife bị khai tử ở Mỹ và cổ phiếu sẽ chẳng có giá trị gì.

Vấn đề cuối cùng, động cơ ở đây là gì khi đang yên, đang lành, ông William A. Ackman lại đi “cà khịa” với Herbalife?