Hệ thống ngân hàng tính sớm gói ưu đãi và lo... nợ xấu

Hệ thống ngân hàng tính sớm gói ưu đãi và lo... nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ thống ngân hàng chưa kịp hồi phục sau đợt dịch bệnh thứ nhất thì đợt thứ hai đã quay trở lại khiến khó càng thêm khó, đặc biệt là vấn đề nợ xấu.

Liên tục các gói hỗ trợ tín dụng

Trước làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19, từ 1/8/2020, SHB triển khai chương trình Tiếp sức khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam với gói tín dụng 2.500 tỷ đồng bao gồm nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường cho cả khách hàng hiện hữu.

Đây là gói tín dụng được triển khai song song với gói tín dụng 25.000 tỷ đồng SHB đã và đang triển khai trên toàn quốc.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, thời gian tới, chắc chắn các tổ chức tín dụng sẽ đẩy mạnh các gói tín dụng với nhiều ưu đãi hơn dành cho các đối tượng khách hàng và đặc biệt là các địa phương cụ thể bởi “tiền vẫn đang đọng khá nhiều ở ngân hàng do cho vay vốn đã khó sẽ ngày càng khó khăn”.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tuần từ 27/7 đến 31/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện giao dịch mới, khép lại một tháng không bơm/hút ròng trên thị trường mở.

Thanh khoản các ngân hàng dồi dào, lãi suất dao động ở vùng thấp trong suốt tháng và nhích nhẹ vào cuối tháng. Tại cuối tháng, lãi suất qua đêm ở mức 0,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 0,39%/năm, tăng lần lượt 10 và 9 điểm phần trăm so với cuối tuần liền trước.

Cùng với đó, lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh giảm ở một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn, mức giảm từ 20-50 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, khiến lãi suất tiền gửi của nhóm này về sát với lãi suất của 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Như vậy, trong 7 tháng qua, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1-2%/năm so với cuối năm 2019 ở hầu khắp các ngân hàng.

Tính bình quân, lãi tiền gửi các ngân hàng thương mại trong 7 tháng đầu năm 2020 đã giảm 70-90 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 100 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên so với mức bình quân năm 2019.

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 vẫn đang ở mức xấp xỉ 4%. Còn theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này đến 28/7 chỉ đạt 3,45%.

Cũng theo SHB, ngoài các gói ưu đãi lãi suất, ngân hàng này tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch theo đúng tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN để hỗ trợ khách hàng tổng thể nhất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, với đợt dịch thứ nhất, nền kinh tế trong đó có hệ thống ngân hàng chưa kịp hồi phục thì đợt dịch bệnh thứ hai đã quay trở lại từ cuối tháng 7, khiến các khách hàng của ngân hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng, chịu tác động mạnh. Do đó, hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ không nhiều tích cực trong thời gian tới.

“Tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hiện đang ở mức tốt do không chuyển nhóm nợ với sự cho phép của NHNN, nhưng nguy cơ nợ xấu tăng mạnh trong năm tới đã hiện hữu”,
TS. Hiếu nêu quan điểm.

Cẩn trọng hệ lụy ngoài dự kiến

Trong báo cáo về thị trường cận biên tại châu Á vừa được HSBC công bố, nhận định về các rủi ro Việt Nam phải đối mặt, ngân hàng này đã dẫn lại một đánh giá của Fitch: “Hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam do kỳ vọng không tốt về cung cầu tín dụng, lợi nhuận giảm do biên lợi nhuận thu hẹp và dự phòng nợ xấu gia tăng”.

Quả vậy, giống như các ngân hàng khác trong khu vực, một số ngân hàng Việt Nam đã áp dụng các biện pháp ưu tiên để tăng cường các khoản dự phòng tổn thất.

Động thái này nhằm bảo vệ bảng cân đối kế toán ngay cả khi nhiều quy định được nới lỏng từ cơ quan quản lý cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào cuối tháng 7/2020 cũng đưa ra cảnh báo về quản lý rủi ro tín dụng.

Cụ thể, WB cho biết, chính sách tiền tệ của NHNN có thể dẫn đến những hệ lụy ngoài dự kiến trong trung hạn.

Theo WB, khối lượng cung tiền và giá cả có sự tương quan trong dài hạn, nếu NHNN phải tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới có thể khiến cho giá cả tăng đáng kể, trong khi tác động đến lạm phát trong ngắn hạn lại hạn chế do tốc độ giao dịch bị suy giảm vào những thời điểm khủng hoảng.

Một hiệu ứng nữa khi nới lỏng cho vay là một số ngân hàng có thể thấy kết quả kinh doanh của họ kém đi do tỷ lệ nợ xấu trong danh mục tăng lên.

Ước tính gần đây của WB cho thấy, chất lượng tài sản có ở một số ngân hàng đang đối diện nguy cơ sụt giảm khi nhuận của các doanh nghiệp giảm xuống trong vài tháng qua.

Theo báo cáo của WB, đến giữa năm nay, 1/4 danh mục vốn vay của quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thậm chí một số khoản có khả năng trở thành nợ xấu.

“Mặc dù rủi ro hệ thống về khủng hoảng tài chính không cao, nhưng một số ngân hàng có thể dễ bị tổn thương, nhất là những ngân hàng từng cho vay các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bị giảm thu nhập và thiếu vốn”, báo cáo của WB nêu rõ.

Một sự kiện đáng chú ý trong tuần, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm WB, đã công bố về việc cấp các khoản vay thời hạn 1 năm và có thể gia hạn trị giá 100 triệu USD cho VPBank và 40 triệu USD cho OCB - những khách hàng hiện tại của IFC, nhằm tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới, đồng thời kéo giãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Kinh nghiệm từ những cú sốc trong quá khứ, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã mang đến một bài học rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Do đó, việc duy trì thanh khoản cho những doanh nghiệp này có vai trò rất quan trọng nhằm duy trì việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế”.

Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Đây là một hoạt động tín dụng thường xuyên của IFC, tuy nhiên, tại thời điểm này, khoản vay là một mũi tên trúng 2 đích: Hỗ trợ thanh khoản và ngăn chặn nguy cơ nợ xấu. Cụ thể, hỗ trợ ngân hàng để có lượng thanh khoản sẵn sàng cho vay, mà thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vay vốn sẽ cần thời gian dài mới có thể trả nợ. Nếu không, món vay sẽ chuyển đổi thành nợ xấu”.

Tin bài liên quan